Tờ The Daily Beast (Mỹ) đăng bài viết với tiêu đề "Trung Quốc theo dõi và tiêu diệt tiêm kích tàng hình Mỹ bằng cách nào?", trong đó đề cập tới mối đe dọa từ những loại vũ khí tiên tiến mà nước này giới thiệu tại triển lãm hàng không Chu Hải (tổ chức tháng 11 vừa qua).
Dưới đây là nội dung bài viết:
Thấy gì trong triển lãm Chu Hải?
Trong mọi màn trình diễn ảo thuật luôn có sự xuất hiện của những nữ trợ lý xinh đẹp với vai trò góp phần khiến khán giả xao lãng và quên chú ý đến những mánh khóe mà nhà ảo thuật đang thực hiện.
Nếu xem triển lãm hàng không Chu Hải vừa qua tại Trung Quốc là một màn ảo thuật thì đóng vai trò nữ trợ lý chính là mẫu chiến đấu cơ tàng hình FC-31 (hay J-31), tương tự F-35 của Mỹ nhưng có 2 động cơ.
Song điểm đáng chú ý nhất tại Chu Hải và có thể khiến Lầu Năm Góc phải đau đầu lại chính là những hệ thống radar và tên lửa phòng không tân tiến của Trung Quốc.
Mô hình FC-31 được trưng bày tại triển lãm Chu Hải.
Nguyên mẫu phát triển của FC-31 không được trưng bày cho công chúng mà chỉ thực hiện bay biểu diễn.
Và cũng có rất ít thông tin được công bố, ngoại trừ việc động cơ máy bay xả ra nhiều khói trong quá trình hoạt động - một đặc trưng của động cơ phản lực RD-93 do Nga sản xuất.
Chi tiết này nhắc lại thực tế rằng cho đến khi Trung Quốc làm chủ được công nghệ sản xuất động cơ phản lực hiệu suất cao, họ vẫn cần sự chấp thuận của Tổng thống Putin nếu muốn sản xuất chiến đấu cơ của riêng mình.
Trung Quốc cho biết họ vẫn đang phát triển động cơ cho chiến đấu cơ và máy bay huấn luyện. Song những mẫu trưng bày tại triển lãm hoàn toàn giống những mẫu đã xuất hiện trong triển lãm lần trước cách đây 2 năm.
Chu Hải cũng cho thấy sự kết hợp giữa công nghệ cũ và mới của Trung Quốc, như chiếc Xian H-6M, máy bay ném bom được thiết kế từ những năm 1950.
Máy bay ném bom Xian H-6M
Khách tham quan có thể thấy một kính ngắm mục tiêu giống thời Thế chiến thứ 2 ở vị trí của xạ thủ ném bom.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, máy bay được trang bị những loại vũ khí thông minh lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.
Hình ảnh tương tự cũng có thể được nhìn thấy ở chiếc JH-7, một mẫu máy bay ném bom mới hơn.
Chu Hải cũng trưng bày nhiều tên lửa mới, đáng chú ý nhất là tên lửa diệt hạm sử dụng động cơ ramjet CX-1 và tên lửa phòng không vác vai QW-19.
Tên lửa CX-1
Tên lửa phòng không vác vai QW-19
Trung Quốc sử dụng QW-19 trong cả vai trò hoạt động độc lập và hoạt động như là 1 phần của phương tiện phòng không cơ động.
Nếu xét riêng thì từng loại tên lửa trên không quá đặc biệt. CX-1 có một số khác biệt nhỏ so với BrahMos nhưng các thông số kỹ thuật rất giống nhau.
Còn QW-19 sao chép ý tưởng tên lửa phòng không tầm ngắn 2 giai đoạn của KBM Tunguska và Pantsir do Nga sản xuất.
Đáng chú ý hơn là xu hướng dùng chung bộ phận cho những loại vũ khí khác nhau.
Chẳng hạn, tên lửa mới SY400 sử dụng lại động cơ đẩy nhiên liệu rắn của tên lửa diệt hạm siêu âm CM-400AKG được giới thiệu tại Chu Hải 2012.
CM-400AKG cũng chia sẻ cảm biến radar thụ động với một loại vũ khí mới năm nay là tên lửa diệt radar B611MR.
Động cơ đẩy và hệ thống điều khiển của B611MR cũng được lấy từ M20, một loại tên lửa đất đối đất dẫn đường bằng quán tính hoặc GPS với tầm bắn 280 km tương tự như Iskander của Nga.
Đây là cách để Trung Quốc có thể cho ra đời nhiều loại vũ khí mới như vậy.
Hệ thống phòng không "gây ấn tượng mạnh"
Mặt khác, những hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc xuất hiện tại triển lãm cũng gây ấn tượng mạnh, đặc biệt là ở sự đa dạng chủng loại và cách chúng bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Lần đầu tiên Trung Quốc cho thấy cách tiếp cận xây dựng một “hệ thống của những hệ thống” cho khả năng phòng không của mình.
Radar JH-27A trưng bày tại triển lãm Chu Hải
Vị trí trung tâm của những hệ thống phòng không này là JH-27A, giàn radar quét điện tử chủ động (AESA) sóng dài VHF khổng lồ.
Đây là chiếc duy nhất của loại này trên thế giới hiện nay, ít nhất là trên lý thuyết.
Những radar bước sóng dài như vậy được dùng để đối phó với máy bay tàng hình. Ăngten của hệ thống, cao 30m, nổi bật giữa triển lãm.
Bên cạnh đó là 2 radar AESA khác, hoạt động ở dài tần số cao hơn, UHF và S-band.
Radar VHF sẽ được dùng để phát hiện máy bay tàng hình và sau đó những radar cao tần có độ chính xác cao hơn sẽ dẫn bắn cho tên lửa.
Tiếp theo là 3 loại xe cơ giới gồm xe chỉ huy, giàn phóng di động của tên lửa phòng không tầm trung LY-60D/HQ-6D và hệ thống phòng không tầm gần Norinco LD-2000 với 1 pháo 7 nòng 30mm.
LD-2000 về cơ bản là hệ thống phòng vệ tầm gần trên tàu chiến nhưng được đặt trên xe cơ giới.
Ý tưởng này đã được quân đội phương Tây sử dụng để bảo vệ các căn cứ của mình trước pháo cối và hỏa tiễn của phiến quân tại Iraq và Afghanistan.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng LD-2000 để bảo vệ những mục tiêu di động quan trọng, đặc biệt là những radar và tên lửa khác trong hệ thống phòng không.
LD-2000 không chỉ để chống lại máy bay đối phương mà còn để bắn hạ những loại vũ khí, như bom thông minh, được triển khai từ các máy bay đó. Vai trò của nó là làm cho nhiệm vụ vô hiệu hóa năng lực phòng không của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Trong lúc những chiến đấu cơ thu hút hầu hết sự chú ý của công chúng thì Trung Quốc vẫn đang âm thầm đổ tiền bạc đầu tư cho những hệ thống tên lửa và radar phòng không với mục tiêu đẩy lùi lực lượng máy bay tàng hình của Mỹ cách xa vùng nội địa của mình.