Trong các trang bị cá nhân của lính Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam, dao găm KA-BAR là một trong những loại vũ khí thông dụng nhất. Những con dao này vẫn được lính Mỹ ưa thích cho tận tới ngày nay, cũng chính những con dao này đã gây ra những vụ thảm sát man rợ cho người dân Việt Nam.
Chất lượng tuyệt hảo
KA-BAR là tên gọi của con dao chiến đấu do hãng KA-BAR Knives Inc sản xuất. Cái tên KA-Bar lần đầu tiên được khắc lên thân dao vào năm 1923, do một thợ săn kiến nghị sau khi dùng dao giết chết một con gấu. Kí tự KA-BAR viết tắt của Kill A Bear - Giết một con gấu. Sau khi tham gia Thế chiến II, các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ nhận được phàn nàn của các binh sĩ về việc dao từ Thế chiến I không còn dùng được. Quân đội Mỹ tiến hành lựa chọn mẫu dao mới. Đã có 4 hãng dao gửi thiết kế đến quân đội, cuối cùng mẫu dao KA-BAR đã được chọn.
Vào tháng 11/1942, lần đầu tiên dao chiến đấu 1219C2 được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng và sau đó được Hải quân Mỹ chính thức lựa chọn là dao chiến đấu trong trang bị cá nhân của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
KA-BAR phiên bản Lục quân và Hải quân được sản xuất tương tự như của Thủy quân lục chiến. Chúng chỉ khác nhau các chữ và kí hiệu được khắc trên cán dao và vỏ dao.
Dao chiến đấu đa năng KAR-BAR dài 30,16 cm, phần lưỡi dài 18 cm, nặng 0,56 kg, được làm bằng thép cacbon 1095, có rãnh dọc lưỡi dao. Rãnh này sẽ khiến đối phương bị hạ gục nhanh chóng vì bị mất máu. Phần chuôi dài 12.7cm được làm từ da ép, những miếng da được cắt hình tròn đồng xu sau đó được ép lại. Cùng với đó là các biện pháp xử lý hóa chất để có thể chống lại ảnh hưởng của nấm mốc. Hiện nay, thân dao được phun một lớp sơn mỏng màu đen để làm giảm phản xạ ánh sáng cũng như chống ăn mòn bởi nước biển.
Dao găm KA-BAR của Thủy quân lục chiến Mỹ
Thép crom-vanadi 1095 được sử dụng để làm phần rìa lưỡi dao có độ cứng tới 56-58 HRC, trong khi đó, phần thân lưỡi dao được làm bằng thép cacbon kết cấu 1095. Điều này nhằm đảm bảo độ cứng của rìa lưỡi dao, không bị sứt mẻ nhưng đồng thời phần thân lưỡi dao có độ cứng thấp hơn, khiến nó khó bị gãy khi sử dụng cũng như dễ gia công khi chế tạo, đồng thời tiết kiệm được chi phí bởi vì thép hợp kim 1095 crom-vanadi là loại hợp kim đắt tiền.
Bên cạnh sử dụng để chiến đấu, dao KA-BAR đã chứng minh tính đa năng của nó khi được sử dụng cho việc mở lon, đào rãnh, cắt gỗ, rễ cây, dây leo, dây cáp.
Một lính Mỹ đang dùng dao KA-BAR đào rãnh
Toàn bộ quá trình sản xuất dao hầu như được chế tạo thủ công với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt cũng như những bí quyết công nghệ về nhiệt luyện được giữ bí mật gắt gao. Chính vì lẽ đó mà những con dao chiến đấu này có độ tin cậy và chất lượng cao. Con dao có tuổi thọ rất dài theo thời gian. Những con dao có từ thời chiến tranh Việt Nam còn lại hiện nay, qua hơn 40 năm, hầu như vẫn giữ nguyên được chất lượng như khi mới xuất xưởng. Kể cả lớp da làm chuôi dao có thể ngâm một thời gian dài dưới nước biển vẫn hầu như không hề bị hư hỏng.
Thủy quân lục chiến Mỹ đặc biệt yêu thích loại dao này. KA-BAR vẫn còn được sử dụng ngày nay.
Một chiếc dao KA-BAR được sử dụng cho đặc nhiệm Mỹ từ năm 1965 (ảnh chụp 2009) vẫn còn nguyên vẹn, kể cả phần chuôi làm bằng da
Con dao "đồ tể"
Trong chiến tranh Việt Nam, dao găm KA-BAR không chỉ được biết đến với chất lượng tuyệt vời của nó mà còn được biết đến như con dao "đồ tể". Nhiều vụ thảm sát của lính Mỹ được thực hiện bằng dao này. Trong số đó tàn bạo nhất là vụ thảm sát Thạnh Phong đêm 25/2 (tại Khâu Băng, ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú , tỉnh Bến Tre ), lực lượng biệt kích SEAL của quân đội Mỹ, do Bob Kerrey chỉ huy, giết hại 21 thường dân gồm người già, phụ nữ và trẻ em trong khi truy tìm một cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam .
Lính Mỹ và dao găm KA-BAR
Năm 2001, Tạp chí New York Times và chương trình 60 Minutes II của đài truyền hình Mỹ CBS đã thực hiện một loạt phóng sự về sự kiện trên, trong lời tự thú của cựu nghị sĩ Bob Kerrey đã kể ra một chi tiết khiến mọi người phải rùng mình: nhiều các nạn nhân đã bị cứa cổ. Có nhân chứng còn cho biết, một số nạn nhân bị mổ bụng, móc ruột gan. Đó là bởi biệt kích hải quân Mỹ (SEAL) được huấn luyện sử dụng dao găm KA-BAR là một trong hai môn vũ khí chính. Môn còn lại là súng Hush Puppy gắn ống hãm thanh. Chính vì những tội ác như vậy mà trong chiến tranh Việt Nam, dao găm KA-BAR được mệnh danh là dao đồ tể, đã gây ra những vụ thảm sát man rợ cho nhân dân miền Nam.