Top 10 vũ khí Trung Quốc "gây bão" trong năm 2013 (I)

Minh Đức |

(Soha.vn) - Tàu sân bay Liêu Ninh lần đầu xuống Biển Đông, hạm đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc lần đầu lộ diện, tên lửa đạn đạo JL-2 có thể hủy diệt hàng loạt thành phố Mỹ...

Năm 2013 tiếp tục là một năm “ồn ào” của quân đội cũng như các loại vũ khí do công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sản xuất. Những vũ khí này đa phần đã được giới thiệu trước đó nhưng cái cách mà nó xuất hiện trong năm 2013 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế.

1. Tàu sân bay Liêu Ninh

Tàu sân bay Liêu Ninh được bàn giao cho Hải quân Trung Quốc trong năm 2012 nhưng năm 2013 mới chính là năm nó gây thị phi nhất khi lần đầu tiên được triển khai xuống Biển Đông. Tổng cộng, Liêu Ninh đã thực hiện hơn 100 cuộc thử nghiệm và huấn luyện kể từ đầu tháng 12-2013 ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc
Việc Trung Quốc "xua" tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tác chiến của nó xuống biển Đông đã đẩy khu vực này vào một nấc thang nguy hiểm trong tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Mặc dù lần triển khai này của Liêu Ninh được truyền thông Bắc Kinh gọi là “các nhiệm vụ nghiên cứu” nhưng nó cho thấy Trung Quốc đang có những bước đi táo tợn hơn trong việc thực hiện tham vọng đường lưỡi bò 9 đoạn bao trùm gần hết Biển Đông, đồng thời khẳng định vị thế nước lớn của họ trong khu vực.

Đây được ví như một động thái “ném đá dò đường”, để thăm dò phản ứng của các nước trong khu vực, tương tự như khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

Liêu Ninh còn được cho là một công cụ đắc lực để hỗ trợ Bắc Kinh thực hiện tham vọng lập ADIZ trên Biển Đông. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping, do tất cả các chiến đấu cơ đều gặp khó khăn trong việc bao quát cả một khu vực rộng lớn nên nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được sử dụng để bảo vệ khu vực ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông một khi nó được thiết lập.

2. Tàu đổ bộ khí đệm Bizon

Sự kiện Trung Quốc tiếp nhận tàu đổ bộ khí đệm Bizon từ Ukraine đã trở thành một sự kiện gây xôn xao trong năm nay, không chỉ vì kích cỡ khổng lồ của con tàu mà còn bởi những toan tính của Trung Quốc khi trang bị loại tàu này.

Hình ảnh được cho là tàu đổ bộ khí đệm Bison đang bí mật thử nghiệm khả năng hoạt động trên biển Đông gây quan ngại cho các nước trong khu vực.

Hình ảnh được cho là tàu đổ bộ khí đệm Bizon đang bí mật thử nghiệm khả năng hoạt động trên biển Đông gây quan ngại cho các nước trong khu vực.

Tàu đổ bộ khí đệm Bizon có thể mang theo 3 xe tăng chiến đấu chủ lực cùng 80 binh lính hoặc 10 xe thiết giáp hoặc 360 binh lính với đầy đủ trang bị. Bizon có thể di chuyển trên biển với tốc độ tối đa lên đến 63 hải lý/h.

Trung Quốc không những mua sản phẩm mà còn mua luôn công nghệ sản xuất, cho thấy nước này không chỉ muốn sở hữu 4 tàu như trong hợp đồng với Ukraine. Trong tháng 12/2013, đã xuất hiện những hình ảnh về tàu đổ bộ đệm khí Bizon do Trung Quốc tự đóng mới trong nước. Điều đó phơi bày sự gấp gáp của Trung Quốc trong việc xây dựng lực lượng tấn công đổ bộ hạng nặng.

Cũng trong tháng 12, các trang mạng quốc phòng Trung Quốc đồng loạt công bố những hình ảnh rò rỉ về một chiếc tàu đổ bộ đệm khí kích thước lớn đang hoạt động trên Biển Đông. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là chiếc tàu Bizon đầu tiên Trung Quốc đặt mua của Ukraine. Việc Bắc Kinh bí mật thử nghiệm khả năng hoạt động của tàu Bizon trên Biển Đông cho thấy vùng biển này có thể là đích ngắm của nó trong nay mai.

Mặc dù các chuyên gia quân sự vẫn đánh giá thấp khả năng hoạt động của Bizon nhưng cũng không thể phủ nhận rằng sự có mặt của tàu đổ bộ đệm khí Bizon đã nâng sức mạnh đổ bộ của Hải quân Trung Quốc lên một tầm cao mới.

3. Tàu ngầm hạt nhân

Ngày 27/10/2013, truyền thông Trung Quốc bất ngờ công khai những hình ảnh của các tàu ngầm lớp Xia, thế hệ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Bắc Kinh. Đây là lực lượng mũi nhọn của Hải quân Trung Quốc với 42 năm kinh nghiệm.

Cái cách và thời điểm mà Trung Quốc khoe lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của mình trong năm 2013 thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Cái cách và thời điểm mà Trung Quốc khoe lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của mình trong năm 2013 thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Theo các chuyên gia quân sự, thời điểm Bắc Kinh lựa chọn để khoe lực lượng răn đe hạt nhân mang ý nghĩa khá sâu sắc, nó gửi gắm thông điệp tới cả Mỹ và Nhật Bản.

Động thái này của Bắc Kinh diễn ra không lâu sau khi Nhật Bản tuyên bố bắn hạ các máy bay do thám của Trung Quốc nếu cố tình xâm phạm. Song song với việc khoe hạm đội tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc còn tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn ở Tây Thái Bình Dương. Hai nước cờ này của Trung Quốc được cho là để "khoe cơ bắp" trước sự trở lại mạnh mẽ của quân đội Nhật Bản.

Với Mỹ, giới quân sự nhận định Bắc Kinh muốn cảnh báo Mỹ rằng khả năng của Hải quân Trung Quốc đã đạt tới một trình đột nhất định, có thể tạo ra thách thức lớn với quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Truyền thông Trung Quốc còn mạnh miệng tuyên bố rằng “hạm đội tàu ngầm hạt nhân này sẽ phi nước đại xuống đáy đại dương, đóng vai trò như những lực lượng bí ẩn gầm thét dưới đáy biển và là chiếc chùy sát thủ khiến kẻ thù run sợ”.

Mặc dù lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược được khoe là Type 092 lớp Xia, lớp tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ 2 với rất nhiều điểm yếu về kỹ chiến thuật nhưng động thái này cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng cho những bước đi liều lĩnh hơn.

4. Tên lửa đạn đạo JL-2

Nối tiếp sau động thái khoe lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược, Trung Quốc tiếp tục có những hành động “vỗ mặt” Mỹ và một số nước khác bằng cách úp mở khoe tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 đã sẳn sàng đi vào hoạt động cùng tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 từ năm 2014.

Truyền thông Trung Quốc tuyên bố rằng tên lửa JL-2 trang bị trên tàu ngầm hạt nhân của nước này có thể "thổi bay" nhiều thành phố Mỹ

JL-2 là một biến thể phóng từ tàu ngầm của tên lửa đạn đạo DF-31A, đóng vai trò là thành phần chủ chốt của tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới nhất của Trung Quốc Type 094 lớp Tấn.

Theo truyền thông Trung Quốc, JL-2 có tầm bắn khoảng 8.000km cùng với tàu ngầm Type 094 có thể "thổi bay" nhiều thành phố Mỹ. Tờ Hoàn Cầu còn vẽ đồ họa mô tả chi tiết mô tả về sự tàn phá khủng khiếp mà hai thành phố Seattle và Los Angeles của Mỹ sau khi bị tên lửa JL-2 tấn công. Theo Hoàn Cầu, 12 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân JL-12 trang bị trên một chiếc tàu ngầm hạt nhân Type 094 có thể giết chết và làm bị thương từ 5-12 triệu dân Mỹ.

Tháng 10/2013, Tân Hoa Xã tiết lộ rằng tên lửa JL-2 đã tiến hành phóng thử thành công và sẵn sàng đi vào hoạt động cùng tàu ngầm Type 094 từ năm 2014. Tuy thông tin trên vẫn còn nhiều ẩn số nhưng năm 2013 có thể coi là năm bản lề đối với lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc.

Báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc cũng đã nâng mức độ cảnh báo nguy hiểm của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 cùng với tên lửa đạn đạo JL-2. Sự cảnh giác của Mỹ cho thấy rằng hạm đội tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa JL-2 của Trung Quốc không còn chỉ là “hổ giấy”.

5. UAV Lợi Kiếm

Ngày 20/11/2013, mẫu UAV tấn công tàng hình Lợi Kiếm (Lijian) của Trung Quốc lần đầu tiên cất cánh đưa nước này trở thành quốc gia thứ 3 sau Mỹ và châu Âu thử nghiệm thành công UAV tấn công tàng hình.

Nga hoàn toàn có cơ sở khi tố UAV Lợi Kiếm của Trung Quốc sao chép UAV Skat đang phát triển của nước này.
Nga hoàn toàn có cơ sở khi tố UAV Lợi Kiếm của Trung Quốc sao chép UAV Skat đang phát triển của nước này.

Theo các chuyên gia quân sự, trong tương lai, UAV Lợi Kiếm có thể được Trung Quốc triển khai ở Biển Đông hoặc Hoa Đông, thay vì sử dụng cho các hoạt động gián điệp chống khủng bố trong nước. Tờ China Daily dẫn lời Wang Ya’nan, Phó Tổng biên tập tạp chí Kiến thức vũ trụ & không gian nhận định Lợi Kiếm là vũ khí lí tưởng của Trung Quốc cho chiến trường trên biển.

Trong khi đó, Xu Guangyu, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, cho biết máy bay Lợi Kiếm được chế tạo giúp không quân và hải quân Trung Quốc tiến hành các nhiệm vụ chiến đấu, dò tìm và trinh thám, giúp hải quân Trung Quốc theo kịp những bước tiến ở Hoa Đông và Biển Đông, từ đó hỗ trợ Bắc Kinh đưa ra những quyết định chính xác về tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại vũ khí khác của Trung Quốc, không lâu sau chuyến thử nghiệm đầu tiên của Lợi Kiếm, truyền thông Nga đã lên tiếng tố Trung Quốc sao chép UAV tấn công tàng hình Skat của nước này.

Khi so sánh các bức ảnh giữa Skat và Lợi Kiếm thì hoàn toàn tương đồng nhau, đặc biệt UAV Lợi Kiếm được cho là đang sử dụng chính động cơ phản lực RD-93 đang sử dụng trên UAV Skat. Thực tế thì khả năng Trung Quốc sao chép UAV Skat không phải là một vấn đề mới bởi Nga là nạn nhân lớn nhất của các hoạt động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại