Song song với việc ký kết các hợp đồng nhập khẩu vũ khí, Việt Nam đang tăng cường hiện đại hóa quân đội theo phương thức mới, đó là hợp tác cùng phát triển và sản xuất một svũ khí của Nga theo dây chuyền chuyển giao công nghệ. Điều này giúp đảm bảo khả năng tự cung tự cấp vũ khí, đồng thời tiếp thu được dây chuyền công nghệ hiện đại, phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước.
Có thể điểm danh một số hệ thống vũ khí rất hiện đại của Nga, đang được Việt Nam phát triển và sản xuất theo giấy phép như sau:
1. Tàu tên lửa cao tốc Molniya
Năm 2005, Việt Nam mua giấy phép đóng 12 tàu tên lửa lớp Project 1241.8 Molniya (kể cả 4 chiếc trong điều khoản phụ).
Theo hợp đồng, 2 tàu Molniya đầu tiên đã được nhà máy đóng tàu Vympel hoàn thiện và bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào năm 2007-2008 (số hiệu HQ-375 và HQ-376).
Viện thiết kế hàng hải trung ương Almaz ở St. Petersburg cùng với nhà máy đóng tàu Vympel đã chuyển giao cho Việt Nam tài liệu kỹ thuật cần thiết để đóng các tàu này, đồng thời cử các chuyên gia sang Việt Nam để giám sát, hỗ trợ quá trình đóng mới tàu chiến. Hai chiếc Project 1241.8 Molniya đầu tiên đã được khởi đóng vào tháng 10/2010 tại nhà máy đóng tàu Ba Son ở TP. Hồ Chí Minh.
Sau hơn một năm kể từ ngày khởi đóng, hai chiến hạm cao tốc mang tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35E đã được lần lượt hạ thủy vào tháng 3 và đầu tháng 4/2013 vừa qua.
Theo các phương tiện truyền thông Nga, 2 tàu Molniya đầu tiên mang tên M1 và M2, được đóng tại nhà máy Ba Son sau khi hoàn thành thử nghiệm, sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2013. Bốn tàu còn lại sẽ được hoàn thiện và bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2016.
Theo kế hoạch, nhà máy đóng tàu Vympel sẽ tiếp tục cung cấp các thiết bị bổ sung cho 6 tàu tên lửa Molniya đóng tại Việt Nam cho đến năm 2016. Tất cả loạt 6 tàu Molniya này đều đang trong các quá trình thử nghiệm và đóng mới khác nhau.
Tàu tên lửa lớp Molniya có lượng giãn nước gần 500 tấn, tốc độ 40 hải lý/h, được trang bị 16 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E có tầm bắn xa 130km, 01 bệ phóng lắp 4 tên lửa phòng không Igla với cơ số 24 quả, 01 pháo hạm 76,2 mm AK-176M và 02 ụ pháo phòng thủ tầm gần 6 nòng 30mm AK-630.
Với trang bị vũ khí chống hạm cực mạnh như vậy, kết hợp với khả năng tăng tốc lên đến 40 hải lý/giờ, Molniya được mệnh danh là những chú "ong độc" có thể đốt (tiêu diệt đối phương) nhanh như chớp. Đây cũng là loại tàu chiến mạnh thứ hai trong Hải quân Việt Nam, chỉ sau chiến hạm Gepard 3.9.
2. "Sát thủ diệt hạm" Kh-35EV
Giữa tháng 2/2012, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Mikhail Dmitriev, Giám đốc Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga cho biết, Nga và Việt Nam sẽ bắt đầu hợp tác để cùng nhau phát triển một tên lửa hành trình mới, dựa trên tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E. Đây là một dự án sẽ hoạt động giống như mô hình phát triển tên lửa hành trình siêu âm BrahMos của Nga và Ấn Độ.
Mới đây nhất, hôm 24/9/2013, nhân buổi lễ nhà máy đóng tàu Zelenodolsk (Nga) khởi đóng 2 chiến hạm Gepard 3.9 phiên bản chống ngầm mới cho Hải quân Việt Nam, Phó Giám đốc Zelenodolsk một lần nữa xác nhận rằng, Nga đang giúp đỡ Việt Nam trong dự án phát triển loại tên lửa chống hạm nội địa mang tên Kh-35EV (V - biến thể dành cho Việt Nam).
Chi tiết về loại tên lửa hành trình mới không được tiết lộ. Nhưng theo Đài Tiếng nói nước Nga, tên lửa Kh-35EV sẽ có tầm xa tấn công mục tiêu lên tới 300km và mang theo đầu đạn nặng tới 300kg. Tên lửa Kh-35EV được thiết kế để có thể hoạt động trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, có thể chống lại mức độ gây nhiễu cao và cường độ hỏa lực mạnh của đối phương. Như vậy, so với nguyên mẫu Kh-35E thì phiên bản mới Kh-35EV sẽ được Việt Nam sản xuất có tầm bắn được nâng lên gấp đôi.
Phần lớn các chiến hạm tên lửa hiện đại của Hải quân Việt Nam đều đang sử dụng tên lửa hành trình chống tàu Kh-35E Uran làm vũ khí tấn công chủ lực. Chính vì vậy, tên lửa này có thể được mệnh danh là "sát thủ diệt hạm" của Hải quân Việt Nam, sẵn sàng đưa những chiến hạm của đối phương xuống đáy đại dương trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột trên Biển Đông.
(Còn tiếp)