Đồng bào ta đã chiến đấu gian khổ trong điều kiện hết sức thiếu thốn về mọi mặt. Đó thực sự là những anh hùng khi cuối cùng chúng ta đã chiến thắng tất cả những kẻ thù hùng mạnh nhất. Sự khập khiễng về vũ khí, vóc dáng, thể lực đã là một bất lợi cho chúng ta. Bên cạnh đó, đời sống bộ đội ta cũng cơ cực hơn lính Mỹ rất nhiều.
Nếu như bộ đội ta ăn cơm nấu từ gạo từ hậu phương gửi ra, có khi chỉ có khoai, sắn, thậm chí nhiều lúc chỉ được ăn rau rừng, uống nước suối, thì lính Mỹ cũng được ‘hậu phương” (chính phủ Mỹ) của họ cung cấp bữa ăn là những khẩu phần tác chiến rất đầy đủ và vô cùng sang chảnh.
Khẩu phần ăn của lính Mỹ tại chiến trường và trong các cuộc hành quân dài ngày được cung cấp chủ yếu là lương thực đóng hộp, có thể để được trong một thời gian dài và được chia thành nhiều loại. Loại phổ biến nhất khi đó là loại B- dòng khẩu phần được sản xuất và dự trữ mà không dùng các thiết bị lạnh, loại này cũng được chia thành 3 loại theo các bữa: bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Mỗi bữa, thức ăn lại có thể thay đổi được.
Bữa sáng được chứa trong một gói nhỏ, thường là mì hay bánh mì, cũng có khi là thịt. Mỗi bữa trưa và bữa tối chứa khoảng 2.830 calo. Ngoài đồ ăn chính trong một túi riêng lớn nhất thường có thịt (thịt bò, thịt lợn, thịt gà…), cá, trứng, đậu, khoai tây… Kèm theo đó là những gói nhỏ chứa muối, đường, bột sô-cô-la, cà phê, thuốc lá (cũng có rất nhiều loại), nĩa, thìa. Tất cả được cho vào một cái túi riêng. Bên cạnh đó, họ còn có thể ăn bánh khô, lương khô mang theo. Tuy nhiên, thứ mà lính Mỹ thích nhất chính là kẹo cao su, thứ mà khi ấy cùng với sô-cô-la đối với đồng bào ta là cực kì lạ lẫm và xa xỉ.
Khẩu phần ăn cá nhân này được phát như nhau cho mọi binh lính và các sĩ quan Mỹ. Lúc đầu người ta phát từng loại riêng nhưng sau đó vì chiến trường luôn hỗn loạn nên người ta phát cho mỗi binh sĩ một thùng, bao gồm cả ba loại đó để họ tự chia. Tuy nhiên, việc tự chia này cũng không mất công lắm. Thường thì bất cứ khi nào một binh sĩ đói, anh ta sẽ khui một hộp ra và thưởng thức ngay tại chỗ nào cảm thấy toàn nhất.
Tất nhiên, để có một bữa ăn nhanh chóng và đầy đủ calo như thế, bên mỗi người lính ngoài chiếc bật lửa Zippo, bình toong thì chiếc mở nắp hộp cũng là một vật bất li thân. Nếu không có nó, họ sẽ gần như chết đói. Vì vậy, lính Mỹ thường treo nó cùng với dây bảng tên. Có 2 loại mở nắp, một loại ngắn tên là P38 và loại dài tên là P51 do hai thương hiệu khác nhau sản xuất, tuy nhiên chúng đều tiện dụng và được sử dụng phổ biến như nhau.
Nhìn vào bữa ăn "quý tộc" nơi chiến trường như thế, ta cũng đủ tưởng tượng được rằng bữa ăn nơi hậu cứ của họ sang đến mức nào. Ở đó có nhà bếp riêng với khẩu phần ăn đầy đủ chất và năng lượng, bao gồm cơm, thịt, cá, trứng, rau củ và các loại phụ như muối, đường…và đương nhiên không thể thiếu được cà phê và thuốc lá. Khi có nhu cầu, người ta có thể mua thêm bia hay rượu.
Cũng như ở chiến trường, tại đây các sĩ quan và binh lính được chia khẩu phần ăn như nhau. Chỉ khác ở chỗ là họ được chia ra các khu vực khác nhau. Cũng có thông tin nói rằng các sĩ quan phải trả tiền ăn còn binh lính thì không.
Bên cạnh đó, có một loại lương thực tiện dụng nữa là cơm gạo sấy. Tùy vào lượng nước đổ vào là nóng hay lạnh mà chúng sẽ trở thành cơm nóng hay cơm nguội. Loại thức ăn này cũng khá là tiện dụng và phổ biến, ăn tuy không ngon được như cơm nấu nhưng lại đỡ chán hơn đồ hộp nhiều.
Cơm gạo sấy chủ yếu cung cấp cho binh lính Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, các loại đồ hộp trên vẫn còn có thể tìm mua được, nhưng cơm gạo sấy loại này thì không ở đâu sản xuất và bán nữa.