Có cần bố trí tổ hợp tên lửa phòng không ở Cam Ranh?

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Trước đây, nhiệm vụ phòng không ở Cam Ranh của Hải quân Liên Xô và Nga chủ yếu do lực lượng máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-23 đảm nhận.

"Đại bàng" trên bầu trời Cam Ranh

Việc Cam Ranh không có một tổ hợp tên lửa phòng không nào liệu có phải là một lỗ hổng trong hệ thống bảo vệ của căn cứ? Có cần tăng cường một tổ hợp tên lửa nào không? Trong khi chưa có tên lửa phòng không thì lực lượng nào sẽ đảm nhận nhiệm vụ này?

Chúng ta có thể tìm hiểu tổ chức của lực lượng Hải quân Nga và Liên Xô tại căn cứ Cam Ranh ở thời gian trước đây để xem so với họ, chúng ta còn thiếu những lực lượng phòng không nào?

Vào năm 1984, Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô đặt ngoài các nước thuộc Khối hiệp ước Vacsava. Tại Cam Ranh, Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô đặt một đội chiến đấu cơ MiG-23, 4 máy bay chống tàu ngầm và 10 oanh tạc cơ tầm trung Tu-16. Khoảng 25 tàu hải quân Liên Xô hoạt động tại Cam Ranh, gồm tàu chiến mặt biển, tàu ngầm và tàu hỗ trợ, cùng với khoảng 4.500 đến 5.000 binh sĩ.

Đến năm 1986, trên sân bay căn cứ Cam Ranh triển khai trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập, gồm 4 máy bay Tu-95, 4 chiếc Tu-142, phi đoàn máy bay Tu-16 khoảng 20 chiếc các loại, phi đoàn MiG-23 khoảng 15 chiếc, hai máy bay vận tải An-24 và 3 máy bay lên thẳng Mi-8. Ngoài ra, trung đoàn còn quản lý và chỉ huy căn cứ chống tàu ngầm, tiểu đoàn tên lửa và tiểu đoàn kỹ thuật.

Theo các thông tin, sau khi Nga rút khỏi căn cứ Cam Ranh năm 2002, Việt Nam đã tiếp nhận trên 30 tiêm kích MiG-23 không rõ tình trạng kỹ thuật.

Với việc bố trí như vậy có thể thấy rằng nhiệm vụ phòng không ở Cam Ranh của Hải quân Liên Xô và Nga chủ yếu do lực lượng máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-23 đảm nhận. Điều này xuất phát từ thực tế về mặt địa lý là khó có thể bố trí một tổ hợp tên lửa phòng không ngay trong khu vực căn cứ Cam Ranh.

 	Máy bay MiG-23 của Hải quân Liên Xô tại căn cứ Cam Ranh

Máy bay MiG-23 của Hải quân Liên Xô tại căn cứ Cam Ranh

Trên nguyên tắc tổ chức đó, hiện nay Việt Nam cũng giao nhiệm vụ phòng không cho lực lượng máy bay tiêm cường kích. Có thể thấy điều đó thông qua việc bố trí các đơn vị tiêm kích MiG-21, tiêm kích bom Su-27, Su-30 quanh các sân bay gần Cam Ranh.

Lực lượng không quân Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc máy bay không cố định thuộc về một sân bay nào mà được điều chuyển theo các hướng chủ yếu khi có nhiệm vụ. Điều này đảm bảo phát huy sức mạnh tối đa cho những nhiệm vụ quan trọng nhất trong từng thời điểm. Mạng lưới các sân bay quân sự được bố trí rải rác khắp cả nước và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, ở Cam Ranh cũng có đường băng và nếu cần sẽ bố trí một lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu ở đây.

Trở lại với nhiệm vụ phòng không Cam Ranh, lực lượng các máy bay MiG-21, Su-27, Su-30 của Việt Nam được đánh giá là có hiệu quả chiến đấu cao và hiện nay được trang bị các loại tên lửa không đối không hiện đại như R-27 (tầm bắn 30-130km), R-73 (tầm bắn 30 km), R-77 (tầm bắn 90 km)… Trong số các máy bay Su-30, đáng chú ý nhất là các máy bay Su-30MK2V chuyên dùng để chiếm ưu thế trong không chiến trên biển. Chủng loại máy bay này vẫn được Việt Nam tiếp tục bổ sung.

 	Không quân là lực lượng chính đảm nhận ngăn chặn các cuộc tấn công đường không từ hướng biển

Không quân là lực lượng chính đảm nhận ngăn chặn các cuộc tấn công đường không từ hướng biển

Việc chọn các máy bay làm lực lượng chủ yếu trong phòng không ở căn cứ Cam Ranh nằm trong chiến lược phòng không chung trên Biển Đông của Việt Nam. Phương án phòng không trên Biển Đông với lực lượng chủ yếu là máy bay chuyên dùng để đánh biển đã được đánh giá là một lựa chọn sáng suốt của Việt Nam, tận dụng tối đa ưu thế về địa lý, đảm bảo phản ứng nhanh, vùng bao quát rộng, đi kèm với đó là chi phí nhỏ hơn nhiều so với việc đầu tư một tổ hợp phòng không tầm xa.

Nếu sử dụng đường không tấn công Cam Ranh, đối phương sẽ phải cơ động một quãng đường rất dài trên vùng biển Việt Nam. Khi đó, máy bay đối phương rất dễ bị đánh bại bởi các máy bay tiêm kích đánh chặn của Việt Nam.

Không để Cam Ranh bị bất ngờ

Để có đủ thời gian phản ứng, yêu cầu nhiệm vụ tình báo, trinh sát từ xa phải đạt được hiệu quả cao nhất. Trước tiên cần làm tốt công tác tình báo, dự báo tình huống để có phương án chuẩn bị một cách chu đáo.

Tiếp đó, hệ thống radar cảnh giới phải đảm bảo phát hiện từ sớm các máy bay xâm nhập không phận Biển Đông. Hiện nay, mạng lưới radar cảnh giới Việt Nam đã được bố trí rộng khắp bao trùm toàn bộ Biển Đông, ngay cả quần đảo Trường Sa cũng được bố trí đài radar cảnh giới.

Trong số các radar này, có những loại được đánh giá hiện đại nhất thế giới hiện nay như: đài radar trinh sát 55Zh6UE Nebo-UE tầm phát hiện mục tiêu 400 km, tầm cao tối đa 65 km, số lượng mục tiêu theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu; radar cảnh giới chuyên phát hiện máy bay tàng hình Vostock-E tầm hoạt động 360 km, số mục tiêu theo dõi cùng lúc 120; hệ thống trinh sát điện tử thụ động Kolchuga có khả năng phát hiện mục tiêu bay ở độ cao 10 km từ khoảng cách 450 km, nếu bay ở độ cao 20 km tầm phát hiện lên đến 620 km; hệ thống trinh sát điện tử thụ động Vera tầm hoạt động 450km, số lượng mục tiêu phát hiện cùng lúc từ 70-100 mục tiêu…

 	Radar cảnh giới chuyên phát hiện máy bay tàng hình Vostock-E

Radar cảnh giới chuyên phát hiện máy bay tàng hình Vostock-E

Tuy lực lượng không quân có thể đảm nhận được nhiệm vụ bảo vệ vùng trời căn cứ Cam Ranh nhưng trong tương lai, Việt Nam nên bố trí thêm một tổ hợp phòng không tầm xa như S-300 và một tổ hợp phòng không tầm trung bên cạnh quân cảng Cam Ranh. Đa dạng hóa các phương án, phương tiện là điều cần thiết để bảo vệ Cam Ranh trong bối cảnh vấn đề biển Đông đang ngày càng phức tạp.

Xem thêm:

Phần 1: Ngăn chặn biệt kích, người nhái phá hoại Cam Ranh như thế nào?

Phần 2: Thế trận liên hoàn bảo vệ Cam Ranh

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại