Sức mạnh 3 "cột trụ" của quân đội Hàn Quốc

Theo Kiến Thức |

Quân đội Hàn Quốc là một trong những lực lượng quân sự mạnh mẽ hàng đầu thế giới với trang bị hiện đại.

Quốc quân Đại Hàn Dân quốc hay gọi là Quân đội Hàn Quốc được thành lập từ năm 1948 với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; đồng thời cũng thường xuyên làm nhiệm vụ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Hiện Quân đội Hàn Quốc là một trong những lực lượng mạnh mẽ trên thế giới với quân số thường trực khoảng 700.000 người và quân dự bị 4,5 triệu người.

Quân đội Hàn Quốc tổ chức thành 3 nhánh chính gồm:

Lục quân Hàn Quốc (ROKA)

Lục quân Hàn Quốc là lực lượng lớn thứ 6 trên thế giới và cũng là quân chủng lớn nhất trong quân đội nước này với 506.000 binh sĩ so với Lục quân 1 triệu người của Triều Tiên. Có khoảng 2/3 các đơn vị quân đội Hàn Quốc đóng quân gần khu phi quân sự DMZ.

Chương trình tự vệ hiện tại của chính phủ Hàn Quốc nhằm giúp quân đội nước này chống lại được mối đe dọa từ Triều Tiên với các phương tiện hoàn toàn được sản xuất trong nước trong vòng 2 thập kỷ tới.

Xe tăng chiến đấu chủ lực K1 của Lục quân Hàn Quốc.

Lục quân Hàn Quốc được tổ chức biên chế: 7 quân đoàn (tổng số 520.000 binh sĩ); 2.300 xe tăng; 2.600 xe bọc thép; 5.300 pháo xe kéo – pháo tự hành; 30 hệ thống tên lửa đối đất và 600 trực thăng.

Trong đó, lực lượng tăng – thiết giáp Lục quân Hàn Quốc gồm các mẫu xe tăng cũ thuộc dòng M48 Patton (khoảng 880 chiếc), 1.500 chiếc xe tăng chiến đấu nội địa K1 và K1A1.

Trong tương lai, xe tăng chiến đấu chủ lực K1 sẽ thay thế bằng K2 Black Panther – mẫu tăng được trang bị động cơ diesel 1.100 kW làm mát bằng nước, pháo L55 120mm. Loại xe tăng K-2 trang bị hệ thống phòng vệ và phát hiện tín hiệu laser, bảo vệ chủ động chống tên lửa, giáp phản ứng nổ tiên tiến.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã sản xuất pháo K-9 Thunder cũng như xe chiến đấu bộ binh K200. Pháo K-9 Thunder từng được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỹ trong khi K200 từng được lực lượng gìn giữ hòa bình của Malaysia sử dụng.

Hàn Quốc cũng đang thử nghiệm xe chiến đấu bộ binh K21 để thay thế cho K200. K21 được sản xuất từ năm 2008. Nước này có kế hoạch sản xuất 466 đơn vị trước năm 2015. Khung xe của K21 được làm hoàn toàn bằng sợi thủy tinh nhằm giảm tải cho xe cũng như tăng tốc độ cuả xe mà không cần trang bị động cơ mạnh mẽ. K-21 sẽ nhẹ hơn các loại xe chiến đấu bộ binh khác như Bradley của Mỹ và BMP của Nga.

Ngoài một số mẫu xe chiến đấu bọc thép của Mỹ,  Hàn Quốc còn có một số mẫu xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và xe tăng T-80 do Nga sản xuất. Số xe này được chính phủ Nga trả thay cho số tiền nợ Hàn Quốc.

Pháo tự hành K-9 khai hỏa.

Pháo binh Lục quân Hàn Quốc gồm pháo tự hành K-9 (số lượng 532 xe), pháo xe kéo K55 155mm (1.180 khẩu), pháo cối tự hành, pháo phản lực phóng loạt.

Không quân Lục quân Hàn Quốc khá mạnh với 600 chiếc chủ yếu gồm trực thăng tấn công AH-1F Cobra, trực thăng đa năng UH-1, UH-60, CH-47…

Hải quân Hàn Quốc (ROKN)

Hải quân Hàn Quốc chịu trách nhiệm thực hiện các chiến dịch hải quân cũng như các nhiệm vụ đổ bộ đường biển. Lực lượng này cũng đã tham gia một số nhiệm vụ gìn giữ hòa bình từ đầu thế kỷ 21.

Hải quân Hàn Quốc tổ chức thành: Bộ Chỉ huy Hải quân; Hạm đội Đại Hàn Dân quốc; Bộ Chỉ huy Hậu cần Hải quân; Bộ Chỉ huy Đào tạo và Huấn luyện; Học viện Hải quân và Lính thủy Đánh bộ.

Lực lượng này gồm 68.000 quân nhân thường trực, trong đó có 28.000 binh sĩ thuộc Lính thủy Đánh bộ.

Khu trục tên lửa Aegis lớp Sejong Đại Đế do Hàn Quốc tự đóng.

Theo số liệu năm 2007, Hải quân Hàn Quốc sở hữu khoảng 170 tàu gồm: 10 tàu ngầm, 20 tàu khu trục và khinh hạm; 100 tàu hộ tống và tàu tấn công tốc độ cao; 20 tàu hậu cần.

Không quân Hải quân Hàn Quốc trang bị 10 máy bay cánh bằng, 50 máy bay trực thăng. Lực lượng Lính thủy Đánh bộ Hàn Quốc có khoảng 400 xe bọc thép lội nước và pháo tự hành.

Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Hải quân Hàn Quốc đã hạ thủy một số loại tàu mới do nước này tự phát triển gồm: khu trục hạm đa năng 4.500 tấn ROKS Chungmugong Yi Sunshin (DDH 975) vào năm 2002; tàu đổ bộ đa năng 14.000 tấn ROKS Dokdo (LPH 6111) vào năm 2005; tàu ngầm tấn công 1.800 tấn Type 214 Sohn Won-yil (SS 072) vào năm 2006; tàu khu trục Aegis ROKS Sejong Đại đế (DDG 991) vào năm 2007.

Không quân Hàn Quốc (ROKAF)

Không quân Hàn Quốc có khoảng 65.000 quân nhân thường trực, trang bị hơn 600 máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất.

Theo số liệu thống kê năm 2007, Hàn Quốc có khoảng 180 tiêm kích đa năng F-16C/D, 234 tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ F-5A/B/E/F, 130 tiêm kích hạng nặng F-4D/E, 32 tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15K.

Không quân Hàn Quốc có ý định mua mẫu máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk để tiếp tục cải thiện khả năng do thám, tình báo.

Tiêm kích hiện đại F-15K.

Bên cạnh các máy bay nhập khẩu, Hàn Quốc nỗ lực phát triển ngành hàng không quân sự trong nước. Năm 1997, Hàn Quốc bắt đầu chương trình phát triển máy bay huấn luyện nội địa. Thành quả dự án này là sự ra đời của máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực KAI T-50 Golden Eagle. KAI T-50 được sử dụng để huấn luyện phi công và đã được xuất khẩu sang Indonesia.

Dựa trên T-50, Hàn Quốc phát triển biến thể chiến đấu hạng nhẹ FA-50 – đây được xem là chiến đấu cơ nội địa đầu tiên do nước này tự nghiên cứu thiết kế từ A-Z.

Hàn Quốc đã trở thành một nước xuất khẩu máy bay khi nước này bán 19 chiếc máy bay huấn luyện KT-1B cho Indonesia vào năm 2003. Nước này cũng có kế hoạch xuất khẩu thêm một số máy bay huấn luyện KT-1 và T-50.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang phát triển mẫu máy bay trực thăng nội địa KAI Surion nhằm thay thế trực thăng UH-1.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại