Vì Trung Quốc, Châu Á phải sắm hơn 1.000 tàu chiến?

Một chuyên gia hải quân có tiếng gần đây đã đưa ra những con số khiến người ta phải giật mình. Theo đó, các nước Châu Á sẽ bỏ ra tới 200 tỉ USD để mua đến hơn 1.000 tàu chiến. Khu vực này đứng thứ hai thế giới về việc bạo tay chi cho lực lượng hải quân. Nhiều người tin rằng, cuộc chạy đua tàu chiến này được châm ngòi từ sự hung hăng của Trung Quốc gần đây.

 Hạm đội tàu chiến Nhật Bản phô trương sức mạnh.

Sau một thời gian “giấu mình chờ thời” nhằm phát triển kinh tế, Trung Quốc những năm gần đây bắt đầu nổi lên, tìm cách thể hiện uy lực của một cường quốc bằng các động thái phô trương sức mạnh đầy hiếu chiến.

Bắc Kinh khuấy lên một loạt các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên biển và cả các cuộc tranh chấp biên giới trên đất liền với các nước láng giềng. Điều đáng kinh ngạc là nước này sẵn sàng đối đầu “bốn bề tứ phía” trên nhiều mặt trận với các nước khác.

Đầu tiên, Trung Quốc khiến khu vực Biển Đông “sôi sùng sục” bằng những cuộc tranh chấp quyết liệt, hung hăng với Philippines, Việt Nam và sau này có thêm Malaysia.

Trung Quốc liên tiếp đưa những đội tàu cá lớn đến đánh bắt hải sản phi pháp ở những vùng tranh chấp; triển khai tàu thuyền quân sự dưới vỏ bọc các tàu dân sự để quấy nhiễu, uy hiếp tàu thuyền của các nước khác; đưa lực lượng tàu vũ trang tuần tra thường xuyên Biển Đông đồng thời liên tục tổ chức các cuộc tập trận hải quân để dương oai diễu võ.

Sau Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục “khuấy tung” vùng biển Hoa Đông bằng cuộc tranh chấp căng thẳng hơn rất nhiều với Nhật Bản.

Cũng cách tiếp cận như ở Biển Đông, nhưng ở biển Hoa Đông, độ hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc tăng lên rất nhiều. Trung Quốc không ngừng đưa tàu thuyền và máy bay, trong đó có cả chiến đấu cơ, đến vùng tranh chấp với Nhật. Nước này từng chĩa radar tên lửa vào tàu và máy bay của Nhật Bản.

Tiếp đó, Trung Quốc đưa quân xâm nhập bất hợp pháp và ngang nhiên cắm trại ở khu vực nằm sâu trong vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát 19km.

Sự táo tợn, hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc trong thời gian gần đây rõ ràng đã đặt ra thách thức rất lớn đối với một loạt các nước láng giềng xung quanh họ. Rõ ràng, những nước này không thể ngồi yên để Trung Quốc đe doạ, quấy nhiễu. Và đây chính là lý do khiến các nước lao vào đầu tư củng cố sức mạnh quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc. Kết quả là một cuộc đua vũ trang căng thẳng, nghẹt thở và tất nhiên là tốn kém bắt đầu!

Cuộc đua vũ trang nghẹt thở ở Châu Á

Tại Triển lãm và Hội nghị Phòng vệ Hàng hải Quốc tế được tổ chức ở Singapore từ ngày 14-16/5, ông Bob Nugent – một chuyên gia có tiếng chuyên tư vấn về hải quân của Mỹ, đã cung cấp một loạt con số gây bất ngờ về hoạt động mua sắm tàu chiến của các nước Châu Á. Cụ thể, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong 20 năm tới sẽ đặt hàng 1.048 chiếc tàu hải quân với trị giá lên tới 200 tỉ USD. Với con số “khủng” này, Châu Á đã trở thành thị trường hải quân lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Hơn 1.000 tàu hải quân sắm mới của các nước Châu Á sẽ bao gồm tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục lớn nhỏ, tàu đổ bộ, tàu hậu cần, tàu tuần tra hàng hải, tàu vũ trang cho lực lượng bảo vệ bờ biển và một số loại tàu khác.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là sự quan tâm của Châu Á đối với tàu ngầm. Theo đó, trong vòng 20 năm tới, các nước Châu Á sẽ mua thêm 100 chiếc tàu ngầm mới. Con số này đưa Châu Á trở thành khu vực mua sắm tàu ngầm nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Những khách hàng mua sắm tàu hải quân nổi bật được nhắc đến ở khu vực Châu Á là những cái tên quen thuộc mà người ta thường nghe thấy trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên biển gần đây như Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ....

Chỉ những con số được đưa ra ở trên đã đủ cho người ta thấy cuộc đua vũ trang ở Châu Á đang quyết liệt và nóng bỏng thế nào.

Có một thực tế mà ai cũng biết là hơn một năm trở lại đây, ngày nào báo chí thế giới cũng có ít nhất một vài tin về các hoạt động mua sắm, nghiên cứu, phát triển vũ khí của các nước ở Châu Á, đặc biệt là ở những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Sau khi xảy ra cuộc đối đầu ở bãi cạn Scarborough với Trung Quốc hồi đầu năm ngoái, Philippines bắt đầu ra sức tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của nước này. Manila đã đặt mua tàu chiến của Mỹ cùng một loạt máy bay chiến đấu.

Nhật Bản cũng không nằm ngoài xu thế trên khi tìm cách mua sắm thêm nhiều thiết bị quân sự tối tân như tên lửa, tàu chiến, máy bay chiến đấu đồng thời tăng cường mối quan hệ liên minh quân sự gắn bó với Mỹ.

Trong khi đó, Ấn Độ hiện nay không chỉ tích cực tự chế tạo vũ khí cho riêng mình mà còn trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Ấn Độ trong thời gian qua đã tập trung nguồn lực, sức mạnh để xây dựng một lực lượng Hải quân đáng gờm với mục tiêu hàng đầu là để bảo vệ các lợi ích của nước này. Trong suốt 10 năm qua, phần ngân sách quân sự được dành cho Hải quân Ấn Độ liên tục tăng từ 15% đến 19%.

Trong một thập kỷ tới, Hải quân Ấn Độ sẽ đón nhận một hạm đội tàu chiến hùng hậu và thiện chiến gồm hai tàu sân bay mới, ít nhất 3 tàu khu trục lớp Kolkata, các tàu ngầm hạt nhân tự chế, một máy bay đa năng Boeing P-8I Neptune và một loạt tàu khu trục tàng hình tối tân. Với sự bổ sung này, Hải quân Ấn Độ sẽ có trong tay tới 140 tàu chiến mạnh. Có thể nói, sức mạnh của Hải quân Ấn Độ đang gia tăng nhanh chóng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại