Nga có thể chuyển giao cho Việt Nam nhiều công nghệ quân sự

Trường Sơn |

(Soha.vn) - Hợp tác kỹ thuật - quân sự Việt-Nga có thể sẽ chuyển dần từ việc cung cấp các hệ thống vũ khí và trang thiết bị quân sự hoàn chỉnh sang chuyển giao công nghệ.

Tờ Mail.ru của Nga đưa tin, trong chuyến thăm Việt Nam hôm 12/11 vừa qua của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hiệp định liên chính phủ mới về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước được ký kết, cho phép dự đoán rằng, các hợp đồng cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự giữa hai nước sẽ sớm được thúc đẩy.

Chuyên gia Vasily Kashin, Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) Nga nhận định rằng, hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa Nga và Việt Nam có thể sẽ chuyển đổi từ việc cung cấp các hệ thống vũ khí và trang thiết bị quân sự hoàn chỉnh sang chuyển giao công nghệ và phát triển công nghiệp quốc phòng, dựa trên nền công nghiệp quốc phòng hiện nay của Việt Nam.

Theo tiết lộ của Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, thỏa thuận hợp tác kỹ thuật - quân sự mới giữa Nga và Việt Nam sẽ liên quan đến "những vấn đề công nghệ và mở rộng phạm vi cung cấp thiết bị quân sự".

Tàu tên lửa Molniya - sản phẩm tiêu biển cho hợp tác chuyển giao công nghệ quốc phòng Nga-Việt Nam
Tàu tên lửa Molniya - sản phẩm tiêu biển cho hợp tác chuyển giao công nghệ quốc phòng Nga-Việt Nam

Phát triển công nghiệp quốc phòng là một nỗ lực hiển nhiên và hợp quy luật của Việt Nam. Dân số đất nước tiến tới ngưỡng 90 triệu người, theo Tổ chức Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF dự đoán, sản phẩm quốc nội trong năm nay của Việt Nam sẽ đạt khoảng 170 tỷ USD. Ngân sách quốc phòng Việt Nam năm 2012 là 3,33 tỷ USD, với lực lượng vũ trang hơn 480.000 người. Quân đội Việt Nam đang sở hữu số lượng đáng kể vũ khí Liên Xô, được cung cấp từ thời Chiến Tranh Lạnh và cần được thay thế.

Với nguồn ngân sách quốc phòng ngày càng được gia tăng, quân đội Việt Nam có thể sẽ chuyển sang mua thiết bị mới nhiều hơn. Vì vậy, đầu tư xây dựng sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam là điều hoàn toàn hợp lý. Những dự án hợp tác như vậy còn góp phần thúc đẩy tổng thể tiềm năng công nghiệp của nền kinh tế Việt Nam.

Những bước đầu tiên theo hướng này đã được thực hiện, đó là tổ chức đóng tại Việt Nam 10 trong số 12 tàu tên lửa cao tốc Project 12418 Molniya của Nga và sản xuất một số thiết bị trang bị tàu. Có khả năng Việt Nam sẽ quan tâm mở rộng phạm vi sản xuất các kỹ thuật tương đối đơn giản phục vụ Lục quân, tự lực sản xuất vũ khí dành cho Không quân và Hải quân. Kho xe tăng và xe bọc thép chiến đấu của quân đội Việt Nam cũng có nhu cầu thay thế và đổi mới rõ rệt.

Việt Nam và Nga cũng đang hợp tác cùng nhau phát triển biến thể tên lửa chống tàu Kh-35EV
Việt Nam và Nga cũng đang hợp tác cùng nhau phát triển biến thể tên lửa chống tàu Kh-35EV

Quá trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam nhìn chung đang phát triển nhanh chóng, qua việc tích cực trang bị cho lực lượng vũ trang những thiết bị kỹ thuật phù hợp với khả năng mới của ngân sách và nền kinh tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại