RS-26 dự kiến sẽ được triển khai với nhiều đầu đạn siêu âm linh hoạt, được thiết kế để có thể đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu – các quan chức Mỹ tiết lộ với tờ Inside the Ring.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết căn cứ vào các cuộc thử nghiệm gần đây của RS-26 và tuyên bố của Nga rằng nó được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ thì loại tên lửa mới này đã vi phạm Hiệp ước thủ tiêu tên lửa hạt nhân tầm trung Xô – Mỹ (INF) ký kết năm 1987 dành cho các loại tên lửa có tầm bắn từ 500 – 5.500 km.
“Người Nga đang “quảng cáo” hệ thống này có khả năng đánh bại lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu”, quan chức này cho hay, “Cũng trong thời gian này, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận được một tuyên bố của Nga rằng đây là một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và không vi phạm Hiệp ước INF”.
Theo báo cáo mới đây của Trung tâm tình báo tên lửa và vũ trụ Không quân Mỹ, cuộc thử nghiệm tên lửa RS-26 vào ngày 6/6 vừa qua là một vụ phóng thử tên lửa tầm trung được ngụy trang thành tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Các quan chức Nga phủ nhận rằng RS-26 vi phạm Hiệp ước INF, tuyên bố rằng nó có tầm bắn lớn hơn ngưỡng trong hiệp ước là 5.500 km.
Thế nhưng, điều đáng chú ý là trong vài tháng gần đây, các quan chức Moscow nhiều lần đề nghị Hiệp ước INF nên được thay đổi hoặc hủy bỏ để cân bằng với kho tên lửa tầm trung ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Bên cạnh đó là tuyên bố lớn tiếng về mối đe dọa của loại tên lửa này với hệ thống phòng thủ của Mỹ và NATO ở châu Âu.
Các quan chức Mỹ cho biết cuộc thử nghiệm phóng thử tiếp theo của RS-26 dự kiến được tiến hành vào tháng 12 năm nay.
Hồi tháng Sáu, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã mô tả RS-26 là “sát thủ lá chắn tên lửa”, sau thành công của chuyến bay thử nghiệm với đầu đạn giả.
Loại tên lửa mới sẽ được trang bị đầu đạn có khả năng tự phân tách (MIRV). Điều đáng nói là các đầu đạn có tốc độ rất cao và cơ động. Chúng có thể sẽ được trang bị công nghệ tiên tiến , giúp tăng mức độ tấn công chính xác mục tiêu của hệ thống tên lửa.
Ngoài Hiệp ước INF, RS-26 cũng đang gây tranh cãi khi xét theo điều khoản của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) ký kết năm 2010. Hiệp ước START không cấm việc hiện đại hóa các vũ khí chiến lược nhưng cho phép mỗi bên “nghi ngờ” khả năng một loại vũ khí chiến lược mới đang được phát triển.
“Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của chúng tôi hiện tại nhằm bảo vệ lãnh thổ Mỹ chống lại một cuộc tấn công giới hạn bằng ICBM. Hệ thống BMD của Mỹ chủ yếu là nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên và Iran, không nhằm vào Nga. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất tự tin về khả năng của hệ thống BMD trong việc bảo vệ Mỹ và đồng minh chống lại mối đe dọa ngày càng tăng này” – Đại tá Pickert, người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết.
RS-26 sẽ tăng cường đáng kể kho vũ khí đang ngày càng lớn mạnh của Nga, trong đó hiện có tên lửa nhiên liệu rắn SS-27 và SS-29, tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm Bulava. Nga còn có kế hoạch phát triển một loại ICBM phóng từ hầm ngầm dưới mặt đất, đồng thời tuyên bố tái phát triển một số loại ICBM từng được triển khai trong thời kỳ Xô Viết và sau này đã bị phá hủy.
Tài liệu mua sắm của chính phủ Nga lần đầu tiên tiết lộ thông tin về loại tên lửa RS-26 vào ngày 23/9, trong hoạt động mời thầu bảo hiểm dành cho các cuộc phóng tên lửa thử nghiệm có liên quan.
Việc tích lũy các vũ khí hạt nhân chiến lược là một cách phản ứng của Moscow trước hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ mà họ coi là mối đe dọa với lực lượng hạt nhân chiến lược của mình.