Theo tờ báo này, Trung Quốc nên kiên nhẫn, không nên gây chiến tranh với Nhật.
Trung Quốc đang có cuộc tranh chấp quyết liệt và nóng bỏng với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Trong suốt thời gian qua, tờ Thời báo Hoàn cầu – phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo, đã có không ít bài viết thể hiện thái độ hung hăng trong cuộc tranh chấp với Nhật như “Trung Quốc không sợ chiến tranh với Nhật”, “Trung Quốc sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất với Nhật” hay “Trung Quốc sẵn sàng ‘ăn miếng trả miếng’ với Nhật”.... Trong tất cả những bài viết như thế này, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã “tung” ra không ít lời lẽ đe dọa, kích động chiến tranh với nước láng giềng Nhật Bản.
Tuy nhiên, ngày 16/2, tờ Thời báo Hoàn cầu đã bất ngờ cho đăng tải một bài viết trong đó thể hiện một quan điểm cực kỳ mềm mỏng, hoàn toàn trái ngược với quan điểm của những bài viết trước đây của tờ báo này.
Tàu thuyền Trung, Nhật "vờn" nhau ở biển Hoa Đông
Theo tờ báo phụ bản của Nhân dân Nhật báo, tranh chấp Trung-Nhật ở Senkaku/Điếu Ngư dường như chẳng đi đến đâu. “Cuộc tranh chấp này đã đến một giai đoạn mà ở đó việc tìm kiếm một giải pháp là rất khó khăn và xa vời”. Hành động can thiệp của Mỹ theo hướng ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm căng thẳng Trung-Nhật leo thang.
“Mỹ không muốn công nhận chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư và vì vậy đã công khai ủng hộ sự kiểm soát và quản lý hiện nay của Nhật Bản đối với quần đảo này. Mỹ cũng khẳng định, hiệp ước an ninh song phương Mỹ-Nhật bao trùm cả quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông”, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết.
Thay vì đưa ra lập trường cứng rắn, hiếu chiến, tờ báo của Trung Quốc cho rằng, “những tuyên bố của Bắc Kinh về việc chiến tranh có thể nổ ra nếu Nhật Bản tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ là hoàn toàn ấu trĩ”.
“Sự thực, cách nghĩ của Mỹ và Nhật Bản về vấn đề an ninh liên quan đến quần đảo tranh chấp chắc chắn khiến cho vấn đề thêm phức tạp. Tuy nhiên, Trung Quốc không được mất kiên nhẫn và không nên phản ứng thái quá với tình hình căng thẳng này bằng việc đe dọa chiến tranh.
Bắc Kinh cần phải ghi nhớ nghiêm túc rằng, bất kỳ lập trường hiếu chiến nào trong cuộc tranh chấp quần đảo đều có thể làm leo thang căng thẳng”, tờ Thời báo Hoàn cầu đã thể hiện một lập trường mềm mỏng bất ngờ như vậy.
Chưa hết, tờ báo phụ bản của Nhân dân Nhật báo còn viết thêm rằng, cuộc tranh chấp hiện nay cần thêm nhiều cuộc đối thoại hơn bất kỳ vấn đề nào khác. “Bắc Kinh cần phải hướng tới và lên kế hoạch cho các nỗ lực ngoại giao với Nhật Bản để vấn đề này nằm trong khuôn khổ ‘song phương’, không biết thành một vấn đề khu vực hay toàn cầu”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu tự cho rằng, mặc dù quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản nhưng chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này “được công nhận đông đảo ở cấp khu vực và quốc tế”.
Vì thế, “nếu Bắc Kinh quyết định tấn công Nhật Bản, Trung Quốc sẽ mất đi sự ủng hộ rộng khắp và sẽ làm dấy lên thuyết về ‘mối đe dọa mang tên Trung Quốc’. Tờ Thời báo Hoàn cầu khuyên rằng, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á đang trục trặc, Bắc Kinh cần phải tính toán cẩn thận về các bước đi, không nên đẩy mọi thứ đến chiến tranh.
Trung Quốc thừa nhận Ấn Độ ủng hộ Nhật Bản
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, Bắc Kinh cần phải chú ý đến thực tế là, một số nước, trong đó có Ấn Độ, đang theo dõi sát sao và nghiêm túc cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh ở Châu Á, cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông có thể khuyến khích các cường quốc khác trong khu vực công khai lập trường của họ về vấn đề này. Đây là một diễn biến quan trọng trong bối cảnh các cuộc tranh chấp khác giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á vẫn còn chưa được giải quyết.
Tờ báo của Trung Quốc cho rằng, về nguyên tắc, Ấn Độ sẽ kiềm chế không đưa ra một lập trường công khai về cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lập trường chính thức được tuyên bố của New Delhi là, cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông nên được giải quyết “hòa bình”.
Tuy nhiên, lập trường sâu xa và chiến lược của Ấn Độ trong vấn đề này khác hẳn với lập trường được tuyên bố. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, quan điểm thống trị ở Ấn Độ hiện nay đi theo hướng có lợi cho Nhật Bản thay vì Trung Quốc. Điều này có liên quan cả đến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Mặc dù New Delhi tránh đưa ra lập trường chính thức về tranh chấp Trung-Nhật nhưng Ấn Độ ủng hộ Nhật Bản, tờ báo của Trung Quốc thừa nhận. Theo phân tích của tờ báo này, có hai lý do để Ấn Độ ủng hộ Nhật Bản. Thứ nhất, quan hệ giữa New Delhi và Tokyo tốt hơn rất nhiều so với mối quan hệ New Delhi và Bắc Kinh. Ấn Độ không muốn mất một đối tác, một liên minh chiến lược quan trọng trong khu vực như Nhật Bản.
Trong khi đó, Trung Quốc lại là một vấn đề lớn đối với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác ở Biển Đông. Quan điểm ủng hộ Nhật Bản của Ấn Độ cũng là một bước ủng hộ thêm nữa cho lập trường của Ấn Độ ở Biển Đông. New Delhi được cho là đang quyết tâm ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Tờ Thời báo Hoàn cầu kết luận, cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản thực sự là một vấn đề phức tạp nhưng vẫn là một vấn đề song phương. “Trung Quốc cần phải suy nghĩ khôn ngoan và bắt đầu tiến hành cơ chế đàm phán đúng đắn, thích hợp với Nhật Bản nhằm làm dịu căng thẳng và tìm kiếm một giải pháp”.