Business Insider dẫn phân tích của Ủy ban An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung 2014 cho biết, Quân đội Trung Quốc (PLA) hiện có khoảng 2.200 máy bay đang vận hành, gần 600 trong số đó được cho là hiện đại.
Bản phân tích cho biết:
“Hồi đầu những năm 1990, Bắc Kinh bắt đầu chương trình hiện đại hóa toàn diện, nhằm nâng cấp Không quân PLA thành một lực lượng hiện đại, đa chức năng, có thể phóng chiếu chính xác sức mạnh trên không bên ngoài biên giới Trung Quốc, tiến hành phòng không và tên lửa, cung cấp thông tin cảnh báo sớm”.
Về mặt máy bay tàng hình, tài liệu này đề cập tới các chuyến bay gần đây của nguyên mẫu J-20, và nói rằng chiếc máy bay tàng hình thế hệ thứ năm này tối tân hơn mọi máy bay khác triển khai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm một phiên bản máy bay tàng hình nhỏ hơn gọi là FC-31.
Trung Quốc đã cho trình diễn máy bay Shenyang FC-31 tại Triển lãm hàng không Chu Hải.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, hiện chưa rõ máy bay này có thể đuổi kịp và cạnh tranh về mặt tiềm lực công nghệ với chiếc siêu cơ F-35 của Mỹ hay không.
Cũng theo báo cáo này, các ưu thế về công nghệ trong nền tảng vũ khí, không quân và hải quân đang suy giảm nhanh chóng.
Để minh họa cho điểm này, tài liệu dẫn lời của một nhà phân tích so sánh giữa các máy bay Mỹ và Trung Quốc từ hai mươi năm trước và các phiên bản ngày nay.
Chẳng hạn vào thời điểm 1995, một chiếc F-15, F-16 hay F/A-18 có thể vượt xa chiếc J-6 của Trung Quốc. Nhưng nay, J-10 và J-11 của Trung Quốc thậm chí ‘ngang ngửa’ về tiềm lực với bản F-15 nâng cấp của Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có Su-27 và Su-30 do Nga sản xuất và dự định mua Su-35 của Nga.
“Chiếc Su-35 là máy bay rất đa năng, có thực lực lớn và có thể mang lại sự cải thiện đáng kể về tầm bay và sức chứa nhiên liệu cho các máy bay chiến đấu hiện thời của Trung Quốc.
Do đó, máy bay có thể củng cố tiềm lực của Trung Quốc khi đảm nhận các nhiệm vụ ưu trội hơn tại eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và biển Đông…” – trích báo cáo.
Su-35 còn giúp ích đáng kể cho Trung Quốc trong việc cải tiến hệ thống kỹ thuật hiện có.
Ngoài công nghệ tàng hình, máy bay chiến đấu công nghệ cao và điện tử hàng không, Trung Quốc còn nâng tiềm lực với các tên lửa không đối không trong suốt 15 năm qua.
“Sau 15 năm, Trung Quốc đã sở hữu một số lượng lớn tên lửa không đối không tầm gần và tầm trung tinh vi; các loại đạn dẫn đường có độ chính xác cao trong mọi điều kiện thời tiết, bom có vệ tinh dẫn đường, các tên lửa chống phóng xạ, và các bom có laser dẫn đường, các tên lửa hành trình không đối đất tân tiến, tầm xa và tên lửa hành trình chống hạm” – trích bản báo cáo.
Báo cáo này còn nhắc tới máy bay Y-20 – một chiếc máy bay tiếp tế chiến lược mới của Trung Quốc đang được thử nghiệm, với khả năng vận tải khối lượng hàng hóa nhiều gấp 3 lần so với chiếc C-130 của Mỹ.
Các nhà phân tích giải thích, dùng Y-20 làm tiếp liệu có thể giúp Trung Quốc hoạt động mạnh ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Bản báo cáo cũng trích dẫn truyền thông Nga cho biết, Nga đã thông qua việc bán hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cho Trung Quốc.
“S-400 có thể nâng tầm bắn của phòng không Trung Quốc gấp hai lần, từ 200 lên 400km – đủ để bao phủ cả quần đảo Senkaku, nhiều phần của biển Đông...” – trích bản báo cáo.
Nghị sĩ Randy Forbes nhận định: “Nếu bạn nhìn lại cách tiếp cận của Lầu Năm Góc cách đây 10 năm, họ đã bỏ sót những gì Trung Quốc làm. Trung Quốc đã tăng tiến về phương diện hình học.
Tôi nghĩ là chúng ta phải nhìn trên toàn cầu, để đảm bảo rằng chúng ta đang dựng nên các chiến lược có thể cần thiết, để phòng thủ đất nước trong một hoặc hai thập kỷ tới”.
Nghị sĩ Forbes nhấn mạnh thêm, trong khi làm việc theo hướng hòa bình và ổn định, cải thiện quan hệ với Trung Quốc rất quan trọng, Mỹ cũng cần phải hiện đại hóa và chuẩn bị cho lực lượng quân sự dựa trên tiềm lực của Trung Quốc, chứ không phải dựa trên ý đồ của họ.
“Bạn phải chuẩn bị dựa trên tiềm lực, bởi vì ý định có thể thay đổi chỉ trong một đêm với một sự việc nào đó” – Forbes nói.