"Căn cứ Hạm đội Biển Đen không đáng để Nga phải cố giữ"

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Theo Alexander Golts, phó TBT tạp chí Yezhednevny Zhurnal, với Nga, căn cứ Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol là một quân cảng quan trọng nhưng không đến mức thiết yếu.

Tờ CSMonitor mới đây đăng tải một bài bình luận về tầm quan trọng của quân cảng Sevastopol (nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen) đối với Nga. Sau đây là nội dung bài viết:

Thành phố Sevastopol hiện đang là điểm nóng trong căng thẳng giữa nước Ukraine và Nga. Nhưng trên thực tế, nó không có giá trị về mặt quân sự nhiều như mọi người vẫn nghĩ.

Sevastopol đóng vai trò trung tâm trong tranh chấp giữa Nga và Ukraine liên quan đến vùng lãnh thổ Crimea. Từ trước cho đến nay, binh sĩ Nga vẫn luôn hiện diện tại đây, mặc dù về mặt pháp lý thì đây là lãnh thổ của Ukraine.

Ảnh Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol năm 1992

Hạm đội Biển Đen đã đóng tại Sevastopol từ cuối thế kỷ 18.

Sevastopol là nơi đóng quân của hạm đội Biển Đen, đồng thời là một thành phố lịch sử đã chứng kiến nhiều chiến công quân sự của nước Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga duy trì sự hiện diện quân sự của mình tại đây thông qua các thỏa thuận cho thuê đất, tương tự như căn cứ Guantanamo của Mỹ ở Cuba.

Tuy nhiên, khi mà căng thẳng hiện nay đang leo thang, dẫn đến khả năng cộng đồng người gốc Nga tại Crimea đòi tách khỏi Ukraine, nhiều người đặt câu hỏi về việc Nga sẽ can thiệp quân sự đến mức độ nào vào khu vực này để hỗ trợ đòi hỏi trên. Câu trả lời phần nào phụ thuộc vào tầm quan trọng của Sevastopol trong tham vọng của Nga khi tái khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.

Một biểu tượng lịch sử

Trong quá khứ, hạm đội Biển Đen từng là biểu tượng sức mạnh quân sự của Nga và thể hiện cho tham vọng của nước này tiến từ vùng Biển Đen chật hẹp ra Địa Trung Hải và xa hơn nữa. Trong chiến tranh Crimea vào năm 1855, thành phố Sevastopol từng bị liên quân Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ vây hãm suốt 11 tháng. Đại văn hào Lev Tolstoy, khi đó là một trung úy trẻ, từng tham gia chiến dịch này và đã miêu tả nó trong các tác phẩm của mình. Trong thế chiến thứ 2, Sevastopol cũng bị phát xít vây hãm suốt 250 ngày và do đó được phong tặng danh hiệu "Thành phố anh hùng".

Năm 1954, nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó, Nikita Khrushchev, đã ký sắc lệnh chuyển vùng Crimea từ Nga cho Ukraine như một món quà nhân dịp 300 năm quan hệ giữa Nga và Ukraine, riêng Sevastopol vẫn là một đặc khu và chịu sự quản lý trực tiếp từ Moscow. Vào thời điểm đó, hành động này hầu như chỉ mang tính biểu tượng do cả Nga và Ukraine đều thuộc Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Nga và Ukraine trở thành 2 thực thể độc lập thì Crimea nghiễm nhiên trở thành lãnh thổ của Ukraine.

Thủy thủ Nga trong lễ kỷ niệm 230 năm thành lập Hạm đội Biển Đen hôm 12/5/2013
Thủy thủ Nga trong lễ kỷ niệm 230 năm thành lập Hạm đội Biển Đen hôm 12/5/2013

Trong 2 thập niên kể từ sau cột mốc 1991, hạm đội Biển Đen hùng mạnh ngày nào đã xuống cấp trầm trọng. Không còn Liên Xô để duy trì tham vọng cạnh tranh với hải quân Mỹ, hạm đội này gần như không còn mục đích sử dụng. Nó được huy động trong một thời gian ngắn khi Nga gây chiến với Gruzia năm 2008, nhưng gần như không có hoạt động nào đáng kể.

Năm 2010, Nga và Ukraine ký Thỏa thuận Kharkov, kéo dài thời hạn cho Nga thuê Sevastopol đến năm 2042. Trong những năm sau đó, tàu chiến từ hạm đội này bắt đầu thực hiện những cuộc diễn tập ở Địa Trung Hải như là một cách để Tổng thống Putin ủng hộ đồng minh Syria và tái hiện diện tại những khu vực mà họ đã bỏ trống từ lâu.

Đứa con bị ghẻ lạnh

Nhưng theo lời Alexander Konovalov, giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược ISA tại Moscow, nhìn chung hạm đội Biển Đen vẫn nhận được rất ít sự hỗ trợ cần thiết.

“Có sự đầu tư nâng cấp, nhưng không đáng kể” - Ông Konovalov nói.

Theo ông này, “Nga vẫn là một cường quốc trên bộ, và hải quân chỉ đóng vai trò bảo vệ vùng biển. Nga có thể gây chiến với Gruzia, hay thậm chí cả Ukraine, mà không cần sử dụng hải quân.”

Quốc huy đại bàng 2 đầu của Nga trên tuần dương hạm Moskva tại cảng Sevastopol.
Quốc huy đại bàng 2 đầu của Nga trên tuần dương hạm Moskva tại cảng Sevastopol.

Theo thông tin chính thức của hạm đội Biển Đen, lực lượng của họ chỉ có vài chục tàu chiến hạng nhẹ. Nhiều chiếc đã lỗi thời và không đủ điều kiện vận hành. Hạm đội không có tàu sân bay hay tàu ngầm hạt nhân.

Theo truyền thống, hải quân là "đứa con ghẻ" của lực lượng vũ trang Nga. Lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược luôn được ưu tiên nhất, rồi đến lục quân và không quân. Theo học thuyết quân sự Liên Xô thì vai trò chính của hải quân là hỗ trợ và bảo vệ hạm đội tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân. Trong số 4 hạm đội hiện nay của Nga, hạm đội Biển Đen đứng cuối về tầm quan trọng, sau các hạm đội Baltic, Phương Bắc và Thái Bình Dương. Cả 3 hạm đội trên đều có thể tiếp cận các đại dương lớn dễ dàng hơn.

"Không nhất thiết phải giữ bằng mọi giá"

Vì vậy, theo Alexander Golts, phó tổng biên tập tờ tạp chí Yezhednevny Zhurnal, thì “Sevastopol là một quân cảng quan trọng, nhưng không đến mức thiết yếu.” Ông này cũng nói thêm rằng theo tinh thần chung của thỏa thuận thì Nga trong tương lai sẽ tái bố trí hạm đội Biển Đen từ Sevastopol đến Novorossiysk, một cảng dân sự gần Sochi. Vì vậy, hải quân Nga luôn có lựa chọn thứ 2 trong bất kì tình huống nào.

Ông Golts nói “Novorossiysk đang được đầu tư nâng cấp để có thể đón hạm đội Biển Đen. Thực ra thì Sevastopol vẫn tốt hơn nhiều. Mất nó là một điều đáng tiếc, nhưng không quá nghiêm trọng cho Nga”.

Việc Nga can thiệp vào Ukraine chủ yếu là do lí do chính trị, không phải là vì tầm quan trọng về mặt quân sự, theo ông Konovalov. “Sevastopol là một biểu tượng, niềm tự hào lớn của người Nga. Nơi đây là một phần lịch sử, nhưng nhìn chung thì Nga không cần phải giữ nó bằng mọi giá.”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại