Cùng với việc mua sắm và tiếp nhận thêm nhiều thiết bị quân sự, vũ khí hiện đại của nước ngoài, trong năm 2013, ngành nghiên cứu khoa học và công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã có bước tiến đáng kể trong nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tiến tới ngày càng chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Xin điểm lại 10 thành tựu quốc phòng nổi bật mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2013:
1. Buồng lái mô phỏng tiêm kích Su-27
Đáp ứng yêu cầu tăng thời gian thực hành, huấn luyện sát thực tế đơn vị, khí tài trang bị mới, hiện đại của người học và yêu cầu về đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao của quân chủng đang tiến thẳng lên hiện đại. Trong năm 2013, Học viện Phòng không-Không quân đã chế tạo thành công buồng lái mô phỏng tiêm kích Su-27.
Đây là thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện được nghiên cứu, thiết kế thành công bằng trí tuệ, công sức của các cán bộ khoa học của học viện và sự giúp đỡ của một số viện nghiên cứu.
Hệ thống mô phỏng tiêm kích Su-27 được thiết kế để mô phỏng mở máy động cơ máy bay ở mặt đất; mở máy động cơ máy bay ở trên không (trong khi bay); mở máy lạnh động cơ máy bay và máy khởi động tua bin khí TC-21, cũng như chấm dứt quá trình khởi động động cơ để quay máy lạnh bọc dầu ở mọi chế độ khi ấn nút “CTO?”. Các chế độ và chu trình khởi động đều diễn ra đúng như mở máy thực trên máy bay.
Việc đưa thiết bị vào huấn luyện rất tiết kiệm, do giá thành thấp hơn so với thiết bị nhập ngoại. Giúp tăng cường luyện tập cho người học sát thực tế, khí tài, trang bị; nâng cao trình độ, khả năng làm chủ và nghiên cứu khoa học của cán bộ. Thiết bị còn có thể nghiên cứu, nâng số lượng bài tập thông điện lên hàng trăm bài khi nâng cấp số cổng kết nối truyền thông RS232 và lập trình thêm các bài huấn luyện.
2. Súng bắn tỉa hạng nặng 12,7mm cùng kính ngắm
Bên cạnh loại súng bắn tỉa nhập khẩu, Việt Nam đã chế tạo thành công súng bắn tỉa hạng nặng cỡ nòng 12,7mm.
Theo báo Quân đội Nhân dân, bằng tinh thần tự lực, các cán bộ Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công súng bắn tỉa hạng nặng cỡ nòng 12,7mm cùng kính ngắm.
Loại súng này ngoài khả năng tiêu diệt bộ binh đối phương còn rất hữu hiệu khi tấn công trang thiết bị quân sự, xe bọc thép hạng nhẹ.
Trước đối phương có khả năng cơ giới hóa mạnh, di chuyển bằng xe thiết giáp, sử dụng rộng rãi việc cơ động quân bằng trực thăng, cơ giới thì việc có một loại súng bắn tỉa 12,7mm để sử dụng đại trà là rất cần thiết.
Theo một số nguồn tin, súng bắn tỉa Việt Nam được làm theo mẫu của súng bắn tỉa xuyên giáp KSVK của Nga. Súng được thiết kế với hộp tiếp đạn nằm sau cò súng. Giúp tăng chiều dài nòng súng mà không ảnh hưởng đến chiều dài tổng thể.
Súng có chiều dài tổng thể 1,35m (trong đó nòng dài 1m), trọng lượng 12,5 kg, sử dụng hộp tiếp đạn 5 viên cỡ 12,7x108mm. Khi bắn thử, sơ tốc đầu đạn là 840m/s, tầm bắn hiệu quả 1.200m, súng bắn tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Súng được trang bị kính ngắm quang học N12 do Việt Nam chế tạo với độ phóng đại 10 lần, phạm vi quan sát 1.800m, thị giới 3mm, mức phân biệt 6 giây.
Kính ngắm N12 có khả năng chịu được thời tiết nóng ẩm, chịu rung xóc, va đập, lấy góc bắn nhanh chóng, thuận tiện.
3. Súng phóng lựu tự động AGS-17
Theo kênh truyền hình Quốc phòng TV, nhà máy Z125 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng) đã chế tạo thành công súng phóng lựu liên thanh AGS-17 của Nga. Trước đây, chúng ta đã từng mua một số lượng nhỏ AGS-17 và đã đưa vào biên chế trang bị.
Để đạt được kết quả như vậy, nhà máy Z125 đã trải qua nhiều khó khăn và một trong những yếu tố quyết định là chế tạo rãnh xoắn nòng.
Súng phóng lựu liên thanh AGS-17 được thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 1967 trong các lực lượng vũ trang Liên Xô. AGS-17 là loại súng phóng lựu liên thanh được đánh giá là có tốc độ sát thương mạnh, tốc độ bắn cao.
AGS-17 chuyên dùng để yểm trợ cho cho bộ binh, được gắn trên giá 3 chân hoặc trên các phương tiện chiến đấu, dùng loại đạn lựu 30 mm. Đạn được đặt trong thùng có sức chứa tới 29 quả và được gắn với súng. Nòng súng có thể tháo rời để tiện cho di chuyển. Giá 3 chân có cần nâng để súng có thể chuyển từ bắn thẳng sang bắn cầu vồng.
Súng phóng lựu AGS-17 có chiều dài 0,84m, đạt tầm bắn 800m với thước ngắm cơ khí hoặc 1,7km với kính ngắm quang học, tốc độ bắn 350-400 phát/phút.
4. Cải tiến xe tăng, xe thiết giáp
Nhằm tăng cường khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng tăng thiết giáp (TTG) trong tình hình mới, Cục Kỹ thuật binh chủng (Tổng cục Kỹ thuật) đã nghiên cứu cải tiến thành công số lượng lớn TTG hiện có.
Cục Kỹ thuật binh chủng chỉ đạo, tổ chức thu hồi, cấp phát, điều chuyển hàng trăm xe TTG, xe chuyên chở tăng; tiếp nhận, lắp đặt hơn 700 bộ đài thông tin liên lạc cho các đơn vị TTG toàn quân.
Công tác nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa tập trung cho các loại xe tăng T-54, PT-76, BMP-1; xây dựng cấu hình xe tăng T-54B cải tiến; khôi phục đồng bộ, nâng cấp tính năng kỹ thuật, chiến thuật cho các loại xe thiết giáp V-100, BTR-152, không chỉ phục vụ SSCĐ, mà còn làm nhiệm vụ phòng chống lụt, bão, cứu hộ, cứu nạn.
Ngoài việc cải tiến, Tổng cục Kỹ thuật cũng đã nghiên cứu đồng bộ xe TTG và xây dựng quy trình công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vũ khí trang bị kỹ thuật ngành TTG.
Sau đồng bộ, xe TTG đều có tình trạng kỹ thuật tốt, các hệ thống thiết bị đặc biệt trên xe như hệ thống bơi nước, thiết bị quan sát và ngắm bắn ban đêm, thiết bị chống cháy và phòng, chống vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ... được khôi phục tính năng ban đầu.
Theo ước tính đến năm 2010, Quân đội Việt Nam có 850 xe tăng loại T-54/55 do Liên Xô chế tạo. Ngoài ra, tại Việt Nam còn có khoảng 350 xe tăng hạng trung T-59, là phiên bản hiện đại hóa của T-54.
5. Cải tiến tàu đổ bộ Mỹ
Đại úy Vũ Văn Cường (máy trưởng tàu HQ-470), thuộc Lữ đoàn 127 Hải quân đã cải tiến thành công hệ thống hạ cửa tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 do Mỹ chế tạo.
Với đề tài sáng kiến mang tên “Hệ thống hạ cửa đổ bộ tàu LCM-8”, Đại úy Cường đã thành công khi thực hiện các giải pháp kỹ thuật hệ thống hạ cửa tàu đổ bộ LCM-8 bằng thiết bị điện 24V-DC chỉ mất từ 1-1,5 phút và chỉ cần một người điều khiển, bảo đảm an toàn, không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tàu của mình để giảm thời gian hạ cửa tàu đổ bộ. Đây là một sáng kiến mang đậm chất sáng tạo và góp phần không nhỏ vào việc chuyển trạng thái từ chuẩn bị đổ bộ sang đổ bộ cho các binh sỹ, bởi bình thường, hệ thống này muốn hạ phải mất từ 25-30 phút và cần đến 3 người.
LCM-8 là tên của loại tàu đổ bộ cơ giới cỡ nhỏ do Mỹ sản xuất từ năm 1959 và được viện trợ rất nhiều cho Hải quân quân đội Sài Gòn. Sau 1975, chúng ta đã thu giữ không ít loại tàu đổ bộ này và dù gặp nhiều khó khăn do thiếu linh kiện, phù tùng (Mỹ đang áp đặt lệnh cấm vận) nhưng chúng ta vẫn duy trì hoạt động các tàu LCM-8 cho tới tận ngày nay.
Tàu đổ bộ cơ giới LCM-8 có lượng giãn nước toàn tải 111,4 tấn, dài 22,26m, rộng 6,4m, mớn nước có tải 1,6m. Tàu trang bị 2 máy diesel cho phép đạt tốc độ tối đa 17 hải lý/h (có tải), thủy thủ đoàn chỉ cần 4-6 người, trang bị 2 đại liên 12,7mm. LCM-8 chở tối đa hơn 50 tấn gồm hàng hóa hoặc các phương tiện cơ giới.