Phần trước: Trang bị bảo hộ của một số lực lượng trong Quân đội Việt Nam
Ở loại bài trước, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn đọc về trang bị bảo hộ của một số lực lượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong bài này, xin tiếp tục giới thiệu với độc giả trang bị của một lực lượng chiếm số lượng lớn nhất trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lục quân (sau đây gọi chung là quân đội).
Kể từ khi thành lập vào năm 1944, quân đội ta đã có bước chuyển mình về trang bị cá nhân của mỗi người lính với xu hướng ngày càng chính quy, gọn nhẹ. Trước đây chúng ta vẫn thường quen thuộc với hình ảnh người lính với mũ cối và đôi dép cao su thì nay, trang bị của họ đã dần được thay đổi theo hướng hiện đại hơn, phù hợp với xu thế phát triển trang bị cá nhân của quân đội các nước trên thế giới.
Hiện nay quân trang, quân phục dã chiến của người lính quân đội Việt Nam đã có nhiều bước cải tiến mới như: sử dụng quân phục rằn ri giúp tăng khả năng nguỵ trang, đi theo đó là việc đồng bộ các loại ba lô, bao xe (túi đựng đạn),... cùng hoạ tiết rằn ri thống nhất với quân phục để đảm bảo sự đồng bộ. Chiếc mũ cối quen thuộc hiện nay đang dần được thay thế bởi một loại mũ cứng mới, mũ A2.
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2010 trong lễ diễu binh 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mũ A2 là loại mũ cứng sử dụng trong dã ngoại, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Có thiết kế hiện đại tương tự như những loại mũ chống đạn đang phổ biến trong quân đội các nước nhưng mũ A2 không có tác dụng chống được đạn do chất liệu làm mũ bằng nhựa, mũ chỉ có khả năng chống được va đập hoặc gạch đá.
Về túi đựng đạn, hiện nay trong quân đội Việt Nam vẫn sử dụng kiểu túi đựng đạn (bao xe) cũ, kiểu túi này có nhược điểm là mặc không bó sát vào người và chỉ chứa được băng đạn AK và lựu đạn. Tuy nhiên, cũng đã có một số mẫu áo mang trang bị đang được một số nhà máy nghiên cứu chế tạo với khả năng mang được nhiều loại trang bị khác nhau và thiết kế gọn gàng, tiện sử dụng.
Một số mẫu áo mang trang bị:
Quân đội ta hiện đang nghiên cứu chế tạo một số loại áo giáp chống đạn với khả năng chống được nhiều cỡ đạn khác nhau nhưng với quân số hiện tại, ngân sách quốc phòng của Việt Nam không đủ để trang bị đại trà áo giáp chống đạn cho toàn quân. Bên cạnh đó, áo chống đạn thường nặng và quân đội Việt Nam vẫn chủ yếu là hành quân mang vác nên trang bị áo chống đạn còn ảnh hưởng lớn đến khả năng cơ động hành quân.
Thiết nghĩ, quân đội ta nên tập trung hướng phát triển trang bị mũ chống đạn cho toàn quân. Ở quân đội các nước trên thế giới, họ tập trung trang bị mũ chống đạn cho người lính trước rồi áo chống đạn khi có điều kiện sẽ trang bị sau, vì đầu là bộ phận cực kỳ quan trọng của con người nên cần được ưu tiên bảo vệ.