Tiêm kích F-35 và thị trường vũ khí châu Á

Nhà nghiên cứu quốc phòng Richard A. Bitzinger thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) vừa có bài viết đánh giá về thị trường máy bay chiến đấu toàn cầu trong tương lai.

Theo Bitzinger, gần như mọi lực lượng không quân ở châu Á đều sẽ mua máy bay chiến đấu mới trong thập kỷ tới, và tất cả đều muốn có được loại máy bay tốt nhất. Có rất nhiều lựa chọn, chẳng hạn như Rafale của Pháp, Gripen của Thụy Điển, Su-30 của Nga, song loại máy bay nhận được quan tâm nhiều nhất là F-35 JSF do Mỹ chế tạo.

F-35 hiện là máy bay chiến đấu “thế hệ thứ 5” duy nhất đang được chào bán trên thị trường vũ khí toàn cầu. Tất cả các loại máy bay khác, tốt nhất trên thị trường, đều chỉ là “thế hệ 4+”, trong khi các máy bay được gọi là thế hệ thứ 5, như T-50 của Nga hay J-31 của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn phát triển. F-35 quả thực có rất nhiều lợi thế: khả năng tàng hình cao, khả năng chiến đấu đa chức năng với kỹ thuật điện tử hàng không, cảm biến và vũ khí hiện đại, khiến nó có vị trí hàng đầu trong “cuộc cách mạng mạng lưới-trung tâm ở lĩnh vực quân sự”.

Đến nay, 6 nước đối tác gồm Mỹ, Anh, Hà Lan, Australia, Israel và Italy, cùng 2 nước châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, đều đã ký hợp đồng mua hoặc thông báo ý định mua loại máy bay này. Canada, Đan Mạch, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều khả năng sẽ mua F-35.

Vấn đề ở đây là liệu F-35 có tiếp tục duy trì sự thành công này hay không?

Dù là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất đang được chào bán ở thị trường vũ khí thế giới, F-35 cũng đối mặt với nhiều thách thức khi muốn chiếm thị phần xuất khẩu, đặc biệt ở châu Á. Trước tiên, F-35 quá đắt. Richard Aboulafia, nhà phân tích hàng không thuộc công ty tư vấn Teal Group, ước tính giá thành một chiếc F-35 lên tới 125 triệu USD. Trong khi đó, giá mua 1 chiếc Gripen của Thụy Điển hay F-16 của Mỹ chỉ từ 35 đến 50 triệu USD. Ông Aboulafia lưu ý mới chỉ có 7 nước trên thế giới từng mua máy bay tiêm kích của nước ngoài với giá hơn 65 triệu USD/chiếc.

Hệ quả là không nhiều quốc gia có khả năng mua được F-35. Chẳng hạn như Nhật Bản đang cân nhắc hoãn mua F-35 do chi phí tăng. Rất có thể Indonesia, Malaysia, và Thái Lan, sẽ chỉ mua Gripen, Su-30, hoặc F-16 đời cũ.

Bên cạnh đó, F-35 vẫn là một lựa chọn mạo hiểm lớn. Theo bài viết của tạp chí "Vanity Fair" trong số ra hồi tháng 9, chương trình sản xuất F-35 đã chậm ít nhất 7 năm so với kế hoạch ban đầu và vẫn đang tìm cách vượt qua các rào cản kỹ thuật, đặc biệt trong phần mềm và hiển thị trên mũ phi công. Chi phí phát triển cũng tăng vọt do yêu cầu của Thủy quân Lục chiến Mỹ muốn có phiên bản F-35 cất cánh theo chiều thẳng đứng. Tuy nhiên, theo điều khoản “phát triển đồng quy”, Không quân Mỹ đang tiếp nhận đợt F-35 đầu tiên, thậm chí ngay cả khi nó vẫn chưa được thử nghiệm bay đầy đủ.

Phải thừa nhận rằng F-35 có ưu thế hơn nhiều so với các loại máy bay tiêm kích hiện hành khác trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tàng hình và tổng hợp cảm biến. Song, trên thực tế có bao nhiêu lực lượng không quân thực sự cần đến những năng lực như vậy, với giá thành cao và những ẩn số kỹ thuật như vậy? Dù F-35 nhiều khả năng sẽ thống trị thị trường máy bay chiến đấu công nghệ cao trong vài thập kỷ tới, cánh cửa vẫn đang mở cho các loại máy bay rẻ tiền hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại