“Át chủ bài” Không quân Triều Tiên bảo vệ Bình Nhưỡng

Không quân Triều Tiên (KPAAF) đã dành những tiêm kích MiG-29 hiện đại nhất của lực lượng này để bảo vệ vùng trời Bình Nhưỡng.

Không quân Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPAAF) là thành phần lớn thứ 2 trong các lực lượng vũ trang Triều Tiên (KPA) với quân số thường trực 110.000 người, trang bị 1.600-1.700 máy bay. Tuy có số lượng lớn nhưng các loại máy bay chiến đấu của Không quân Triều Tiên đều rất lạc hậu, hầu hết là các loại thuộc thế hệ 2-3 do Trung Quốc và Nga sản xuất.

Điểm sáng “nhỏ nhoi” trong kho máy bay chiến đấu của Không quân Triều Tiên là 40 tiêm kích chiếm ưu thế trên không MiG-29B/UB. Đây là loại máy bay chiến đấu phản lực thế hệ thứ 4 do Liên Xô sản xuất từ cuối những năm 1980.

MiG-29 do Cục thiết kế Mkoyan (Liên Xô) nghiên cứu sản xuất từ những năm 1970 nhằm đối đầu với tiêm kích F-16 và F-18 của Không quân Mỹ.

Chủ tịch Kim Jong Un tới thăm một đơn vị không quân trang bị tiêm kích MiG-29.

MiG-29 có chiều dài 17,37m, sải cánh 11,4m, chiều cao 4,73m, trọng lượng rỗng 11 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa 21 tấn. Máy bay có đường nét khí động học tương tự tiêm kích Su-27. Nó được chế tạo với khối lượng lớn nhôm và một số vật liệu compostie.

Máy bay thiết kế với phần cánh xuôi sau đặt giữa thân kết hợp gốc diềm cánh trước tạo góc 40 độ, 2 cánh đuôi ngang thăng bằng xuôi sau và 2 cánh phụ thẳng đứng ở đuôi phía trên 2 động cơ.

MiG-29 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Klimov RD-33 cho phép đạt tốc độ tối đa 2.445km/h, trần bay 18.000m, tốc độ leo cao 330m/s.

Biến thể MiG-29B trang bị cho Triều Tiên chỉ chứa được 4.365 lít nhiên liệu trong 6 thùng chứa (4 trong thân và 2 ở cánh). Do chứa được khối lượng nhiên liệu hạn chế nên tầm bay chiến đấu khá ngắn, khoảng 700km.

MiG-29B thuộc thế hệ đầu nên thiết kế buồng lái cũng không có gì gọi là “tiện nghi”. Buồng lái vẫn gồm các mặt đồng hồ thông thường, với màn hình hiển thị trước mặt phi công (HUD).

Theo một số đánh giá, MiG-29 có tầm nhìn tốt hơn so với các loại tiêm kích phản lực trước đây của Nga nhờ vòm kính bọt đặt trên cao.

Hệ thống radar điều khiển hỏa lực trang bị cho MiG-29B là loại Phazotron RLPK-29 gồm: radar phát hiện, theo dõi và khó mục tiêu N-019 và máy tính số Ts100.02-02.

Radar N-019 theo dõi mục tiêu máy bay chiến đấu ở khoảng cách 70km ở phía trước mặt và 35km ở phía sau. Phạm vi theo dõi máy bay ném bom được tăng lên 140km. Radar có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu nhưng chỉ khóa được một mục tiêu.

Phi đội MiG-29 của Triều Tiên trong cuộc duyệt binh năm 2012.

 

 

Vũ khí trang bị cho MiG-29 bao gồm một pháo nòng đơn 30mm GSh-30-1 ở gốc cánh trái (dự trự đạn 150 viên) dùng để không chiến tầm gần.

Máy bay MiG-29B thiết kế với 6 giá treo vũ khí trên cánh chính mang được:

- Tối đa 2 tên lửa không đối không tầm trung R-27 trang bị đầu tự dẫn radar bán chủ động hoặc loại chủ động hoặc hồng ngoại. Tầm bắn của tên lửa tùy theo biến thể có thể từ 30-120km. Không rõ biến thể R-27 loại nào trang bị cho Không quân Triều Tiên.

- Tối đa 4 tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 lắp đầu tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn 30km.

- Bom và rocket không điều khiển.

Nhìn chung, MiG-29B trang bị cho Không quân Triều Tiên thuộc thế hệ đầu của dòng máy bay này tồn tại nhiều nhược điểm. Ví dụ như, pháo 30mm không thể bắn khi mang thùng nhiên liệu ở giữa thân vì ngăn cản việc gạt vỏ đạn ra ngoài. Hệ thống radar điều khiển hỏa lực dễ bị đối phương gây nhiễu điện tử.

Dẫu sao, với Triều Tiên đây là những tiêm kích hiện đại nhất mà họ có được, có khả năng đối đấu với tiêm kích F-15K và KF-16 của Không quân Hàn Quốc.

Vì lẽ đó, Quân đội Triều Tiên đã ưu tiên trang bị MiG-29 cho các đơn vị không quân bảo vệ thủ đô Bình Nhưỡng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại