Báo Hoàn Cầu: Trung Quốc cô độc, bị phản bội

Báo Hoàn Cầu ngày 21/2 phải than rằng trên thế giới này Trung Quốc đang thiếu những “người bạn thực sự”. Cảm giác bị phản bội và cô độc này liên tục đeo bám xã hội Trung Quốc thời gian qua.

Thời gian vừa qua, giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thường xuyên xảy ra sự tranh chấp về lãnh thổ hoặc va chạm xung quanh vấn đề lợi ích quốc gia.

Tàu hải giám Trung Quốc đi tiên phong trong tranh chấp lãnh thổ

Trung Quốc "thiếu bạn thực sự"

Sự căng thẳng leo thang trong quan hệ láng giềng đã khiến nhiều người Trung Quốc phải tự đặt câu hỏi: Phải chăng Trung Quốc đang mất dần bạn? Hôm nay 21-2, tờ Thời báo Hoàn cầu đã đăng tải bài xã luận bàn về vấn đề này.

Tờ báo nặng chủ nghĩa dân tộc này buộc phải thừa nhận thực tế: Triều Tiên bất chấp lợi ích của Trung Quốc để phát triển vũ hạt nhân, khiến nhiều người Trung Quốc phải than rằng trên thế giới này, Trung Quốc đang thiếu những “người bạn thực sự”.

Cảm giác bị phản bội và cảm giác cô độc này liên tục đeo bám xã hội Trung Quốc thời gian qua.

Tuy nhiên, Hoàn Cầu tự an ủi rằng trong quan hệ quốc tế, có lẽ Trung Quốc không nên kỳ vọng sẽ kết giao được với những “người bạn” như trong cuộc sống đời thường. Các quốc gia kết giao với nhau thường gọi nhau là “bạn bè”, tuy nhiên hàm nghĩa của từ “ban bè” trong quan hệ quốc tế không giống với trong cuộc sống đời thường.

Các quốc gia coi trọng lợi ích, coi nhẹ tình cảm, khái niệm “bạn bè”, “kẻ thù” thường không tuyệt đối, và cũng rất dễ dàng chuyển đổi.

Để xoa dịu, Hoàn Cầu phân tích rằng: Trong bối cảnh hiện đại, quan hệ giữa các quốc gia thường duy trì ở mức không là kẻ thù cũng không là bạn, theo đuổi những lợi ích chung, thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia thường là sách lược được đề cao trong quan hệ quốc tế.

Khi lợi ích then chốt của hai bên bị động chạm, mối quan hệ giữa các nước thường trở nên lạnh nhạt, căng thẳng, thậm chí trong một thời gian ngắn và trong một số vấn đề, cả hai coi nhau là kẻ thù. Nên cố gắng né tránh mối quan hệ này, ít nhất là không nên để xuất hiện quá nhiều.

Bài xã luận đã lấy nước Mỹ làm ví dụ và phân tích. Bạn bè của nước Mỹ cũng không nhiều, không thân thiết như một số người vẫn tưởng. Do Mỹ là siêu cường quốc duy nhất trên thế giới, một số quốc gia đã lựa chọn trở thành đồng minh của Mỹ, “bám đuôi” cậy nhờ.

Đó vừa là những thu hoạch lớn lao của Mỹ, vừa là phương thức để nước Mỹ thống trị thế giới. Điều này giống như việc nếu trong cuộc sống thường nhật anh là một người giàu có thì luôn có một số “người bạn” vây quanh anh.

Đầu nguồn sức mạnh của quốc gia bao gồm sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, nó giống như hai mặt của một đồng xu. Nhưng lớn mạnh không có nghĩa rằng trong quan hệ quốc tế, “kẻ thắng cuộc sẽ giành được hết”, “kẻ thù” của nước Mỹ cũng là nhiều nhất trong số các nước lớn.

Quốc gia này liên tục để xảy ra chiến tranh ở các nơi trên thế giới, bản thân nước Mỹ cũng phải đối mặt với sự tấn công của các lực lượng khủng bố lớn trên toan cầu. Mỹ cũng phải trả giá cho sự “lãnh đạo thế giới” của mình. Hoàn Cầu khẳng định, với vai trò là nước lớn đang trỗi dậy, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc vẫn chưa thể sánh với Mỹ.

Sự lớn mạnh nhưng chưa lớn mạnh hoàn toàn của Trung Quốc đã đem lại một số nhân tố bất xác định cho chính bản thân Trung Quốc và thế giới trong quá trình thay đổi cục diện sức mạnh và cục diện lợi ích của thế giới. Sự trưởng thành của Trung Quốc vấp phải sự cản trở đến từ Mỹ và phương Tây, và bản thân lực cản này cũng là bất xác định.

Trung Quốc liên tục tập trận phô trương thanh thế, hăm dọa kẻ yếu bóng vía

Trong bối cảnh này, các quốc gia khác sẽ rất do dự khi phát triển “quan hệ đồng minh” với Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc cũng cảm thấy băn khoăn trước việc có nên đầu tư nguồn tài nguyên lớn để cạnh tranh với Mỹ, giành giật “tình cảm” từ các quốc gia đó hay không, có nên đầu tư nguồn tài nguyên lớn để gia tăng hệ số an toàn cho sự trỗi dậy của mình hay không.

Hiện tại vẫn chưa phải là lúc để Trung Quốc có thể ôm đồm, bảo đảm mọi sự an toàn cho các nước nhỏ, và các nước nhỏ cũng “một lòng một dạ” đi theo Trung Quốc.

Hoàn Cầu cũng nêu rõ, rất nhiều người Trung Quốc thường nhắc lại thập niên 1960, 1970, khi Trung Quốc còn đang rất yếu nhưng vẫn kết giao được với những “người bạn thực sự”, nhưng sự hoài niệm đó chỉ là những ký ức mang tính lựa chọn mà thôi, thực tế cho thấy những người bạn hồi đó phần lớn cũng đều coi lợi ích quốc gia là nền tàng.

Trung Quốc duy trì những mối quan hệ đó không những rất chật vật, mà về mặt khách quan cũng làm tăng thêm sự đối đầu với một số quốc gia khác.

"Trung Quốc không có kẻ thù?"

Hoàn Cầu khẳng định, Trung Quốc không cần thiết phải quá ngưỡng mộ khả năng kết giao và phương thức kết giao của Mỹ, một là vì khoảng cách sức mạnh tổng hợp giữa Trung Quốc và Mỹ còn quá lớn, hai là Mỹ và một số quốc gia không phải là bạn mà là kẻ thù, khiến bản thân nước Mỹ cũng rất đau khổ.

Tờ báo này cố tình lờ đi hoặc không biết rằng trong con mắt các nước láng giềng và thế giới, gần đây Trung Quốc không chỉ nổi lên như một thế lực kinh tế mà còn đang trở nên hung hăng.

Thực tế này càng được minh chứng rõ nhất qua việc Trung Quốc liên tục gây hấn, tranh chấp lãnh thổ một cách phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế với một loạt quốc gia như Nhật ở biển Hoa Đông, Philippinnes và Việt Nam ở Biển Đông...

Thế nhưng Hoàn Cầu lại cho rằng trước mắt sự lựa chọn thực tế mà Trung Quốc cần tiến hành là nên cố gắng hết sức để phát triển mối quan hệ tốt đẹp với đa số quốc gia. Trung Quốc không theo đuổi sự bá quyền và kìm hãm các nước xung quanh, điều này sẽ giúp Trung Quốc bớt đi kẻ thù trên thế giới. Hiện tại đúng là gần như Trung Quốc cũng không có kẻ thù theo ý nghĩa truyền thống.

Người tiêu dùng thế giới ngày càng dị ứng với các sản phẩm làm giả, làm nhái, chứa nhiều chất độc hại xuất xử từ Trung Quốc (trong ảnh là sữa bột nhiễm melamine từ các kho hàng Trung Quốc bị vứt bỏ)

Cùng với sự lớn mạnh từng bước của Trung Quốc và mô hình phát triển của quốc gia dần dần hình thành, sức mạnh mềm của Trung Quốc cũng sẽ gia tăng, điều này sẽ khiến sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ngày càng mật thiết và có sức thu hút.

Về cơ bản chiến lược ngoại giao và lộ trình phát triển hòa bình của Trung Quốc là đồng nhất. Nhìn bề ngoài thì thấy sự xung đột giữa Trung Quốc với các nước xung quanh đang tăng lên, nhưng điều này cũng cho thấy khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng của Trung Quốc đã tốt hơn.

So với lệnh trừng phạt của Mỹ thập kỷ 1990 và trước đó là hơn 20 năm bị Liên Xô o ép về mặt quân sự, năng lực ngoại giao của Trung Quốc so với môi trường chiến lược đang sống ngày càng rộng mở hơn.

Cuối cùng Hoàn Cầu kết luận, người Trung Quốc không nên quá bi quan trong vấn đề bạn thù mà cần đối mặt với thực tế, bằng thái độ chiến lược khách quan để đối mặt với tất cả quốc gia.

Không quá kỳ vọng sẽ không quá thất vọng, và như thế cũng sẽ nhìn nhận sự xung đột với bên ngoài bằng thái độ bình tĩnh hơn, không nên tùy tiện coi đối thủ trong một vấn đề cụ thể nào đó là “kẻ thù”. Chỉ có như vậy, con đường trỗi dậy của Trung Quốc mới càng ngày càng rộng mở.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại