Uy lực khủng khiếp của tên lửa Nga lo Ukraine bán công nghệ (II)

Anh Trần |

(Soha.vn) - Khi đã được đặt trong giếng phóng, tên lửa R-36M2 duy trì trạng thái trực chiến 24/24 giờ và sẵn sàng tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào chỉ 62 giây sau khi có lệnh.

Tin liên quan: Sức mạnh khủng khiếp của tên lửa Nga lo Ukraine bán công nghệ

Để có cái nhìn khách quan hơn về sức mạnh của R-36M2, hãy cùng so sánh với một số đối thủ của Mỹ:

LGM-30 Minuteman là loại ICBM phóng trên đất liền chủ lực của Mỹ có tầm bắn 13.000 km. R-36M2 gấp LGM-30: 6 lần về khối lượng, 7,6 lần về khối lượng chiến đấu mang theo, số lượng đầu đạn hạt nhân mang theo gấp hơn 3 lần, sức tàn phá cũng gấp hơn 8,8 lần.

Tên lửa LGM-30 Minuteman

Tên lửa LGM-30 Minuteman. Ảnh: Wiki

Ngay cả khi so với tên lửa MX “huyền thoại” của Mỹ đã bị loại bỏ sau hiệp ước START II hay còn gọi là Peacekeeper, R-36M2 gấp 2.4 lần về trọng lượng, 1.65 lần về tầm xa, tuy lượng đầu đạn tối đa có thể mang theo ngang nhau nhưng các đầu đạn của Peacekeeper có sức mạnh kém hơn. Thế nhưng, một trong những tham số quan trọng mà các ICBM Mỹ vượt là CEP nhỏ hơn, CEP Minuteman là 200m, CEP của MX là 40m. Nguyên nhân quan trọng là công nghệ dẫn đường điện tử cho các tên lửa liên lục địa được phương Tây sử dụng sớm hơn tới chục năm.

Tên lửa Peacekeeper

Tên lửa Peacekeeper. Ảnh: Wiki

Rõ ràng, các nhà quân sự Liên Xô muốn những tên lửa cực mạnh, tầm bắn bao trùm lãnh thổ đối phương. Điểm yếu về độ chính xác của tên lửa được giải quyết bằng sức hủy diệt trên một diện tích rộng lớn của đầu đạn mang theo. Như Đại tướng Viktor Yesin, cựu chỉ huy lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược Nga chia sẻ, ưu điểm lớn nhất của R-36M2 là kích thước khổng lồ của nó, kích thước lớn đồng nghĩa với năng lượng lớn, tầm bắn xa và khối lượng phần chiến đấu có thể mang theo nặng hơn. Nhiều đầu đạn hạt nhân hạng “khủng” sẽ tạo ra một cuộc tấn công dồn dập và không thể kháng cự.

R-36M2 là sức mạnh răn đe lớn nhất của Bộ đội tên lửa chiến lược (RVSN) Liên Xô/Nga và còn thực hiện nhiệm vụ là đòn trả đũa khủng khiếp sau khi đối phương phát động tấn công trước. Chính vì vậy, hệ thống phải tồn tại được sau những đợt tấn công khốc liệt của kẻ thù.

Các trận địa Voyevoda phải được bảo vệ cực tốt. Tên lửa được chứa trong ống phóng, ống phóng được đặt trong các giếng phóng (silo) thẳng đứng. Các ống phóng kiêm ống bảo quản làm từ composite sợi thủy tinh rất bền và nhẹ được chế tạo tại khu liên hiệp Vanguard . Vật liệu này cũng không bị han gỉ và đặc biệt trơ về hóa học nên tạo ra một môi trường kín, tên lửa có thể được “bọc” trong ống này nhiều năm mà không cần phải bảo trì. Đặc biệt, giếng phóng siêu cứng và kiên cố 15P718M dùng cho R-36M2 . Kết quả đến từ sự hợp tác của phòng thiết kế chuyên về cơ sở hạ tầng mặt đất cho các chương trình vũ trụ KBTKHM, Moscow và phòng thiết kế kỹ thuật đặc biệt KBSM, St Petersburg.

Quá trình lắp đặt R-36M2 vào giếng phóng cố định, ống bảo quản vẫn được giữ lại
Quá trình lắp đặt R-36M2 vào giếng phóng cố định, ống bảo quản vẫn được giữ lại

Giếng tên lửa sâu khoảng 40m, được thiết kế rất đặc biệt, riêng phần nắp giếng đã nặng hơn 100 tấn. Đây là loại giếng phóng vững chắc nhất thế giới. Thiết kế ban đầu nó có thể chịu được áp lực 7.000 PSI (500kg/cm2) trong khi những giếng phóng ICBM bình thường của Nga chỉ được xây dựng ở mức 2.500 PSI, giếng chứa của Mỹ thậm chí còn yếu hơn nhiều. Với độ vững chắc của mình, 15P718M gần như miễn nhiễm với các cuộc tấn công trực tiếp bằng vũ khí thông thường. Đối với vũ khí hạt nhân, theo tính toán, nếu một đầu đạn công suất vài trăm kiloton phát nổ cách giếng vài chục mét thì vẫn không hề hấn gì. Các nhà quân sự phương Tây thừa nhận rằng với hai đầu đạn loại W76 công suất 100KT dùng trên SLBM Trident-1C-4, cơ hội phá hủy giếng 15P718M gần như bằng không.

Sự ra đời của những vũ khí tấn công chính xác uy lực cực lớn khiến các giếng chứa này tiếp tục được nâng cấp. Rất may giếng phóng đắt đỏ 15P718M có thể tái sử dụng nhiều lần vì R-36M2 sử dụng cơ chế phóng lạnh. Đây cũng là đặc điểm thừa hưởng từ R-36M. Một lần nữa ta phải nhắc lại những đóng góp to lớn của tổng công trình sư Mikhail Yangel dù ông không trực tiếp tham gia chương trình Voyevoda nhưng là cha đẻ của R-36 và R-36M. Nhà thiết kế tên lửa huyền thoại đã mạnh dạn đề ra ý tưởng phóng lạnh nhằm tái sử dụng được giếng phóng cũng như thu gọn nhiều lần kích thước giếng nếu so với thiết kế theo kiểu truyền thống, nghĩa là phải xây dựng thêm các khoang thông khí khổng lồ giúp giải thoát lượng khí thải từ động cơ khi tên lửa khởi động. Nói thì dễ, nhưng thực hiện được là một vấn đề khó hơn nhiều. Phải chế tạo một bộ đẩy lạnh để tung "con quỷ" nặng 211 tấn lên độ cao 20m, tức là phải cung cấp một năng lượng trên 41 triệu Jun! Viện Yuzhnoye của Yangel đã cùng viện Soyuz ở Lubertsy tạo ra thiết kế phi thường đó. Một máy đẩy điện khí mạnh nhất trong lịch sử dành cho Voyevoda.

Khi đã được đặt trong giếng phóng, R-36M2 duy trì trạng thái trực chiến 24/24 giờ và sẵn sàng tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào chỉ 62 giây sau khi có lệnh. Tên lửa có thể xuyên qua đám mây bụi hình nấm chứa những sản phẩm phân hạch vô cùng nguy hiểm từ vụ nổ hạt nhân ngay trên nó. Khả năng đó đến từ những thiết kế đặc biệt của hệ thống điện tử cũng như lớp sơn màu đen bí ẩn quanh tên lửa. So với R36MU, R-36M2 chịu được một vụ nổ hạt nhân ở khoảng gần hơn 20 lần, sức kháng tia X tăng 10 lần, kháng bức xạ gamma-neutron tăng 100 lần.

Để tạo ra một tên lửa siêu hạng như Voyevoda, yêu cầu áp dụng các kỹ thuật rất cao, trong đó phần lớn là hoàn toàn mới và chưa từng có tiền lệ. Dễ hiểu tại sao quá trình phát triển và thử nghiệm gặp rất nhiều khó khăn. Trong loạt 43 lần phóng thử đầu tiên, có tới 7 lần thất bại. Lần phóng số 1, diễn ra ngày 21/3/1986 tại Baikonur kết thúc bằng một thảm họa. Tên lửa sau khi được máy phóng lạnh đẩy lên đã bị rơi ngược lại giếng phóng do động cơ giai đoạn đầu không thể hoạt động. Sau đó là sự bùng nổ của gần 200 tấn nhiên liệu…giếng phóng bỗng chốc biến thành một ngọn núi lửa. Rất may không có thương vong về người.

Trung đoàn tên lửa R-36M2 đầu tiên đi vào trực chiến từ 11/8/1988. Tuy nhiên cũng như nhiều siêu vũ khí Soviet cùng thời, lực lượng tên lửa chiến lược này không bao giờ được sản xuất và triển khai một cách đầy đủ như kế hoạch ban đầu. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga buộc phải thu hồi một lượng lớn Voyevoda đang triển khai ở các quốc gia liên bang cũ, đặc biệt là 104 hệ thống triển khai ở Kazakhstan. Trong hàng loạt các hệ thống bị cho nghỉ hưu, một số được hoán cải thành tên lửa đẩy Dnepr. Nga đã đưa hơn 20 vê tinh các loại lên quỹ đạo bằng loại tên lửa này.

Tính đến năm 2014, nước Nga duy trì trực chiến cho 52 tổ hợp R-36M2 Voyevoda. Các đơn vị chiến đầu gồm: sư đoàn tên lửa số 13 Dombarovsky với 24 tổ hợp và sư đoàn tên lửa Cận vệ số 62 Uzhur với 28 tổ hợp.

Nếu việc chế tạo các tên lửa vốn diễn ra ở Ukraine bị ngừng lại, Nga cũng có thể xây dựng dây chuyền chế tạo, tuy nhiên việc này sẽ rất đắt đỏ.

Việc Ukraine bán công nghệ tên lửa đạn đạo R-36M2 sẽ mang lại ảnh hưởng lớn tới Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga (RVSN) khi họ chưa tìm được “truyền nhân” xứng đáng cho Voyevoda. Trong thành phần RSVN hiện tại có những tên lửa RS-24 Yars rất hiện đại nhưng phù hợp với các nhiệm vụ khác, thiết kế uy lực của chúng không đạt đến tầm hủy diệt như R-36M2, trong khi dự án ICBM phóng từ silo cố định thế hệ thứ 5 Sarmat vẫn còn trong trứng nước.

Video: R-36M2 trong một cuộc thử nghiệm:

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại