Dự án F-35 tiêu tốn đến 400 tỉ USD của Mỹ đang vấp phải nhiều lỗi kỹ thuật. Sự chậm trễ trong triển khai, nhiều lỗi lớn về kỹ thuật, sự vượt chi ngân sách cùng chính sách thắt lưng buộc bụng của Mỹ có thể buộc Washington cân nhắc lại những khoản chi tiêu của mình. Điều này đang khiến các đồng minh của Mỹ tại châu Á đau đầu khi muốn thay thế các loại chiến đấu cơ cũ kĩ, và có lẽ việc răn đe đối với Trung Quốc sẽ bị chậm lại.
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ
Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc lại tăng vọt, gây ảnh hưởng các lợi thế trong công nghệ của Mỹ, đặc biệt là sức mạnh về không quân, lĩnh vực mà Mỹ và đồng minh tại khu vực châu Á luôn đi trước Trung Quốc từ những năm 1950.
Trung Quốc hiện đang thử nghiệm đồng thời cả hai loại chiến đấu cơ tàng hình J-20 và J-31, mặc dù theo các chuyên gia thì đến cuối thập kỉ này may ra họ mới đưa chúng vào phục vụ quân đội được.
Thi nhau sắm chiến đấu cơ F-35
Úc đã đặt mua 100 F-35, mặc dù các nhà phân tích quốc phòng nói rằng Úc có thể chỉ mua 50-70 để thay thế những chiếc F/A-18 Super Hornet.
Nhật Bản cho biết họ không thay đổi kế hoạch mua 42 máy bay F-35, trong khi Hàn Quốc dự kiến sẽ lựa chọn loại máy bay này. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Singapore có thể đặt hàng hơn 10 chiếc F-35.
Khi khách hàng châu Á đầu tiên đặt hàng F-35, người ta lờ mờ thấy sự xung đột trong khu vực. Trung Quốc đang mở rộng các hạm đội, bổ sung thêm nhiều máy bay chiến đấu hiện đại và máy bay tấn công. Phía Bắc, Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Phía Nam, Trung Quốc đang căng thẳng với Philippines, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác về chủ quyền tại Biển Đông giàu có tài nguyên.
Các nhà phân tích phương Tây hoài nghi liệu những chiến đấu cơ mới của Trung Quốc có sánh được với chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 hay loại F-22 Raptor của Mỹ hay không.
Ngoài những khó khăn trong việc thiết kế, vận hành các máy bay tàng hình, Trung Quốc còn phải khắc phục những yếu kém trong khâu sản xuất, chế tạo, vì trước giờ nước này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các loại động cơ máy bay của Nga.
Trong khi đó, Lockheed tiếp tục hứa hẹn F-35 sẽ xuất hiện trên đường băng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2017. Điều này khiến Nhật Bản và Hàn Quốc muốn dùng máy bay F-35 để thay thế cho các máy bay đã cũ.
Chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm
Tokyo cam kết mua 4 chiếc F-35, nhưng họ đang xây dựng một nhà máy lắp ráp để có thể tự lắp 38 chiếc còn lại tại Nhật.
Andrew Davies phân tích: “Căng thẳng với Trung Quốc là chắc chắn. Và Hàn Quốc sẽ tiếp bước Nhật Bản, bởi vì thật khó để chính phủ Hàn Quốc bị coi là làm gì đó ít hơn phía Nhật Bản trong vấn đề giải quyết tranh chấp”.
Ông Steve O’Bryan, phó chủ tịch Lockheed Martin cho biết, tất cả các lực lượng quân đội lớn mạnh trên thế giới đều dùng các máy bay thế hệ thứ năm phục vụ cho nhu cầu trong tương lai. Theo ông này: “Chỉ có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới đem lại cho bạn sự linh hoạt, khả năng triển khai ở bất cứ nơi nào, để đối phó với những thách thức từ các mối đe dọa đang nổi lên trong tương lai”.
Ở Nhật Bản, 42 chiếc F-35 sẽ gia nhập đội quân 350 chiếc máy bay chiến đấu của lực lượng không quân Nhật Bản, thậm chí chúng chỉ được xếp vào chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.
Hàn Quốc sẽ có 60 chiếc để thay thế cho 460 máy bay ném bom, máy bay chiến đấu đã cũ. Trong khi đó Singapore tập trung vào lực lượng 148 máy bay, mà nhiều loại trong số đó là thế hệ tiếp theo của F-15 và F-16. Nước này có thể sẽ tiếp tục mua F-35 trong những năm tới.
Ông Michael Wynne, cựu quan chức trong lực lượng không quân Mỹ, một người ủng hộ nhiệt tình cho F-35, cho rằng việc sớm bố trí F-35 cho các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực, kết hợp chúng với các máy bay F-22 và máy bay chiến đấu khác sẽ là một thông điệp đầy uy lực gửi đến Trung Quốc và Triều Tiên.