Vì sao Mỹ bỏ ý định biến A-10 thành máy bay ném bom hạt nhân?

Hải Vy |

Trong bài viết trên tạp chí The National Interest (Mỹ), tác giả Joseph Trevithick tiết lộ rằng, KQ Mỹ từng cân nhắc khả năng biến cường kích A-10 thành máy bay ném bom hạt nhân.

Ý tưởng lạ lùng

Năm 1975, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Bill Clement yêu cầu Không quân Mỹ dự toán mức chi phí dành cho việc sửa đổi các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 để chúng có thể mang vũ khí hạt nhân.

Hai tháng sau, Không quân Mỹ đệ trình các khoản chi phí cần thiết cho công tác nâng cấp. Tuy nhiên, ngoài 2 mẫu chiến đấu cơ trên, họ còn bổ sung thêm một ứng viên khác cho kế hoạch này, đó chính là các cường kích A-10 "Warthog".

“Chúng tôi đã cung cấp bản dự toán chi phí tương tự đối với các máy bay A-10” – Blog quân sự War is Boring trích dẫn một bản tài liệu có được từ Cơ quan nghiên cứu lịch sử Không quân Mỹ.

“Mức chi phí ước tính để 275 chiếc A-10 có thể mang vũ khí hạt nhân là 15,9 triệu USD” – Tài liệu viết.

Mức tổng chi phí này tương đương với hơn 65 triệu USD hiện nay, bao gồm phát triển và thử nghiệm các thiết bị cần thiết, sau đó lắp đặt lên các máy bay A-10.

B-61 bomb.jpg

Bom hạt nhân B61

Trong dự toán của Không quân Mỹ có gồm chi phí cho các hệ thống cần thiết để chiếc máy bay có thể mang các loại bom hạt nhân B-43, B-57 và B-61.

Vào thời điểm đó, 3 loại bom này là vũ khí hạt nhân tiêu chuẩn cho máy bay ném bom của quân đội Mỹ.

Nếu chiến tranh nổ ra ở châu Âu, các đồng minh NATO của Mỹ cũng sẽ được phép sử dụng các vũ khí này. Một phiên bản mới của B-61 vẫn còn trong trang bị chiến đấu của quân đội Mỹ cho tới ngày nay.

Tất nhiên, Không quân Mỹ cuối cùng đã không trang bị vũ khí hạt nhân cho A-10. Song, không mấy ngạc nhiên khi vào lúc đó, Mỹ lại có nhu cầu tăng cường số lượng máy bay mang vũ khí hạt nhân.

Đó là do trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc luôn muốn dùng các loại bom hạt nhân, đạn pháo và tên lửa để phòng thủ, do lo ngại Liên Xô sẽ tấn công châu Âu.

“Khi một mẫu máy bay mới được đưa vào trang bị trong những năm 1970, khả năng dùng chúng làm phương tiện mang vũ khí hạt nhân sẽ được thảo luận” – Nhà nghiên cứu lịch sử Không quân Brian Laslie cho biết.

“Các phương tiện chiến thuật mang vũ khí hạt nhân luôn được đề cập trong các tài liệu dự phòng một cuộc xung đột ở châu Âu” – ông Laslie nói.

Đối với Washington, nhiều ý kiến cho rằng sức mạnh hủy diệt của vũ khí nguyên tử là cách duy nhất có thể ngăn chặn Kremlin.

Bởi ít nhất là theo các tài liệu được ghi nhận, Moscow và các nước đồng minh khối Vác-sa-va có một lợi thế lớn hơn hẳn so với Mỹ về số lượng xe tăng và các loại xe bọc thép khác.

“Từ năm 1968, Liên Xô đã chế tạo hơn 65.000 xe thiết giáp, gấp gần 4 lần số xe tăng và 3 lần số xe bọc thép chở quân của Mỹ” – Bản tài liệu được giải mật gần đây của Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) cho biết.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tại sao Không quân Mỹ lại tính tới phương án trang bị vũ khí hạt nhân cho A-10.

Vì sao không thể thực hiện?

Theo các chuyên gia, mặc dù A-10 có khả năng tấn công mặt đất rất ấn tượng và vượt trội nhưng lại rất không phù hợp để thực hiện nhiệm vụ ném bom hạt nhân.

Theo một nhà hoạch định chiến thuật và vũ khí giấu tên của Không quân Mỹ, A-10 chắc chắn có thể mang vũ khí hạt nhân tấn công mục tiêu xác định nhưng khó có thể sống sót trở về.

Khả năng di chuyển chậm của A-10 là một lợi thế rất có giá trị khi yểm trợ các binh sĩ trên mặt đất, tuy nhiên, khi thực hiện ném bom hạt nhân, tốc độ chậm khiến nó chẳng khác nào “tự sát”.

Mặc dù các thông số cụ thể không được tiết lộ nhưng theo nhà nghiên cứu lịch sử hạt nhân Alex Wellerstein, một quả bom B-61 có thể tạo một "quả cầu lửa" với bán kính xa đến cả dặm.

Ảnh hưởng của B-61 khi phát nổ, khiến "nhà cửa đổ sập, thương vong rộng khắp", sẽ lan ra tới hơn 3 dặm so với bình địa. Ngay cả các máy bay chiến đấu tốc độ cao cũng khó thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của những vụ nổ lớn như vậy.

A-10 được cho là quá chậm chạp để có thể sống sót sau vụ ném bom.

Khi thực hiện nhiệm vụ hạt nhân, máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ sẽ bay về phía các mục tiêu, duy trì độ cao trên 30.000ft trước khi ném bom vào chúng.

Với trái bom bay theo đường cong lồi, phương pháp ném bom này có thể cho máy bay đủ thời gian thoát khỏi vụ nổ, tuy nhiên, đó cũng là trong “gang tấc”. Chiếc A-10 chậm chạp khó làm được điều này.

“Từ thực tế F-15 Strike Eagle và các chiến đấu cơ khác đều khó lòng thoát khỏi khu vực sau khi ném bom hạt nhân đã cho thấy bất cứ chiếc A-10 nào mang vũ khí hạt nhân cũng khó lòng sống sót” – Laslie nói.

Các phi công A-10 chỉ còn có thể cầu trời, trừ phi các loại vũ khí này được lắp ngòi nổ hẹn giờ.

Tới cuối cùng, không quân Mỹ đã không trang bị vũ khí hạt nhân cho A-10 và cũng không có bất cứ tài liệu nào cho thấy họ cân nhắc ý tưởng này một lần nữa.

Ngày nay, tất cả các ý kiến đều đồng nhất rằng ném bom hạt nhân là nhiệm vụ mà các máy bay A-10 không thể và không nên đảm nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại