Hải quân Mỹ đang phải phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tàng hình để thực hiện một số hoạt động an ninh quốc gia quan trọng nhất của mình. Nhiều nhiệm vụ như vậy thường diễn ra dưới nước, ở đó, các tàu ngầm sẽ nghe trộm thông tin liên lạc của đối thủ và lặng lẽ ém mình vào vị trí thích hợp sẵn sàng dùng tên lửa tấn công khi cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay lực lượng này đang chuyển hướng tập trung phát triển các phương tiện không người lái dưới biển (UUV), nhất là khi cuộc khủng hoảng ngân sách quốc phòng có nguy cơ đe dọa tới hoạt động của hạm đội tàu ngầm hao tiền tốn của.
Theo nhận định của giới chuyên gia, do phương tiện bay không người lái (UAV) đã trở nên quá phổ biến trong các cuộc chiến tranh trên bộ những thập kỷ qua, UUV có thể giúp thay đổi cách quân đội Mỹ hoạt động ở các đại dương trên thế giới giống như vai trò mà UAV từng đảm nhiệm.
Một mẫu phương tiện không người lái dưới nước (UUV) của Mỹ
Một dự án đầy tham vọng
Để thực hiện mục tiêu này, Hải quân Mỹ hiện đang tài trợ cho một số dự án thử nghiệm tưởng như chỉ có ở những bộ phim khoa học viễn tưởng.
Tại những phòng thí nghiệm ở khắp các trường đại học trên nước Mỹ, Văn phòng nghiên cứu hải quân (ONR) Lầu Năm Góc đang rót tiền cho việc sáng chế các chú sứa robot có thể bắt chước được chuyển động tự nhiên của các sinh vật biển với mục đích cuối cùng nhằm ứng dụng cho giám sát ngầm dưới nước và cho các sứ mệnh tìm kiếm, cứu hộ. Về mặt lý thuyết, những robot này cũng có thể được chạy bằng hydro và do đó không bao giờ hết nhiên liệu.
Bên cạnh đó, ONR còn tài trợ cho các dự án bắt chước khả năng uốn lượn của cá chình và sức đẩy của cá ngừ bởi vì giới kỹ sư Mỹ vẫn chưa thể chế tạo được các phương tiện dưới nước có thể bơi tốt như một chú cá bình thường.
“Các dự án hứa hẹn sẽ có nhiều tiềm năng lớn và bắt đầu trở nên khá hữu hình”, Đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh các chiến dịch hải quân và là thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã nói về UUV như vậy trong bài phát biểu tại Viện doanh nghiệp Mỹ, một cơ quan tư vấn chính sách ở Washington hồi tháng 9/2013.
Hầu hết các phương tiện dưới nước mà Hải quân Mỹ đang phát triển rẻ tiền hơn nhiều so với việc đóng mới và duy trì hạm đội tàu ngầm tấn công hạt nhân hiện nay của mình.
“Tàu ngầm có người lái của chúng tôi, tất nhiên, vẫn giữ vai trò chủ chốt trên chiến trường nhưng cực kỳ tốn kém”, Bob Work, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) cho biết. “Không phải chúng tôi muốn mua bao nhiêu cũng được”.
Với tình hình tài chính hiện tại của Mỹ thì ngay cả số tiền để duy trì hạm đội 48 tàu ngầm tàu ngầm tấn công hạt nhân cũng còn rất khó khăn dù ít hơn một nửa so với con số 100 chiếc thời Chiến tranh lạnh.
Hơn nữa, các tàu tấn công bề mặt đang trở nên dễ bị tổn thương hơn vì những vũ khí dẫn đường tiên tiến như tên lửa đạn đạo chống tàu, tên lửa siêu thanh tàng hình và ngư lôi định hướng đang quá phổ biến.
“Rủi ro này khiến chúng tôi quan tâm hơn tới những vật thể dưới nước. Nhưng do không thể mua thêm tàu ngầm có người lái, vì vậy UUV sẽ là một giải pháp để Mỹ duy trì được vị thế thống trị dưới nước ngay cả khi các tàu ngầm có người lái bị giảm bớt”, Work nói thêm.
Dù còn chông gai nhưng tương lai xán lạn
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn có những lý do khiến UUV chưa nhận được nhiều sự chú ý. Một rào cản quan trọng khiến chúng chưa thể được phát triển và đưa vào sử dụng rộng rãi là khả năng thông tin liên lạc.
“Thực sự thì giao tiếp với tàu thăm dò Sao Hỏa còn dễ hơn giao tiếp với một chiếc UUV ở độ sâu 100 hải lý dưới nước”, Work nói.
“Dưới nước, sóng vô tuyến phát đi không tốt, vì vậy UUV phải nổi lên mặt nước và mở rộng ăng ten để truyền dữ liệu. Do đó, riêng việc giao tiếp với UUV là rất khó khăn”.
"Cũng vì lý do này, khung thời gian dưới nước chỉ được tính bằng ngày và tuần”, Alan Beam, cựu Giám đốc chương trình Phương tiện không người lái dưới nước của Cơ quan các Dự án nghiên cứu tiên tiến tương lai Lầu Năm Góc (DARPA) cho biết thêm, “Nếu muốn giao tiếp với UUV thời gian gần thực, bạn phải thiết lập một kênh thông tin liên lạc”.
Theo Beam, chỉ khi Hải quân Mỹ đưa vào vận hành một UUV hoạt động liên tục được trong 30 ngày “thì khi đó bạn mới tính tới việc bắt đầu làm được một điều gì đó”.
Để làm được như vậy, Hải quân Mỹ cần các UUV đường kính cỡ lớn, có thể tích trữ nhiên liệu, và mục tiêu này cuối cùng có thể giúp chúng hoạt động ít nhất 2 tháng dưới nước.
Tuy nhiên, ngân sách đầu tư hiện tại được trích ra từ khoảng hơn một nửa từ 1 tỷ USD cho tất cả các hệ thống hàng hải không người lái. Nếu so sánh với 45 tỷ mà Lầu Năm Góc chi cho UAV trong năm tới thì chẳng đáng là bao.
Mặc dù vậy, xu hướng cho UUV là “rất xán lạn”, Work bày tỏ lạc quan. Theo ông, trong tương lai, UUV kích cỡ lớn có thể hoạt động giống như xe tải đa năng trên bộ, có khả năng mang thủy lôi và ngư lôi hay dùng làm phương tiện vận chuyển lực lượng đặc nhiệm. UUV nhỏ hơn cũng có thể được gắn cảm biến và vũ khí, mai phục ngoài khơi bờ biển nước đối tượng và về cơ bản sẽ là “một bãi mìn di động với các ngư lôi loại nhỏ, khi tàu đối phương ra khỏi cảng, chúng sẽ vô hiệu hóa được ngay”.
Trong những năm tới, UUV chưa có khả năng thay thế tàu ngầm tấn công hạt nhân có người lái. Tuy nhiên, chúng có thể được thiết kế để “làm những nhiệm vụ nguy hiểm, ô nhiễm hoặc đánh lừa mục tiêu mà tàu ngầm tấn công hạt nhân không thể làm được”, Phó Đô đốc Richard Breckenridge, Giám đốc Đơn vị tác chiến ngầm Hải quân Mỹ chia sẻ trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ hồi tháng 9/2013.