Triển lãm hàng không Paris vừa khai mạc trong tuần qua đã chứng kiến sự khó khăn của máy bay không người lái trong thời buổi suy thoái kinh tế. Mặc dù nhiều loại UAV đã đạt đến trình độ công nghệ rất cao, nhưng nó cũng không được nhiều người quan tâm, có rất ít những đề nghị đưa ra trong lĩnh vực mua sắm máy bay không người lái.
Hiện nay, người sử dụng các loại UAV phi quân dụng vẫn chỉ giới hạn trong một số nước nhất định. Các cơ cấu quản lý, giám sát của Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn đang trăn trở với các quy định chia sẻ bầu trời cho các máy bay không người lái, có người lái và máy bay trực thăng.
Đồng thời, các quy định chặt chẽ trong giao dịch thương mại UAV của một số nhà lãnh đạo bảo thủ, cũng khiến cho các nhà thầu quốc phòng của Mỹ và Israel gặp nhiều khó khăn, trong xuất khẩu công nghệ máy bay không người lái.
Một số nhà phân tích cho rằng, mặc dù công nghệ chế tạo máy bay không người lái của Trung Quốc bị chê là lạc hậu so với Mỹ và châu Âu, nhưng trong lĩnh vực xuất khẩu này, Trung Quốc cũng có nhiều lợi thế. Trong đó, công nghệ vệ tinh cũng được Bắc Kinh sử dụng để chiếm lĩnh thị trường mới nổi này.
Thời gian qua, Nigeria, Brazil và Venezuela đã mua hoặc thuê kênh trên vệ tinh Trung Quốc bằng cách trao đổi tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, UAV cũng có thể trở thành một món hàng trao đổi có giá trị, nhất là trong điều kiện hiện nay, một số quốc gia không muốn chia sẻ công nghệ máy bay không người lái cho nước khác.
Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc không phải chịu sự hạn chế nào về vấn đề này. Hơn nữa, máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất vừa nhẹ, mẫu mã đẹp, chất lượng khá mà giá lại rẻ nên có sức lôi cuốn rất lớn. Máy bay không người lái “Dực Long” có giá chỉ 1 triệu USD trong khi loại UAV tương tự của Mỹ là Predator có giá tới 30 triệu USD.