Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục Trung Quốc (kỳ 3)

Minh Đức |

(Soha.vn) - Sau thất bại của dự án tàu khu trục Type 051B, các nhà thiết kế Trung Quốc đã vội vàng lấp liếm bằng dự án Type 051C nhưng sự thành công vẫn chưa đến với họ.

Dự án tàu khu trục Type 051B đã bị các quan chức Hải quân Trung Quốc chê tơi bời vì đặc tính kỹ thuật của nó không hơn gì các thế hệ tàu khu trục trước đó. Type 051B vẫn là một thế hệ tàu chiến “bình mới rượu cũ”. Ngoài vỏ tàu mới, bên trong không có nhiều thay đổi, đặc biệt là hệ thống vũ khí.

Trước yêu cầu cấp bách của Hải quân Trung Quốc về việc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa lực lượng tàu chiến mặt nước. Nhà máy đóng tàu Đại Liên đã trình lên Hải quân Trung Quốc một thiết kế tàu khu trục mới được chỉ định là Type 051C lớp Lô Châu.

Tàu khu trục 115 Thẩm Dương chiếc đầu tiên của thế hệ tàu khu trục Type-051C.

Tàu khu trục 115 Thẩm Dương, chiếc đầu tiên của thế hệ tàu khu trục Type 051C.

Nhằm rút ngắn giai đoạn phát triển, nhà máy đóng tàu Đại Liên đã sử dụng lại thiết kế của tàu khu trục Type 051B. Có thể nói rằng, tàu khu trục lớp Lô Châu là một thiết kế kiểu “bình mới rượu cũ”, các hệ thống điện tử, vũ khí trên tàu đã có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là hệ thống phòng không.

Chiếc đầu tiên của Type 051C mang số hiệu 115 Thẩm Dương được hạ thủy vào năm 2004, đưa vào sử dụng trong Hải quân Trung Quốc từ tháng 10/2006. Chiếc thứ 2 mang số hiệu 116 Thạch Gia Trang được đưa vào sử dụng từ năm 2007, cả hai chiếc này đang hoạt động trong biên chế Hạm đội Bắc Hải.

Điểm nổi bật của tàu khu trục Type 051C là hệ thống phòng không. Các nhà thiết kế Trung Quốc đã mạnh dạn nhập khẩu hệ thống phòng không trên hạm tầm xa Rif-M, biến thể hải quân của hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Hệ thống phòng không tầm xa Rif-M được bố trí với 2 cụm phóng ở phía sau pháo chính với 8 tên lửa/cụm và 4 cụm phóng ở phía sau đuôi tàu. Tổng số tên lửa phòng không mà tàu có thể mang theo là 48 quả.

Hệ thống sử dụng đạn tên lửa 48N6 với tầm bắn tối đa 150km, tầm cao tối đa 27km. Việc điều khiển hỏa lực cho hệ thống phòng không Rif-M do hệ thống radar 30N6 Tomb Stone đảm nhận thay thế cho radar Volna sử dụng trên các tàu chiến của Nga.

Sơ đồ bố trí vũ khí, radar  trên tàu khu trục Type-051C. Loại tàu  này đã mang lại bước đột phá lớn trong năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc.

Sơ đồ bố trí vũ khí, radar trên tàu khu trục Type 051C. Loại tàu này đã mang lại bước đột phá lớn trong năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc.

Radar này có khả năng cung cấp kênh dẫn hướng cho 12 tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. Việc nhập khẩu và trang bị hệ thống phòng không tầm xa trên hạm Rif-M đã mang lại một bước đột phá lớn cho năng lực phòng không trên hạm của Hải quân Trung Quốc.

Type 051C là thế hệ tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc có khả năng đảm đương nhiệm vụ phòng không cấp hạm đội. Vũ khí khác trên tàu bao gồm pháo hạm 100mm, 8 tên lửa chống hạm YJ-83 với tầm bắn khoảng 120km. Tên lửa YJ-83 được kết hợp dẫn hướng quán tính và radar bán chủ động giai đoạn cuối.

Vũ khí phòng vệ gồm có 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 730 được bố trí ở 2 bên mạn tàu với tầm bắn tối đa 3km. Kiểu bố trí này khiến tàu gặp khó khăn khi đối phó với các tên lửa chống hạm tấn công vào tàu từ phía trước hoặc phía sau. Khả năng tác chiến của hệ thống Type 730 bị giới hạn ở một góc nhỏ hơn 180 độ do vướng phải mạn tàu.

Về chống ngầm, tàu khu trục Type 051C được trang bị 2 cụm phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm với 3 ống phóng/cụm sử dụng ngư lôi Yu-7 sao chép từ ngư lôi Mk46 của Mỹ với tầm bắn tối đa 7,3km.

Hệ thống điện tử trên tàu chủ yếu nhập khẩu từ Nga. Trên đỉnh cột buồm chính của tàu được trang bị radar Type 346 được sao chép từ radar MR36 của Nga sử dụng cho nhiệm vụ tìm kiếm các mục tiêu mặt nước.

Cột buồm phía sau được trang bị radar Fregat-MAE-5 NATO gọi là: Top Plate. Đây là một radar giám sát trên không 3 tọa độ, hoạt động ở băng tần E với phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không khoảng 120km, 50km với các mục tiêu tên lửa chống hạm. Radar này có khả năng kiểm soát 40 mục tiêu cùng lúc.

Hệ thống phòng không Rif-M trên tàu khu trục Type-051C vừa là điểm mạnh nhưng cũng chính là tử huyệt của nó.

Hệ thống phòng không Rif-M trên tàu khu trục Type 051C vừa là điểm mạnh nhưng cũng chính là tử huyệt của nó.

Ngoài ra, phía trên tháp chỉ huy còn được trang bị radar Mineral-ME, NATO định danh Band Stand, radar này có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu ở giới hạn đường chân trời, cũng như cung cấp kênh dẫn hướng cho tên lửa chống hạm tấn công mục tiêu. Hai hệ thống radar Type 347 đảm đương nhiệm vụ điều khiển hỏa lực cho hệ thống Type 730.

Đuôi tàu có sàn đáp cho một trực thăng chống ngầm Ka-28 nhưng không có nhà chứa cho trực thăng vì hệ thống phòng không Rif-M phía sau đã chiếm quá nhiều không gian của tàu. Thoạt nhìn, Type 051C đã tạo ra được bước đột phá lớn trong khả năng tác chiến, đặc biệt là các chiến phòng không.

Tuy nhiên, điểm yếu chết người của tàu này nhanh chóng được bộc lộ. Hệ thống phòng không chính là vũ khí mạnh nhất của Type 051C nhưng cũng chính là tử huyệt khiến nó có thể bị tấn công một cách dễ dàng.

Radar điều khiển hỏa lực của hệ thống phòng không Rif-M được bố trí phía sau mà lại chỉ có một radar duy nhất, điều này khiến 2 cụm phóng phía trước gần như “có mắt không tròng”. Điểm mù radar nằm ngay vào phía mũi tàu, khả năng bảo vệ từ hướng tấn công phía trước gần như bằng 0.

Cứu cánh cuối cùng cho hướng tấn công này là hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 730 nhưng lại bố trí ở 2 bên mạn tàu khiến nó không có khả năng bắn về phía trước. Tàu khu trục Type 051C có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa trước các cuộc tấn công từ phía trước.

Chỉ 2 chiếc thuộc lớp tàu khu trục Type 051C được đóng mới điều đó cho thấy rằng tính năng kỹ chiến thuật của nó còn rất hạn chế. Từ Type 052, Type 051B đến Type 051C các nhà thiết kế Trung Quốc đã thử nghiệm rất nhiều các hệ thống điện tử-vũ khí khác nhau nhưng sự thành công vẫn chưa đến với họ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại