“Theo ý kiến của tôi, lợi thế trên không mà chúng ta có đang mất dần”, tướng Frank Gorenc, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ đóng tại Châu Âu cho biết.
Khoảng cách về không quân giữa Mỹ và Nga đang dần bị thu hẹp?
“Không chỉ về các loại máy bay tiêm kích mà họ đang chế tạo, mà đáng chú ý hơn cả là khu vực phòng không chống tiếp cận của Nga rất chắc chắn”.
Theo ông Gorenc, với sự nâng cao về số lượng và chất lượng của quân đội Nga, Mỹ đang phải đối mặt với một thực tế rõ ràng.
“Hiểm họa từ các loại máy bay của Nga đã và đang lớn dần, ngoài ra các loại tên lửa đất đối không của họ có chi phí thấp hơn và luôn sẵn sàng được sử dụng”, ông nói.
“Họ có hàng loạt các loại tên lửa đất đối không tầm xa được dàn trải một cách có chiến thuật, khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn”.
Cụ thể, vị tướng Mỹ đề cập đến các dàn phóng tên lửa ở tỉnh Kaliningrad (Nga) được coi là thách thức lớn đối với không quân Mỹ ở châu Âu.
“Cho đến giờ, nói đến vùng nhận dạng phòng không, chúng ta thường liên tưởng đến vùng Thái Bình Dương, nhưng tôi khẳng định rằng nó không chỉ có ở khu vực này”, ông nói. “Vùng phòng không ở châu Âu cũng là một vấn đề lớn”.
Có thể hiểu rằng, hệ thống phòng không của Nga là một trong những lý do khiến Lầu Năm Góc đẩy mạnh chế tạo máy bay tàng hình tiên tiến như F-35 và đề xuất chế tạo một loại tên lửa mới có thể tránh bị phát hiện.
Tuy nhiên, các loại khí tài này rất đắt tiền. Việc sửa chữa những lỗi thiết kế của tiêm kích đa năng F-35 đã khiến chi phí phát sinh vượt quá ngân sách ban đầu.
Không quân Mỹ cũng dành 58,2 tỉ USD cho việc phát triển loại máy bay ném bom mới, tuy nhiên giá thành cũng sẽ lên đến hàng tỉ USD.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới.
Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.