Trong tác chiến phòng không, lực lượng radar cảnh giới được xem là “chìa khóa” của sự thành - bại. Tên lửa phòng không quan trọng nhưng radar cảnh giới có ý nghĩa lớn hơn. Nếu không thể phát hiện sớm mục tiêu thì dù tên lửa có hiện đại cũng chỉ là “đồ bỏ".
Là quốc gia ưu tiên đầu tư cho lực lượng phòng không - không quân, Việt Nam dành nhiều đầu tư cho hệ thống radar cảnh giới.
Gần đây, Việt Nam đã biên chế trạm radar 55Zh6UE NEBO-UE. Đây là một trong những trạm radar cảnh giới hàng đầu khu vực.
Đài 55Zh6UE Nebo-UE được thiết kế để phát hiện, bám sát tự động, phân biệt địch ta, nhận dạng kiểu loại, xác định và cung cấp các tham số tọa độ và đường bay của các loại mục tiêu bay.
Đặc biệt, radar này có khả năng phát hiện các mục tiêu tên lửa đạn đạo có diện tích phản hồi bức xạ rất nhỏ.
NEBO-UE thuộc loại radar di động mạng pha kỹ thuật số quét độ cao lớn và trung bình cho 3 tham số mục tiêu (phương vị, tốc độ, độ cao). Hệ thống có thể tích hợp với các hệ thống chỉ huy đồng bộ hoặc không đồng bộ của các đơn vị phòng không - không quân.
Đài NEBO-UE bao gồm khối thiết bị điện tử, một dàn ăng-ten với mảng ăng-ten dài ở phía dưới cùng và 3 mảng ngắn hơn ở phía trên.
Dàn ăng-ten này được chuyên chở trên 3 xe thùng kéo hở, bao gồm xe hiện sóng UV, xe phát điện 19U6 cùng cáp nguồn nối với xe hiện sóng và hệ thống điều khiển tự động, bộ dụng cụ sửa chữa và phụ tùng thay thế.
Radar này hội tụ những công nghệ trinh sát điện từ tối tân nhất của Nga hiện nay. NEBO-UE được trang bị bộ vi xử lý kỹ thuật số có khả năng phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn và khả năng kháng nhiễu rất tốt.
Hệ thống được tích hợp một bộ kiểm tra tự động tích hợp cho phép phát hiện sớm bất kỳ lỗi nào trong hệ thống để kịp thời khắc phục.
Hiện nay không loại radar nào có tính năng tương tự như NEBO-UE. So với radar 743D Martello vốn được đánh giá là radar tốt nhất của phương Tây ở tiêu chí cùng mức tiêu thụ điện năng và mức độ chính xác, đài NEBO-UE có cự ly và độ cao phát hiện mục tiêu lớn hơn đối thủ tới 1,5 lần.
Radar 55Zh6UE Nebo-UE mới được đưa vào biên chế lực lượng phòng không Nga từ năm 2000 nhưng gần đây đã có mặt trong biên chế lực lượng phòng không Việt Nam. Điều đó cho thấy quân đội Việt Nam rất nhạy bén trong việc cập nhật những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất thế giới để đảm bảo an ninh quốc gia.