Tính năng siêu việt của Mig-29UPG vừa được nâng cấp

Dự án nâng cấp máy bay Mig-29 cho Không quân Ấn Độ được Nga tiến hành từ năm 2009, với trị giá hợp đồng khoảng 900 triệu USD.

Nga đã bắt đầu gói nâng cấp toàn diện máy bay Mig-29 cho không quân Ấn Độ. Loạt 6 chiếc đầu tiên được tiến hành tại 1 nhà máy trực thuộc công ty hàng không Mikoian ở khu vực Nizhny Novgorod, số còn lại sẽ do Công ty hàng không HAL của Ấn Độ đảm nhận.

6 chiếc máy bay Mig-29 đầu tiên của không quân Ấn Độ, đến Nga cùng với các nhân viên của nhóm công tác thuộc Dự án nâng cấp Mig-29 của không quân nước này. Sau khi hoàn thành loạt nâng cấp đầu tiên và về nước, số nhân viên này sẽ là những người chịu trách nhiệm bồi dưỡng các chuyên gia kỹ thuật của Ấn Độ, để tự đảm nhận công tác nâng cấp số máy bay còn lại.

Phi đội máy bay Mig-29 của không quân Ấn Độ

Dự án nâng cấp máy bay Mig-29 cho không quân Ấn Độ được Nga tiến hành từ năm 2009, với trị giá hợp đồng khoảng 900 triệu USD. Hiện nay, 3 trong số 6 chiếc Mig-29 đã trở về Ấn Độ, 3 chiếc còn lại sẽ được bàn giao cho không quân Ấn Độ trong thời gian tới. Sau đó, việc nâng cấp 63 chiếc còn lại sẽ do phía Ấn Độ tự đảm trách.

Để cân bằng cán cân không lực khi Pakisstan mua máy bay F-16A của Mỹ, ngay từ thập niên 80 của thế kỷ trước, Ấn Độ đã đàm phán mua máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất của Nga là Mig-29. Trong giai đoạn từ năm 1986 - 1995 họ đã mua tổng cộng 80 chiếc.

Hiện nay, 4 chiếc trong số đó đã bị phá hủy hoàn toàn sau các sự cố máy bay, ngoài ra 7 chiếc khác cũng bị thanh lí do những hỏng hóc khác nhau nên không quân Ấn Độ quyết định sẽ nâng cấp toàn bộ số máy bay này.

Phiên bản MIg-29 KBU của không quân Ấn Độ

Theo hợp đồng đã ký năm 2009, số máy bay này của Ấn Độ sẽ được nâng cấp lên chuẩn Mig-29 Upgrade (Mig-29UPG). Mục đích chính của Ấn Độ khi tiến hành gói nâng cấp Mig-29 là để số máy bay này đạt trình độ ngang bằng, thậm chí là hơn các loại Mig-29K và Mig-29KUB Nga đã bán cho Ấn Độ trước đây.

Phiên bản nâng cấp Mig-29UPG đã tiến hành bay thử lần đầu vào tháng 2/2011. Sau khi nâng cấp, nó sẽ được trang bị các thiết bị điện tử, vô tuyến điện thế hệ mới nhất như: thiết bị cảm biến OLS-UEM IRST và radar mảng pha “Phazatron Zhuk-M” của công ty Phazotron-NIIR, nâng cao rất nhiều cự ly tác chiến của Mig-29.

Các máy bay Mig-29 kiểu cơ bản chỉ được thiết kế với mục đích giành ưu thế trong không chiến, còn phiên bản nâng cấp có khả năng tấn công đối hạm và đối đất (bao gồm cả mục tiêu cố định và mục tiêu di động) trong mọi điều kiện thời tiết và cả ngày lẫn đêm, tuổi thọ máy bay cũng được kéo dài đến 40 năm.

Nó sẽ được trang bị hàng loạt vũ khí tấn công “khủng” như: tên lửa đối không Vympel RVV-AE (R-77), tên lửa không đối đất Kh-29T, tên lửa đối hạm Kh-31A, tên lửa chống radar Kh-31P, bom điều khiển bằng vô tuyến KAB-500Kr… Sau khi nâng cấp, Mig-29UPG sẽ có khả năng tấn công tốt nhất, trong các loại Mig-29 được sản xuất theo định hướng tiêm kích đánh chặn.

Mô hình đồ họa của Mig-29UPG

Mig-29UPG sẽ được trang bị các loại vũ khí không đối đất dẫn đường chính xác, ngoài ra nó cũng được tăng thêm lượng dự trữ nhiên liệu và điều chỉnh thiết kế để có khả năng tiếp liệu trên không, kéo dài thời gian hành trình, bán kính tác chiến cũng đạt tới tầm 1000-1500km thời gian bay tối đa trong 1 vòng đời của nó cũng tăng lên gần 4000 giờ.

Điểm đặc biệt là các thiết bị mới được lắp đặt trên Mig-29UPG, có thể được sử dụng chung trên các máy bay dòng Su hiện có trong không quân Ấn Độ, nâng cao hiệu quả tác chiến tổng thể cho không quân nước này. Vào năm 2007, Nga cũng đã cấp giấy phép sản xuất 120 động cơ máy bay phản lực Klimov RD-33 có cống suất vượt trội thế hệ RD-93 để lắp đặt trên các phiên bản nâng cấp của Mig-29.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại