Theo bài viết trên website của công ty phân tích Stratfor (trụ sở tại Mỹ), trong cuộc duyệt binh ngày 9/9 vừa qua, Trung Quốc đã trình làng một số lượng lớn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, qua đó làm nổi bật quy mô kho tên lửa đang được mở rộng của nước này
Việc viết định danh của những tên lửa này bằng chữ cái Latinh cũng cho thấy Bắc Kinh muốn cho thế giới rõ năng lực tên lửa của mình.
Phô trương sức mạnh tên lửa
Trong suốt cuộc duyệt binh năm nay, những vũ khí đáng chú ý nhất được giới thiệu là tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Lực lượng xe tăng, pháo tự hành và nhiều xe bọc thép khác của Trung Quốc cũng tham gia, cùng với số lượng lớn chiến đấu cơ (bao gồm cả tiêm kích hạm J-15) và trực thăng. Tuy nhiên, không có vũ khí hoàn toàn mới nào có mặt trong những đội hình này.
Trong khi đó, những tên lửa trước đây vốn được bảo vệ rất chặt chẽ lại được phô trương, ví dụ như tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21, tên lửa hành trình tấn công mặt đất DF-10A và tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26.
Không giống như Mỹ và Nga, Trung Quốc không phải là bên tham gia Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung.
Hiệp ước này cấm triển khai hoặc phát triển các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn trung bình, được xác định vào khoảng từ 500-5500km.
Vì vậy, Trung Quốc có thể đầu tư mạnh vào công tác phát triển, hiện đại hóa kho tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung của mình. Điều này được Bắc Kinh xác định là một nhân tố quan trọng để chuẩn bị cho những cuộc xung đột tiềm năng tại các vùng biển gần.
Nhân tố răn đe
Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, nhất là những loại tầm xa, là một bộ phận quan trọng trong học thuyết răn đe hạt nhân của Bắc Kinh.
Ví dụ, các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất hình thành nên thành tố cơ bản của bộ ba hạt nhân Trung Quốc.
Các tên lửa đạn đạo có tầm bắn ngắn hơn (xấp xỉ tầm trung) hoặc tên lửa hành trình cũng đóng một vai trò then chốt trong chiến lược răn đe thông thường của Trung Quốc.
Bắc Kinh đang từng bước mở rộng kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm ngắn (với gần 1.500 tên lửa) có tầm bắn tới Đài Loan.
Tên lửa DF-16
Trong trường hợp Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan, tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-16 và tên lửa hành trình đối đất DF-10 có thể tấn công hệ thống phòng không, cảng biển, tàu, sân bay, trung tâm chỉ huy - điều khiển và cơ sở hạ tầng của Đài Loan trong loạt đầu tiên.
Với tốc độ nhanh của những loại tên lửa này, Trung Quốc sẽ có lợi thế từ khoảng thời gian phản ứng chậm trễ của Đài Loan (đặc biệt là trong một cuộc tấn công bất ngờ), cũng như có khả năng sống sót cao hơn trước các hệ thống phòng thủ của hòn đảo này.
Khi đó, ít nhất là trên lý thuyết, Trung Quốc có thể triển khai một chiến dịch tấn công từ trên không và trên biển nhằm vào Đài Loan với các hệ thống phòng thủ yếu ớt.
Trung Quốc cũng có thể sử dụng những tên lửa này với hy vọng răn đe, trì hoãn hoặc làm tiêu hao lực lượng phản ứng từ bên ngoài, nhất là từ Mỹ.
Tên lửa DF-26
Bắc Kinh có thể cố gắng ngăn chặn hoặc làm giảm bớt bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ bằng cách phóng hàng loạt tên lửa DF-21C và DF-26 nhằm vào các căn cứ không quân của Mỹ trong khu vực (đặc biệt là căn cứ không quân Kadena ở Okinawa và Andersen ở Guam).
Tên lửa DF-21D
Ngoài ra, nước này có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D vào các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.
Trung Quốc đã tìm ra một lợi thế lớn trong việc phát huy hiệu quả của kho tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất của mình. Bắc Kinh rõ ràng sẽ tiếp tục tập trung xây dựng lợi thế này trong quá trình hiện đại hóa quân đội.
Vẫn có thể bị đánh chặn
Tuy nhiên, việc xây dựng năng lực tên lửa thông thường của Trung Quốc khó có thể trở thành một nhân tố bảo đảm cho sự thành công của họ.
Mặc dù chắc chắn sẽ gây khó khăn cho chiến lược mà các đối thủ tiềm năng của Trung Quốc triển khai, trong đó có Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản nhưng những tên lửa này không hoàn toàn “bất khả chiến bại”.
Ngược lại, theo Stratfor, chúng hoàn toàn có thể bị đánh chặn không chỉ sau khi được phóng đi mà còn cả trước đó.
Ví dụ, tên lửa Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào cơ sở hạ tầng dùng để chỉ thị mục tiêu đã có trước đó, đây là nhân tố hoàn toàn có thể bị can thiệp, ngăn chặn các tên lửa trên xác định được mục tiêu.
Bên cạnh đó, chúng cũng có thể bị tấn công ngay trên các bệ phóng hoặc căn cứ, tuy nhiên do được phóng từ Trung Quốc nên lựa chọn này có thể dẫn tới một sự leo thang nguy hiểm.
Sau khi tên lửa của Trung Quốc được phóng đi, đối phương có thể thực hiện một số biện pháp phòng thủ như triển khai các tên lửa phòng thủ đạn đạo hoặc tên lửa phòng không.
Tiếp đó, phương pháp gây nhiễu có thể đánh lừa các đầu đạn cơ động hoặc đầu đạn thông minh khiến chúng chệch mục tiêu.
Tên lửa DF-31A
Ngoài ra, công tác gia cố các sân bay hoặc nhà chứa máy bay có thể được tiến hành nhằm tạo ra biện pháp bảo vệ tốt hơn trước những tên lửa trên.
Các đội sửa chữa sân bay được huấn luyện và triển khai nhanh chóng có thể phục hồi sân bay bị phá hoại đưa vào hoạt động.
Trong khi Trung Quốc đang tập trung đầu tư mạnh vào kho tên lửa của mình, ngày càng có nhiều ý kiến từ phía Nga và Mỹ kêu gọi rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung để 2 nước này có thể xây dựng các kho tên lửa phóng từ mặt đất của mình.
Bên cạnh đó, Mỹ và đồng minh ở Đông Á cũng sẽ tiếp tục phát triển các phương tiện để hạn chế mối đe dọa từ Trung Quốc.