Tìm hiểu "mắt thần" trên tàu sân bay Mỹ

Ly Vy |

E-2 Hawkeye là loại máy bay cảnh báo sớm trên không được trang bị trên các tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Northrop Grumman E-2C Hawkeye có nhiệm vụ cảnh giới trên không trong mọi điều kiện thời tiết cho biên đội tàu chiến.

Từ độ cao gần 8 km, những chiếc Hawkeye sẽ phát hiện các mối đe dọa từ trên không cũng như nhận dạng và cung cấp dữ liệu về vị trí cho máy bay chiến đấu F-14 Tomcat hay F/A-18 Hornet.

Chức năng thứ 2 của Hawkeye là chỉ huy, kiểm soát biên đội tấn công, trinh sát, giám sát các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cũng như chuyển tiếp liên lạc.

Máy bay cảnh báo sớm E-2C của Hải quân Mỹ.

Máy bay cảnh báo sớm E-2C của Hải quân Mỹ

E-2C bắt đầu hoạt động từ năm 1973, phiên bản Block II với động cơ và radar mạnh hơn được đưa vào biên chế năm 1992 và đơn hàng cuối cùng đã được chuyển giao vào năm 2001.

Có tổng cộng hơn 180 chiếc E-2C được sản xuất cho Hải quân Mỹ và hơn 30 chiếc khác để xuất khẩu, 6 chiếc E-2C Hawkeye được chuyển giao cho Lực lượng Hải quân Trù bị Mỹ nhằm thực hiện nhiệm vụ chống buôn bán ma túy và bảo vệ an ninh nội địa.

Ngoài Hải quân Mỹ, E-2C còn có trong biên chế một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ai Cập, Pháp, Israel, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan.

3 chiếc E-2C của Không quân Israel đã được bán cho Hải quân Mexico, 2 chiếc đầu giao vào tháng 6/2004 và chiếc thứ 3 vào tháng 11/2004.

Phi hành đoàn của E-2C bao gồm 5 người với 2 phi công (chính và phụ), sĩ quan thông tin, sĩ quan dẫn đường và buồng vận hành radar nằm ngay dưới chảo radar của máy bay.

Thiết kế dành cho tàu sân bay

E-2C chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay.

E-2C chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay

E-2C được thiết kế chuyên biệt dành cho tàu sân bay với 2 cánh có thể gập sát vào thân, phần càng đáp phía trước có thể lắp với máy phóng, phía sau máy bay có móc hãm đà.

Khung thân của E-2C chế tạo từ kim loại nhẹ và phần cánh đuôi được làm bằng vật liệu composite nhằm giảm tín hiệu phản xạ radar.

Từ tháng 5/2004, những chiếc Hawkeye 2000 của Hải quân Mỹ trang bị 2 động cơ cánh quạt 8 lá Hamilton Sundstrand NP2000 có độ rung và tiếng ồn nhỏ, được kiểm soát bằng máy tính thay vì cơ học như ở động cơ cánh quạt 4 lá cũ.

Hệ thống tác chiến

Buồng điều khiển của E-2C.

Buồng điều khiển của E-2C

Chảo radar có đường kính 7,5 m đặt trên lưng máy bay chứa trong đó ăng ten AN/APA-171 của hãng Randtron Systems có tốc độ quay từ 5 - 6 vòng/phút.

Radar AN/APS-145 của Lockheed Martin có khả năng phát hiện 2.000 mục tiêu và giám sát 40 mục tiêu thù địch. Nó có thể phát hiện máy bay từ khoảng cách trên 550 km. Hệ thống hiển thị AN/UYQ-70 của Lockheed Martin bao gồm các màn hình đa màu sắc...

Vào tháng 8/2005, Northrop Grumman đã hoàn tất chương trình thay thế máy tính trên máy bay E-2C bằng hệ thống mới nhanh hơn, mạnh hơn và có độ tin cậy cao hơn.

Động cơ

E-2C nguyên bản trang bị 2 động cơ cánh quạt Allison T56-A-425, đến phiên bản E-2C Group I thì máy bay được trang bị động cơ T56-A-427. Với loại động cơ mới này, E-2C có thể bay liên tục trong 4 giờ, tầm hoạt động 200 dặm tính từ căn cứ.

Phiên bản Hawkeye 2000

Phiên bản Hawkeye 2000.

Phiên bản Hawkeye 2000

Hawkeye 2000 (HE2K) có tổng cộng 21 chiếc được Hải quân Mỹ đặt hàng và chiếc cuối cùng đã được chuyển giao vào tháng 9/2009.

Hawkeye 2000 triển khai hoạt động vào năm 2003 trên tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68) nhằm hỗ trợ chiến dịch Tự do Iraq. Northrop Grumman cũng đồng thời nâng cấp một số E-2C của Hải quân Mỹ lên chuẩn Hawkeye 2000.

1 chiếc Hawkeye 2000 cũng được chuyển cho Hải quân Pháp để trang bị trên tàu sân bay Charles de Gaulle và 2 chiếc E-2C của Hải quân Pháp cũng được nâng lên chuẩn 2000.

Vào tháng 4/2007, Pháp đã yêu cầu thông qua chương trình bán vũ khí cho nước ngoài của Mỹ về việc mua thêm 1 chiếc Hawkeye 2000.

Bên cạnh đó, vào tháng 10/2011, chính phủ Pháp còn đưa ra yêu cầu về việc nâng cấp 4 chiếc E-2C với giá trị lên đến 180 triệu USD. Northrop Grumman là nhà thầu chính của chương trình này.

Công việc nâng cấp bao gồm tích hợp hệ thống vũ khí, cảm biến, hệ thống nhận diện địch/ta Mode 5/S, 5 máy hỏi APX-122 IFF Mode 5/S, 5 bộ phát đáp APX-123 IFF Mode 5/S và 5 hệ thống gây nhiễu điện tử ALQ-217.

2 chiếc Hawkeye 2000 cũng được chuyển giao cho Đài Loan vào các năm 2004 và 2005, bổ sung vào phi đội 4 chiếc E-2C của vùng lãnh thổ này. Những chiếc E-2K nói trên được đưa vào hoạt động vào tháng 4/2006.

Ai Cập cũng nâng cấp 5 chiếc E-2C của mình lên chuẩn Hawkeye 2000 và nhận thêm 1 chiếc E-2C hiện đại hóa.

Chiếc E-2C nâng cấp đầu tiên của nước này được chuyển giao vào tháng 3/2003 và hợp đồng hoàn tất vào tháng 10/2008. Ai Cập cũng đặt mua thêm 2 chiếc E-2C dư thừa của Mỹ vào tháng 10/2007.

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản cũng đã nâng cấp 13 chiếc Hawkeye, chiếc đầu tiên được chuyển giao vào đầu năm 2005. Vào tháng 12/2007, UAE cũng yêu cầu mua 3 chiếc E-2C nâng cấp.

Hawkeye 2000 bao gồm hệ thống máy tính chiến trường (MCU) của Raytheon, hệ thống điều khiển (ACIS) của Lockheed Martin, hệ thống CEC, các hệ thống liên lạc vệ tinh, định vị và kiểm soát bay mới.

Hệ thống MCU được xây dựng theo cấu trúc mở với bộ nhớ và khả năng xử lý nhanh hơn bao gồm bộ xử lý, hệ thống phân phối dữ liệu và ăng ten cho phép Hawkeye 2000 quản lý thời gian thực, tích hợp và phân loại thông tin từ các nguồn bên ngoài như vệ tinh và radar trên tàu.

Phiên bản E-2D Advanced Hawkeye

Phiên bản E-2D Advanced Hawkeye.

Phiên bản E-2D Advanced Hawkeye

Thế hệ tiếp theo là E-2D Advanced Hawkeye được trang bị radar mới, hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống đa cảm biến tích hợp và hệ thống định vị tích hợp với buồng lái chiến thuật hiển thị đa năng của Northrop Grumman.

Lockheed Martin Maritime Systems & Sensors đã phát triển radar AN/APY-9 mới để trang bị trên loại máy bay này.

Advanced Hawkeye sẽ thay thế toàn bộ 75 chiếc E-2C của Hải quân Mỹ. Việc phát triển các hệ thống mới cho máy bay hoàn tất vào tháng 8/2003, E-2D cất cánh lần đầu tiên vào tháng 8/2007.

Công việc đánh giá hoàn tất vào tháng 11/2008 và máy bay sau đó được chuyển đến căn cứ Hải quân Patuxent River, bang Maryland nhằm thử nghiệm với tàu sân bay.

Chiếc E-2D đầu tiên được chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 7/2010. Đến tháng 9/2011, E-2D đã cất cánh thành công với máy phóng điện từ.

Hải quân Ấn Độ đã thảo luận với phía Northrop Grumman về việc cung cấp 6 chiếc E-2D và thỏa thuận này sau đó đã được chính phủ Mỹ chấp nhận vào tháng 8/2009.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại