Nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiên trong buổi lễ kỷ niệm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Jong-il hôm 16/2
Theo ông Everard, vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên hôm 12/2 không chỉ tiêu tốn khá nhiều tiền bạc của quốc gia cô lập này mà còn “chọc giận” Trung Quốc – một đồng minh thân cận cũng như khiến Bình Nhưỡng hướng chịu thêm các lệnh trừng phạt mới từ Liên Hiệp Quốc.
Vậy tại sao nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vẫn theo đuổi những chính sách quân sự vốn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế? Theo ông Everard, có 2 lý do để giải thích cho hành động của Bình Nhưỡng.
Thứ nhất, giới lãnh đạo Triều tiên cho rằng quốc gia cô lập này chỉ có thể tồn tại nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của chương trình hạt nhân.
Bình Nhưỡng đã chứng kiến những thảm kịch mà các nhà lãnh đạo như Saddam Hussein hay Muammar Gaddafi phải hứng chịu khi không có sự chống đỡ của tiềm lực hạt nhân cũng như thỏa hiệp với cộng đồng quốc tế để đổi lại viện trợ. Do đó, con đường duy nhất để triều đại nhà Kim duy trì quyền cai trị là sở hữu “hạt nhân”.
Trước đây, Triều Tiên đã nhiều lần quyết định thương mại hóa chương trình hạt nhân để đổi lấy những lợi ích khác song trong thời điểm hiện tại, hạt nhân đang là ưu tiên số 1 của Bình Nhưỡng. Thậm chí, Triều Tiên liên tục khẳng định quốc gia cô lập này không từ bỏ theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đang trên con đường hoàn thiện vũ khí hạt nhân với khả năng sản xuất một thiết bị hạt nhân đủ nhỏ để tích hợp trên tên lửa. Điển hình, hồi tháng 12 năm ngoái, Triều Tiên đã phóng thành công một tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh vào khu vực quỹ đạo thấp của Trái đất. Tiếp sau thành công này là vụ thử hạt nhân lần thứ 3 vào tuần trước.
Thứ hai, Triều Tiên vẫn mang nặng tư tưởng văn hóa Đông Á.
Tư tưởng Nho giáo được xem là điều tối thượng trong bộ máy lãnh đạo của Triều Tiên mà cụ thể là sự thể hiện tôn kính với các “vị vua” cai trị đất nước. Trước đây, cha của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un – cố chủ tịch Kim Jong-il đã chú trọng tới chương trình phát triển hạt nhân mà một số chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo này đã truyền lại cho con trai và hậu thế về việc kế tục tâm nguyện của mình.
Ngoài ra, ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo của Triều Tiên là do cha của ông “nhường ngôi” do đó nếu phớt lờ tâm nguyện của cố chủ tịch Kim Jong-il sẽ hiển nhiễn bị khép vào tội bất kính nên dù có đồng tình với chương trình hạt nhân hay không thì ông Kim Jong-un vẫn có trách nhiệm tiếp tục con đường cha mình đã vạch ra.
Song theo cựu đại sứ Everard, mọi hành động tiếp theo của Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào đồng minh thân cận – Trung Quốc.
Mặc dù, mối thâm tình giữa Trung Quốc – Triều Tiên đã được duy trì trong một thời gian dài và Bình Nhưỡng phụ thuộc lớn vào thương mại cũng như nguồn viện trợ từ Bắc Kinh, song người dân 2 nước lại tỏ ra không mấy cảm tình với nhau. Khi người Triều tiên cho rằng dân Trung Quốc thô lỗ, hay bắt nạt kẻ yếu và nhiều thói xấu. Trái lại, người Trung Quốc nghĩ dân Triều Tiên hay “lá mặt lá trái” và khó hiểu.
Tuy nhiên gạt bỏ ác cảm, Trung Quốc – Triều Tiên cùng hướng tới một mục tiêu chung. Triều Tiên cần nguồn viện trợ và ủng hộ trên mặt trận ngoại giao từ Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cần làm mọi cách duy trì đế chế Triều Tiên ổn định nhằm tránh nguy cơ đối mặt với cơn lũ di cư tại khu vực biên giới phía đông bắc quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ngoài ra, Triều Tiên còn được xem là một hậu phương vững chắc giúp Trung Quốc giám sát lực lượng quân đội Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.
Nhiều người dân Trung Quốc cho rằng đã đến lúc chấm dứt hay ít nhất là Trung Quốc nên giảm bớt sự ủng hộ với Triều Tiên. Thực tế, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tạo áp lực với Triều Tiên thông qua việc ngừng chương trình viện trợ hoặc hạn chế giao thương. Chính sách này sẽ tạo nên những thay đổi căn tảng trong xã hội Triều Tiên mà không cần sử dụng tới vũ lực.
Tuy nhiên, dường như chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách cư xử với Bình Nhưỡng. Theo đó, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ không phải hứng chịu bất cứ tổn thất nào sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 hôm 12/2 và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ có thể cầu viện tới lệnh trừng phạt để ngăn Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân đầy tham vọng.
Trong khi đó, Trung Quốc lại không thi hành theo phần lớn lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an áp đặt với Triều Tiên mặc dù Bắc Kinh từng ủng hộ Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng sau khi tiến hành 2 vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009.
Điển hình, các nước thành viên thuộc Liên Hiệp Quốc yêu cầu mọi quốc gia lập báo cáo nếu nghi ngờ tàu hàng Triều Tiên chở hàng lậu song Trung Quốc lại không tuân thủ theo điều khoản này. Thực tế, một lượng hàng hóa khổng lồ đã được tiến hành giao thương dọc khu vực biên giới giữa 2 nước hoặc qua cảng Đại Liên của Trung Quốc.
Ngoài ra, những mặt hàng xa xỉ nhập khẩu vào Triều Tiên vốn bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm vận song phần lớn mặt hàng này tại Bình Nhưỡng lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí, Ủy ban Chuyên gia Liên Hiệp Quốc khẳng định các tàu hàng chở vũ khí lậu từ Triều Tiên cũng đã nhiều lần “vô tư” xuất hiện qua khu vực cảng Đại Liên của Trung Quốc.