Hạm đội Nam Hải đã trở thành ngáo ộp trên Biển Đông như thế nào?

Minh Đức |

(Soha.vn) - Tháng 1/1974, hạm đội Nam Hải đã sử dụng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và chiếm giữ trái phép cho đến ngày nay.

Tháng 11/1949, Quân ủy Trung ương Trung Quốc ra quyết định thành lập lực lượng hải quân khu vực phía Nam thuộc quân khu Quảng Đông dưới sự chỉ huy của Tư lệnh quân khu Jiang Fang. Đến tháng 12/1950, 44 cơ quan đơn vị được sát nhập vào lực lượng hải quân phía Nam và lực lượng hải quân phía Đông có căn cứ tại Thanh Đảo, tạo nên cơ sở cho việc thành lập 3 hạm đội ngày nay.

Ngày 06/08/1955, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra quyết định đổi tên lực lượng hải quân khu vực phía Nam thành Hạm đội Nam Hải, trực thuộc Hải quân Trung Quốc có trụ sở đặt tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trang bị lúc đó của Hạm đội Nam Hải chỉ có 5 tàu pháo, 9 tàu đổ bộ với lượng giãn nước không quá 1.000 tấn.

Tàu khu trục nhỏ Type-053 của hạm đội Nam Hải những năm 1980.

Tàu khu trục nhỏ Type 053 của Hạm đội Nam Hải những năm 1980.

Đến năm 1957, Hải quân Trung Quốc ra quyết định thành lập một lữ đoàn tàu quét mìn, một hải đội tàu ngầm, một lữ đoàn tàu hộ tống và tàu phóng lôi. Tuy nhiên, công tác đào tạo lực lượng lúc này không phù hợp với trang bị. Có một sự chênh lệch rất lớn giữa con người và trang bị lúc đó.

Từ tháng 08-09 năm 1957, Hải quân Trung Quốc đã huy động khoảng 20 tàu chiến các loại đến từ Hạm đội Đông Hải di chuyển từ Hoàng Phố xuống căn cứ Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam để tiến hành các hoạt động tào đạo và tuần tra xung quanh đảo.

Bắt đầu từ tháng 02/1959, Hạm đội Nam Hải bắt đầu nhòm ngó quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong năm này, họ đã cho tàu tuần tra 2 lần ra thăm dò xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Vào những năm 1960, khi Mỹ mở rộng các hoạt động đánh phá miền Bắc, Hạm đội Nam Hải thực hiện rất hạn chế các hoạt động tuần tra tại khu vực này và chỉ mặc thường phục tuần tra trên các tàu đánh cá, do lo ngại đụng chạm với Hải quân Mỹ đang có mặt trong khu vực.

Vào năm 1972, Trung-Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, Hạm đội Nam Hải bắt đầu thực hiện các hoạt động tuần tra thường xuyên hơn đến khu vực quần đảo Hoàng Sa. Họ bắt đầu thực hiện các hoạt động ép ngư dân rời khỏi các đảo và bãi đá ngầm đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý.

Lực lượng tàu khu trục của hạm đội Nam Hải ngày nay.

Lực lượng tàu khu trục của Hạm đội Nam Hải ngày nay.

Đến năm 1973, khi Việt Nam và Mỹ ký hiệp định Paris, lực lượng hạm đội 7 xung quanh quần đảo Hoàng Sa đã rút về phía Nam đã tạo thời cơ cho Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa. Đỉnh điểm là tháng 1/1974, hạm đội Nam Hải đã sử dụng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và chiếm giữ trái phép cho đến ngày nay.

Đến năm 1988, hạm đội Nam Hải lại đánh chiếm bất hợp pháp một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hạm đội Nam Hải bắt đầu tiến hành quá trình hiện đại hóa lực lượng vào những năm 1990. Năm 1993, trụ sở của hạm đội dời về Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông và trở thành căn cứ chính của hạm đội này.

Hạm đội Nam Hải đang được ưu tiên trang bị những loại tàu chiến mới nhất, mạnh nhất của công nghiệp đóng tàu quân sự Trung Quốc. Hạm đội Nam Hải sẽ là công cụ bá quyền để Trung Quốc độc chiếm biển Đông, biến thành cái ao làng của hải quân nước này từ đó vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ 2 và cạnh tranh với Mỹ. Có thể thấy rõ, hầu hết mọi biến động, sóng gió trên Biển Đông đều ít nhiều bắt nguồn từ hạm đội này.

Tư lệnh của Hạm đội Nam Hải hiện nay là Đô đốc Jiang Weilie, cựu Giám đốc Vụ trang bị hải quân, chịu trách nhiệm về việc mua sắm các vũ khí hải quân của Trung Quốc.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại