Michael J. Strauss, Giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu Ngoại giao và Chiến lược tại Paris vừa có bài viết nhận định rằng Nga đang ở trong tình thế giống như Mỹ từng trải qua với căn cứ hải quân Guantanamo ở Cuba. Dưới đây là nội dung bài viết:
Sau cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba, chính phủ nước này đứng trước cơ hội có một không hai để đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi căn cứ hải quân Guantanamo, bằng cách dựa vào một nguyên tắc pháp lý mà trong đó một quốc gia có quyền hủy bỏ hiệp ước đã ký nếu có một sự thay đổi căn bản đối với những hoàn cảnh dẫn đến hiệp ước đó.
Đối với nhiều chuyên gia luật quốc tế, một cuộc cách mạng có thể được xem là một sự thay đổi căn bản. Cuba cũng đã xem xét đến khả năng dùng nguyên tắc này làm cơ sở để tuyên bố hiệp ước cho Mỹ thuê căn cứ là vô hiệu. Nhưng nước này khi đó còn chần chừ và cho đến cuối những năm 1970 vẫn cân nhắc 4 phương án pháp lý khác nhau để đuổi người Mỹ khỏi lãnh thổ của mình. Tuy nhiên cuối cùng, họ không thực hiện bất kì hành động nào.
Đứng sau Cuba lúc đó là Liên Xô, do đó hiển nhiên là sự thay đổi quyền lực đột ngột ở Ukraine không khỏi khiến Nga lo ngại việc chính phủ mới ở Ukraine sẽ dùng nguyên tắc tương tự để chấm dứt thỏa thuận cho Nga thuê căn cứ Sevastopol.
Nga có lí do chính đáng để lo ngại. Khi Tổng thống vừa bị lật đổ Viktor Yanukovych nhậm chức năm 2010, hành động đầu tiên của ông này là đề xuất lên quốc hội việc gia hạn hợp đồng cho thuê Sevastopol. Việc này gây nhiều tranh cãi tới mức đã dẫn đến ẩu đả ngay trong quốc hội. Tuy vậy cuối cùng thì đề xuất này cũng được thông qua.
Chính phủ tiền nhiệm của Yanukovych từng nhiều lần cảnh báo rằng thỏa thuận cho thuê sẽ không được gia hạn sau khi nó hết hạn vào năm 2017. Động thái này đẩy Nga vào tình thế khó khăn do tiến độ xây dựng quân cảng thay thế ở Novorissiysk diễn ra quá chậm. Hơn nữa, cảng này lại ở cực đông của Biển Đen, nếu so về vị trí chiến lược thì không thể bằng Sevastopol.
Quân cảng Sevastopol không đơn giản chỉ là một căn cứ quân sự hải ngoại mà còn giúp ích cho an ninh lương thực của Nga. Trong những năm mất mùa, Nga phải dựa vào lương thực cung cấp bởi Ukraine. Sự hiện diện quân sự của Nga tại đây giúp nước này duy trì và có thể an tâm hơn về việc đảm bảo nguồn cung quan trọng này.
Với sự thay đổi quyền lực ở Ukraine, chính phủ mới hiện nay hoặc sau kì bầu cử có thể hành động quyết đoán hơn Cuba trong quá khứ. Trên thực tế, các chính trị gia có thể chỉ cần lên tiếng yêu cầu chấm dứt thỏa thuận cho thuê là có thể thu hút được sự ủng hộ của nhiều cử tri.
Vì vậy, Nga hiện đang ở trong cùng tình thế mà Mỹ trải qua với Guantanamo nửa thế kỷ trước. Tuy nhiên, cả 2 vẫn có thể dựa vào một nguyên tắc pháp lý có lợi cho mình, trong đó một quốc gia có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ mà mình đã cam kết.
Một luật sư của Bộ ngoại giao Mỹ đã nói rõ vào tháng 2/1962 như sau: “Trong trường hợp Cuba tuyên bố bác bỏ, không công nhận hay thoái thác trách nhiệm của mình trong thỏa thuận liên quan đến Guantanamo thì tuyên bố đó cũng vô hiệu về pháp lý. Thỏa thuận này sẽ vẫn được tiếp tục thi hành cho đến khi cả Mỹ và Cuba cùng đồng thuận trong việc thay đổi. Bất kì sự viện dẫn nào về nguyên tắc ‘thay đổi căn bản đối với hoàn cảnh’ để làm căn cứ cho việc đơn phương chấm dứt thỏa thuận sẽ không có cơ sở vững chắc.”
Không ai biết chắc mức độ ‘thay đổi căn bản’ nào là đủ để vượt qua nguyên tắc trên. Tuy nhiên với tiền lệ của Mỹ ở Guantanamo thì tiêu chuẩn đang ở mức cao và theo hướng có lợi cho Nga. Đây có lẽ một điểm tương đồng hiếm hoi giữa 2 cường quốc trong cuộc khủng hoảng này. Nhưng nó vẫn có thể đóng vai trò mở đường cho những bước đối thoại tiếp theo mà có thể dẫn đến giải pháp ngoại giao cho vấn đề ở Crimea.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Giáo sư Michael J. Strauss