Cùng với việc mua sắm và tiếp nhận thêm nhiều thiết bị quân sự, vũ khí hiện đại của nước ngoài, trong năm 2013, ngành nghiên cứu khoa học và công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tiến tới ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Xin điểm lại 10 thành tựu quốc phòng nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2013:
6. Đóng và hạ thủy tàu đổ bộ vỏ thép 80 tấn
Tiếp nối những thành công rực rỡ của ngành công nghiệp đóng tàu hải quân, ngày 10/9/2014, tại Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn thuộc Xí nghiệp Liên hợp Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã làm lễ hạ thủy tàu đổ bộ 80 tấn đầu tiên do Việt Nam tự thiết kế chế tạo, con tàu mang tên ST-2300.
Tàu ST-2300 có vỏ thép, ca-bin bố trí phía đuôi tàu, phía trước bố trí sàn và cầu đổ bộ. Tàu do Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn thiết kế với các thông số: Chiều dài 27,5m; rộng 6,8m; cao 2,8m; lượng chiếm nước đầy tải: 153 tấn; vận tốc lớn nhất là 12 hải lý/giờ. Tàu có thể hoạt động liên tục với thời gian 60 giờ.
Nhờ thiết kế với sự năng động, tàu ST-2300 có thể thực hiện đổ bộ bộ đội, vũ khí trang bị kỹ thuật; vận chuyển vũ khí trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần; tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn; sẵn sàng thực hiện một số nhiệm vụ khác.
Việc hạ thủy tàu ST-2300 đánh dấu bước tiến rõ rệt của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn về nhiều mặt, nhất là trình độ quản lý sản xuất và tay nghề thi công.
7. Phát triển máy bay không người lái nội địa
Có thể nói, 2013 chính là năm "khởi đầu" chính thức cho kỷ nguyên máy bay không người lái (UAV) quân sự của Việt Nam với hàng loạt mẫu UAV đã được gới thiệu và thử nghiệm.
Viện Công nghệ Không gian (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã hoàn thành 5 mẫu máy bay không người lái và thực hiện cuộc bay thử thành công 2 mẫu vào ngày 3/5/2013. Sự kiện này đánh dấu bước tiến lớn trong sự phát triển máy bay không người lái tại Việt Nam.
Các mẫu máy bay được thiết kế chế độ điều khiển tự động bay theo chương trình lập sẵn trên nền bản đồ số. Trên các máy bay đều có khả năng mang camera máy ảnh tác nghiệp trong điều kiện ngày và đêm. Chúng có thể cất cánh từ đường bay, nóc ô tô, bệ phóng hoặc trên tay người.
Trong số 5 mẫu máy bay không người lái (gồm AV.UAV.MS1, AV.UAV.S1, AV.UAV.S2, AV.UAV.S3, AV.UAV.S4), loại to lớn nhất là AV.USV.S4 có trọng lượng tối đa tới 170kg, dài 4,2m, sải cánh 5m, tải trọng có ích 50kg. Máy bay trang bị động cơ cánh quạt cho phép đạt tốc độ lớn nhất 180km/h, trần bay 3.000m, bán kính hoạt động tới 100km. Tuy nhiên, để có thể hoạt động tốt trong vai trò UAV quân sự, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Sau Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) thuộc Bộ Quốc phòng cũng đã bất ngờ tuyên bố sản xuất thành công máy bay không người lái VT-Patrol với các tính năng hoạt động ưu việt hơn hẳn các mẫu UAV của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Những chiếc máy bay không người lái quân sự VT-Patrol của Viettel được thiết kế để đáp ứng các nhiệm vụ của quân sự và hoạt động phù hợp địa hình, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam, đây là những đặc điểm quan trọng và cấp thiết nhất đối với yêu cầu hiện đại hóa của quân đội hiện nay, và Viettel đang từng bước chứng minh khả năng của mình.
Để từng bước làm chủ công nghệ máy bay không người lái (UAV), Viettel đã chủ động tự nghiên cứu chế tạo vật liệu composite hàng không chất lượng cao để bảo đảm độ bền, nhẹ cho UAV VT-Patrol.
Qua các chuyến bay thử nghiệm thực tế cho thấy, máy bay không người lái VT-Patrol có khả năng bay với vận tốc từ 100 đến 150 km/giờ, cự ly hoạt động 50km, trinh sát bằng camera quang hồng ngoại full HD có thể nhận dạng và phân biệt mục tiêu người lính trong khoảng cách 600m. Có thể nói, sự ra đời của VT-Patrol chính thức đánh dấu một bước "đột phá" trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ UAV ở Việt Nam.
8. Chế tạo thiết bị phóng nổ cơ động
Phóng nổ là kỹ thuật dùng một lượng thuốc nổ nhỏ phóng một lượng nổ lớn hơn để phá hoại và tiêu diệt các loại mục tiêu, có thể áp dụng trong nhiều hình thức chiến thuật. Yêu cầu cao nhất của phóng nổ là đúng thời cơ, tiêu diệt được mục tiêu, bảo đảm an toàn.
Trong những năm qua, kỹ thuật phóng thuốc nổ thường dùng hố phóng cố định. Phương pháp này bộc lộ một số hạn chế như: Thời gian chuẩn bị tại thực địa dài khoảng 40 phút; Chỉ phóng được lượng nổ theo một hướng nhất định, không đáp ứng được yêu cầu chiến đấu, bởi vì trong thực tế mục tiêu luôn thay đổi vị trí; Phải bố trí trước, dễ bị địch phá hoại; Hố phóng phải đào nơi đất liền thổ, trong huấn luyện, diễn tập với thao trường có diện tích hạn chế sẽ khó lựa chọn vị trí.
Từ thực tế huấn luyện, các giảng viên Bộ môn Công binh (Khoa Binh chủng, Trường Đại học Trần Quốc Tuấn) đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị phóng nổ cơ động để khắc phục những hạn chế của phương pháp phòng nổ trước đây.
Ống phóng nổ cơ động sử dụng nguyên liệu sẵn có như: Gỗ, tre, nứa, được đan hoặc đóng theo hình hộp, kích thước 40 x 22 x 22cm. Ống phóng cơ động có ưu điểm như: giảm thời gian chuẩn bị tại thực địa; đặt ống phóng được ở những nơi đất xốp, diện tích hẹp, xác định góc phóng dễ dàng, lượng nổ lõm được đúc sẵn thuận tiện trong thực hiện nhiệm vụ, có thể tận dụng thuốc nổ của mìn định hướng tròn đã hỏng làm lượng phóng và thuốc nổ trong bom, đạn không nổ để đúc theo phương pháp thủ công; khả năng cơ động cao, đáp ứng kịp thời các tình huống.
9. Chế tạo robot chiến đấu, robot do thám
Nhằm ứng dụng trong trinh sát; chiếm lĩnh trận địa; chiến đấu bí mật, bất ngờ; tác chiến trên đường phố; chống bạo loạn... Trung tâm công nghệ, Học Viện Kỹ thuật Quân sự đã bước đầu nghiên cứu chế tạo thành công chế tạo thành công robot chiến trường.
Robot chiến trường có trọng lượng nhỏ hơn 120kg; kích thước không lớn hơn 1500x800x1000mm với hệ thống cơ khí vững chắc, ổn định; hệ thống điều khiển tin cậy, rô-bốt có thể di chuyển linh hoạt qua các địa hình không bằng phẳng, gồ ghề, mấp mô (địa hình tự nhiên); rẽ phải, trái, tiến, lùi, dừng một cách linh hoạt; quan sát được xung quanh nhờ các camera không dây, gửi được ảnh camera về giao diện máy tính tại vị trí điều khiển, ghi được video camera và có thể ngắm bắn qua ảnh camera và gá lắp được súng AK hoặc B41…
Đáp ứng với yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập của học viên, cũng như có thể ứng dụng phục vụ công tác quốc phòng và phát triển kinh tế biển, trường Sĩ quan Thông tin đã nghiên cứu chế tạo thành công robot do thám dưới nước Yết Kiêu-01 (YK-01).
Trong các hoạt động quân sự diễn ra ở môi trường nước độc hại, robot sẽ thay thế và hỗ trợ phần nào cho bộ đội đặc công nước, người nhái.
YK-01 có thể di chuyển độc lập theo hành trình lập sẵn và nhận lệnh hoặc lựa chọn hành trình từ trung tâm điều khiển trên bờ, trên tàu mẹ mà không bị giới hạn bởi dây cáp điều khiển. YK-01 được trang bị camera với thiết bị nhớ ghi lại các thông tin quan sát được trong hành trình.
Đặc biệt, robot thậm chí còn có khả năng mang mìn, bộc phá để tấn công các mục tiêu như là tàu địch đang neo đậu tại các công trình quân sự của địch khi gắn thêm các cơ cấu công tác. Sản phẩm YK-01 sẽ tiếp tục được phát triển hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
10. Hạ thủy 2 tàu tên lửa tối tân Molniya
Trong tất cả những thành tựu quốc phòng nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2013, việc hạ thủy thành công và tiến hành thử nghiệm 2 tàu tên lửa cao tốc nội địa Project 1241.8 Molniya được coi là thành tựu quan trọng và nổi bật nhất. Với việc hạ thủy và thử nghiệm 2 tàu tên lửa Molniya, Việt Nam đang dần dần làm chủ công nghệ đóng tàu chiến hiện đại.
Hợp đồng xây dựng cho Việt Nam các tàu tên lửa Project 1241.8 trang bị hệ thống tên lửa đối hạm 3K24E Uran-E đã được Việt Nam và Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport ký kết trong năm 2006. Hợp đồng bao gồm việc cung cấp cho Việt Nam hai tàu tên lửa dự án 12418, và đóng tại Việt Nam sáu tàu như vậy với sự hỗ trợ của Nga. Tổng giá trị của hợp đồng lên tới 1 tỷ USD.
Tàu tên lửa Molniya của Việt Nam ra biển thử nghiệm
Theo hợp đồng này, nhà máy đóng tàu Vympel cùng với Cục thiết kế Almaz sẽ hỗ trợ Việt Nam đóng tàu Molniya dự án 12418 theo giấy phép của Nga. Hai chiếc tàu tên lửa thuộc Project 1241.8 đã được hoàn thành và bàn giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam trong năm 2007 (số hiệu HQ-375 và HQ-376).
Hai tàu đầu tiên thuộc Project 1241.8 đã được khởi đóng tại nhà máy Ba Son trong mùa thu năm 2010 và mới được hạ thủy trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2013. Việc cung cấp các thiết bị bổ sung cho 6 tàu tên lửa Molniya đóng tại Việt Nam sẽ được Vympel thực hiện cho đến năm 2015.
Theo một số nguồn tin từ báo chí Nga, 2 tàu Molniya đầu tiên đóng tại nhà máy Ba Son dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2013. Bốn tàu còn lại sẽ được hoàn thiện và bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2015.
Tàu tên lửa Molniya được trang bị 16 ống phóng tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 Uran-E đạt tầm bắn xa 130km, 01 pháo hạm 76mm AK-176M, 02 ụ pháo phòng thủ tầm gần 6 nòng 30mm AK-630 và tên lửa phòng không Igla. Đây là loại tàu chiến hiện đại hàng đầu của Hải quân Việt Nam, chỉ sau 2 tàu Gepard 3.9.
Xem thêm:
Phần 1: 10 thành tựu nổi bật của quốc phòng Việt Nam năm 2013 (I)