Tàu khu trục phòng không đầu tiên của Trung Quốc có đáng sợ?

Minh Đức |

(Soha.vn) - Sau thất bại của hàng loạt dự án trước đó, thành công ban đầu đã đến với Trung Quốc qua dự án tàu khu trục phòng không Type 052C.

Ít nhất 3 thế hệ tàu khu trục đã được chế tạo và thử nghiệm tại Trung Quốc nhưng sự thành công vẫn còn ở quá xa đối với họ. Tuy nhiên, những thất bại đã cho họ nhiều bài học quý giá trong phát triển tàu chiến, những kết quả thu được thông qua quá trình thử nghiệm các dự án tàu khu trục như Type 051B, Type 051C, Type 052 đã tạo tiền đề cho những dự án lớn hơn.

Tàu khu trục Type-052C đã tạo ra bước đột phá lớn trong năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc.

Tàu khu trục Type 052C đã tạo ra bước đột phá lớn trong năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc.

Đầu năm 2002, một bước ngoặt lớn đối với công nghiệp đóng tàu quân sự đã đến với Trung Quốc. Chiếc tàu khu trục đầu tiên thuộc dự án Type 052C chính thức được hạ thủy. Type 052C được NATO định danh là lớp Lữ Dương II.

Tàu khu trục Type 052C thực sự đã tạo ra một bước đột phá lớn cho công nghiệp đóng tàu chiến cũng như năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc. Đến thế hệ tàu khu trục này Hải quân Trung Quốc mới có được khả năng phòng không cấp hạm đội đúng nghĩa.

Điểm mấu chốt trong thiết kế của Type 052C là nó là tàu chiến đầu tiên của Trung Quốc được trang bị radar quét mạng pha đa chức năng với 4 mảng an-ten được bố trí xung quanh tháp chỉ huy, cung cấp khả năng giám sát 360 độ. Kiểu bố trí an-ten của Type 052C tương tự như trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ.

Radar Type 348 hoạt động ở băng tần S do Viện công nghệ điện tử Nam Kinh chế tạo. Radar này được cho là có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 450km. Sự phát triển của radar này được cho là dưới sự trợ giúp từ Ukraine, họ đã cung cấp công nghệ làm mát cho các an-ten bố trí trên tàu khu trục Type 052C.

Cận cảnh một mảng an-ten Type-348 trên tàu khu trục Type-052C, người Trung Quốc vẫn ví von đầy là tàu khu trục

Cận cảnh một mảng an-ten Type 348 trên tàu khu trục Type 052C, người Trung Quốc vẫn ví von đây là tàu khu trục "Aegis made in China"

Nhiệm vụ của radar này là phát hiện mục tiêu và cung cấp kênh dẫn hướng cho tên lửa phòng không tầm xa. Hỗ trợ cho radar Type 348 là hệ thống radar giám sát tầm xa 2D Type 517M, radar này hoạt động ở băng tần VHF với phạm vi tìm kiếm mục tiêu tối đa 350km.

Phía trên đỉnh cột buồm được trang bị radar MR331 Mineral-ME của Nga sử dụng cho nhiệm vụ điều khiển hỏa lực cho tên lửa chống hạm và pháo chính. Ngoài ra, Type 052C còn được trang bị một hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện OFC-3 được sử dụng cho pháo chính trong trường hợp đêm tối hoặc radar bị gây nhiễu nặng.

Tàu khu trục phòng không đầu tiên

Đến Type 052C, Hải quân Trung Quốc mới sở hữu một tàu khu trục phòng không đúng nghĩa. Mặc dù tàu khu trục Type 051C cũng được trang bị hệ thống phòng không tầm xa Rif-M của Nga nhưng khả năng phòng không của nó rất hạn chế do thiếu radar điều khiển hỏa lực.

Type 052C là tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9A biến thể hải quân của tên lửa phòng không HQ-9A sao chép từ S-300 của Nga và Patriot của Mỹ. Tàu được trang bị 2 hệ thống phóng thẳng đứng với 6 cụm phóng phía trước và 2 cụm phóng phía sau, cơ số 48 đạn tên lửa phòng không tầm xa HQ-9A.

Tên lửa HQ-9 có cơ chế dẫn đường hỗn hợp với dẫn hướng quán tính giai đoạn đầu, pha giữa được dẫn hướng theo kiểu bám theo đạn TVM, giai đoạn cuối dẫn hướng bằng radar bán chủ động. Hệ thống có phạm vi tác chiến chống máy bay khoảng 150km, 30km chống tên lửa đạn đạo, tuy nhiên khả năng này chưa được kiểm chứng.

Cận cảnh hệ thống phòng không tầm xa HQ-9A trên tàu khu trục Type-052C.

Cận cảnh hệ thống phòng không tầm xa HQ-9A trên tàu khu trục Type 052C.

Về năng lực chống hạm, Type 052C được trang bị 8 tên lửa chống hạm YJ-62. Đây là loại tên lửa hành trình vừa có khả năng chống hạm vừa có khả năng tấn công mặt đất hạn chế. Tên lửa được dẫn hướng kết hợp quán tính và radar chủ động giai đoạn cuối.

Tầm bắn chính xác của YJ-62 còn khá nhiều điều tranh cãi, Trung Quốc giới thiệu tầm bắn của YJ-62 tới 400km, tuy nhiên, các nguồn tin của tình báo phương Tây cho rằng tầm bắn của nó khoảng 280km, điều này có phần phù hợp hơn.

Có thông tin cho rằng, Type 052C còn được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất HN-2 với tầm bắn khoảng 1.800km. Tuy nhiên điều này không thực sự chắc chắn bởi không gian trên tàu không còn chỗ để bố trí thêm vũ khí, trừ phi loại bỏ bớt tên lửa chống hạm.

Type 052C được vũ trang một pháo hạm Type 210 100mm, tốc độ bắn khoảng 90 viên/phút, tầm bắn tối đa khoảng 17km. Loại pháo hạm 100mm do Trung Quốc sao chép từ pháo hạm 100mm của Pháp bị chê hoạt động không ổn định, độ giật khi bắn lớn nên ảnh hưởng nhiều đến sự chính xác.

Ngoài ra, trên tàu còn được bố trí 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 730 cùng 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho một trực thăng chống ngầm Ka-28 hoặc Z-9C.

Tàu được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu CDS, tính năng của hệ thống này còn chưa được kiểm chứng nhưng theo giới thiệu từ Trung Quốc thì nó đã tạo ra một bước đột phá trong việc đối phó với nhiều kiểu mục tiêu khác nhau.

Type 052C có chiều dài 155 mét, chiều rộng 17 mét, mớn nước 6,1 mét, lượng giãn nước toàn tải 7.000 tấn, thủy thủ đoàn 250 người. Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp tuabin khí-diesel với tổng công suất 74.000 mã lực, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ.

Sự thành công ban đầu của tàu khu trục phòng không Type 052C đã đưa sức mạnh Hải quân Trung Quốc lên một tầm cao mới. Type 052C là thế hệ tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc được đóng mới với số lượng vượt quá con số 2 kém may mắn. 5 chiếc đã được hoàn thành trong đó có 4 chiếc đã đi vào hoạt động.

Điều đáng lưu tâm là cả 4 chiếc này đều được biên chế hoạt động ở Hạm đội Nam Hải phụ trách khu vực Biển Đông, nhằm phục vụ cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại