6. Hệ thống phòng không HQ-9
Những tưởng năm 2013 là một năm đại thành công đối với xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc khi hệ thống phòng không tầm xa con lai “Nga-Mỹ” HQ-9 suýt nữa dành được hợp đồng khủng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 09/2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố một tin gây xôn xao dư luận thế giới khi tuyên bố chọn hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc.
Thông tin này đã khiến giới truyền thông thế giới được một phen “chao đảo” khi không hiểu lý do tại sao một hệ thống phòng không sao chép, lai tạp lại có thể giành chiến thắng trước các hệ thống phòng không tối tân S-400, S-300VM Nga và PAC-3 Mỹ, SAMP/T của châu Âu.
Trong khi đó, truyền thông Bắc Kinh được một phen “mừng ra mặt”, hàng loạt các bài báo ca ngợi hệ thống HQ-9 liên tiếp xuất hiện trên các tờ báo lớn của nước này. Tuy nhiên, tuyên bố HQ-9 thắng thầu của Thổ Nhĩ Kỳ là một động thái “sặc mùi chính trị” của Ankara nhằm đánh động các nước NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ thừa hiểu rằng NATO sẽ không để yên cho họ mua một hệ thống phòng không của Trung Quốc thậm chí là của Nga nên đã tuyên bố HQ-9 thắng thầu nhằm đạt được những lợi thế trên bàn đàm phán với NATO.
HQ-9 những tưởng là người chiến thắng đã trở thành nạn nhân trong trò chơi chính trị giữa Ankara và các nước NATO. Truyền thông Trung Quốc được một phen “bẽ mặt” khi đã lỡ lời ca ngợi HQ-9 trước các hệ thống phòng không của NATO và Nga.
7. Máy bay ném bom H-6K
Tháng 8 năm nay, một bài viết trên tạp chí Kanwa (trụ sở tại Canada) tiết lộ rằng máy bay ném bom chiến lược H-6K của Không quân Trung Quốc có tầm tác chiến đủ dài, có thể tấn công những mục tiêu xa xôi như đảo Guam, Hawaii và 39 cơ sở quân sự của Mỹ đặt tại Okinawa (Nhật Bản) đều nằm trong tầm ngắm của H-6K.
H-6K là phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom H-6 phát triển dựa trên Tu-16 của Liên Xô. H-6K được cho là trang bị động cơ cánh quạt đẩy D-30KP của Nga, giúp tăng bán kính tác chiến lên 3.500km. Theo phương tiện truyền thông Trung Quốc, mỗi chiếc H-6K có thể mang 6 tên lửa hành trình CJ-10 với tầm bắn 1.500-2.000km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Điều này khiến H-6K trở nên đáng sợ hơn.
Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) nhận định bản thân H-6K có bán kính tác chiến 3.500 km nhưng nhờ trang bị CJ-10 nên tầm hoạt động của nó có thể được tăng lên tới 5.000 km. Vì thế, phương tiện truyền thông Trung Quốc mới dám tuyên bố mạnh miệng như vậy.
Tuy nhiên, với việc tên lửa CJ-10 có thể mang đầu đạn hạt nhân, các chuyên gia quân sự cho rằng không nên mất cảnh giác trước loại máy bay này.
Theo các chuyên gia, đến cuối năm 2020, Trung Quốc sẽ tích lũy một số lượng đáng kể các máy bay ném bom H-6K, điều này có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở châu Á theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Một bài viết mới đây trên tạp chí Kanwa còn cho biết thêm tên lửa CJ-10 có khả năng bao trùm toàn bộ các thành phố lớn của Nga ở Viễn Đông. Trung Quốc có thể triển khai H-6K tại nhiều vị trí khác nhau. Đặc biệt, nếu triển khai ở đảo Hải Nam, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, thủ đô Manila của Philippines và Kuala Lumpur của Malaysia đều sẽ bị đe dọa.
8. Tên lửa đạn đạo DF-21D
Trong năm 2013, một bản báo cáo của Cơ quan tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc có thể đang chuẩn bị triển khai loại tên lửa chống tàu sân bay DF-21D của họ ở dọc theo bờ biển Đài Loan, đe dọa hoạt động của tàu sân bay, cũng như các chiến hạm cỡ lớn của Mỹ.
Tuy nhiên, khả năng đe dọa thực sự của tên lửa DF-21D vẫn luôn là một điều gây tranh cãi. Phần lớn chuyên gia Mỹ cho rằng loại tên lửa được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" DF-21D của Trung Quốc thực chất chỉ là... đồ trẻ con, không có khả năng "thay đổi cuộc chơi" như nhiều người vẫn tưởng.
Ronald O'Rourke, một thành viên của Ban nghiên cứu Quốc hội Mỹ khẳng định Không quân Mỹ có đủ khả năng bắn nát “tên lửa này của Trung Quốc thành vô số đoạn”.
Mối đe dọa của DF-21D hoàn toàn có thật?
Cho tới gần đây, một bài báo Nga đã chỉ ra rằng tên lửa DF-21D thực chất vô cùng đáng sợ.
Theo đó, dù hệ thống đánh chặn của Mỹ có tên lửa RIM-161 SM-3 với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở quỹ đạo thấp thì vẫn không đủ độ tin cậy để chống lại DF-21D. Có quá ít thời gian để hệ thống Aegis của Mỹ có thể phát hiện tên lửa DF-21D ngay khi nó vừa được phóng lên. Tên lửa chỉ mất khoảng 10 phút để chạm mục tiêu ở cự ly xa nhất, với thời gian như vậy là quá ngắn đối với bất kỳ hệ thống đánh chặn nào.
Ngay cả khi tàu sân bay Mỹ chạy hết tốc độ tối đa 56km/h thì thời gian vẫn không đủ để làm lệch vị trí của nó so với vị trí mà tên lửa DF-21D đã nhắm mục tiêu từ trước.
Nếu đúng như vậy, DF-21D quả là một mối đe dọa vô cùng lớn đối với sức mạnh của Hải quân Mỹ.
9. Máy bay vận tải Y-20
Cuối tháng 1/2013, Y-20, máy bay vận tải quân sự lớn nhất do Trung Quốc tự sản xuất, đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên, chỉ vài tháng sau khi chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này được đưa vào sử dụng.
Chuyến bay đầu tiên của Y-20 được đánh giá là thành công, dù chiếc máy bay đã nhảy chồm chồm trên đường băng khi vừa tiếp đất.
Với khả năng chở được số hàng nặng 66 tấn, trên hành trình dài tới 4.400km, báo chí Trung Quốc ca tụng Y-20 sẽ "tăng cường khả năng trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc".
Phó Tổng biên tập Tạp chí Aerospace Knowledge Wang Yanan nhận định: “Nhiệm vụ chiến lược của Y-20 còn lớn hơn cả nhiệm vụ của máy bay chiến đấu J-20 và tàu sân bay”.
Mặc dù Y-20 bị đánh giá là một bản sao nhạt nhòa của máy bay thời Liên Xô, với các chi tiết cóp nhặt từ các mẫu của Nga, Ukraine và Mỹ nhưng giới quân sự Trung Quốc tỏ ra rất tự hào về khả năng của loại máy bay này. Theo đó, cùng với việc mở rộng lợi ích quốc gia, máy bay vận tải hạng nặng Y-20 còn đảm bảo việc Trung Quốc có thể bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài. Với Y-20, Trung Quốc có thể vận chuyển quân nhân hoặc các trang thiết bị lớn đến các điểm đến với khoảng cách lớn
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng nước này cần ít nhất 100 chiếc Y-20 để nâng cao khả năng mở rộng sức mạnh trên toàn cầu và ít nhất 300 chiếc để có thể cạnh tranh với Mỹ.
10. Tàu khu trục phòng không Type 052D
Chương trình Type 052D là một tham vọng rất lớn của Trung Quốc trong việc phát triển một tàu khu trục có sức mạnh chiến đấu tương tự chiến hạm lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống Aegis của Hải quân Mỹ.
Type 052D mang theo rất nhiều cải tiến về thiết kế và công nghệ tác chiến hải quân mới nhất của Trung Quốc.
So với Type 052C, cải tiến quan trọng nhất trên tàu khu trục Type 052D là hệ thống phóng thẳng đứng VLS mới được gọi là tiêu chuẩn GJB 5860-2006.
Đây là một hệ thống VLS dạng module có thể phóng nhiều loại tên lửa khác nhau trên cùng một ống phóng. Theo các nguồn tin, Type 052D sẽ được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất DH-10 tương tự như tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Trong năm 2013, chiếc tàu khu trục Type 052D thứ 3 đã được hạ thủy, cùng 3 chiếc khác đang được đóng mới trong kế hoạch 10 chiếc đã được phê duyệt. Đặc biệt, 4 trong 10 chiếc loại này đã được phê duyệt biên chế cho Hạm đội Nam Hải phụ trách khu vực Biển Đông.
Type 052D thu hút nhiều sự chú ý của giới quân sự bởi đây là tàu chiến đầu tiên của Trung Quốc có khả năng tấn công mặt đất. Sự ra đời của Type 052D khiến Hải quân Trung Quốc trở nên nguy hiểm hơn.
Không chỉ là hiểm họa đối với khu vực Đông Nam Á, Type 052D còn tạo ra sự thách thức lớn đối với Hải quân Nhật Bản tại biển Hoa Đông cũng như với Hải quân Mỹ đang hoạt động trong khu vực châu Á. Những vũ khí mới được trang bị sẽ cho phép Type 052D tiến hành các hoạt động can thiệp từ xa mà không cần phải xâm nhập vào khu vực nguy hiểm, tương tự như điều mà tàu khu trục Arleigh Burke của Mỹ đang làm.
Quan trọng hơn cả, đội tàu khu trục này sẽ là những vệ tinh xung quanh hạt nhân tàu sân bay, hình thành nên cụm tác chiến tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Đây là một bước đi quan trọng để hiện thực hóa tham vọng hướng ra biển lớn mà Trung Quốc ấp ủ bấy lâu nay.
Xem thêm
Top 10 vũ khí Trung Quốc "gây bão" trong năm 2013 (I)