Nhà nghiên cứu Michael Raska của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết, các dự án chế tạo siêu vũ khí núp dưới danh nghĩa dự án dân sự của Trung Quốc thường được gọi tắt là các dự án 863 bởi nó bắt đầu được thực hiện từ tháng 3/1986.
Điểm đặc biệt của các dự án 863 này là sản phẩm của họ thường “lưỡng dụng”, tức là có thể sử dụng cho cả lĩnh vực dân sự và quân sự. “Chương trình Công nghệ cao quốc gia” là chương trình nghiên cứu và phát triển dân sự-quân sự quan trọng nhất kể từ sau kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ “Hai vũ khí, một vệ tinh” năm 1956-1957.
Chương trình 863 ban đầu tập trung vào 7 lĩnh vực ưu tiên chiến lược: công nghệ laser, hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa và công nghệ chế tạo, năng lượng và các nguyên vật liệu hiện đại.
Kể từ giữa thập niên 1990, Trung Quốc đã mở rộng cả về quy mô và tầm quan trọng của các lĩnh vực này với tổng ngân sách dài hạn ước tính là 500 tỷ NDT (75 tỷ USD), tập trung vào những sản phẩm và công nghệ hiện đại nhất. Hiện Chương trình 863 vẫn được duy trì, cấp ngân sách cho những dự án như siêu máy tính Tianhe-1A (Thiên Hà).
Trọng tâm của kế hoạch nói trên là 16 siêu dự án quốc gia “ưu tiên của ưu tiên” nhằm biến đổi năng lực khoa học và công nghệ của Trung Quốc trong những lĩnh vực như điện tử, vật liệu bán dẫn, viễn thông, hàng không vũ trụ, chế tạo, dược phẩm, năng lượng sạch, và khai thác dầu khí. Các siêu dự án này bao trùm cả lĩnh vực dân sự và quân sự, với 13 dự án được công bố chính thức và 3 “không được công bố”.
Tuy nhiên, các siêu dự án này đã và đang gây ra tranh cãi đáng kể cả trong và ngoài Trung Quốc, do những thách thức mang tính cấu trúc, công nghệ và chế tạo hiện nay. Cả 3 siêu dự án bí mật cũng không phải ngoại lệ.
Theo Giáo sư Tai Ming Cheung - học giả hàng đầu về công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tại Đại học California San Diego, 3 siêu dự án bí mật của Trung Quốc có thể lần lượt là thiết bị laser Shenguang (Thần Quang), hệ thống định vị vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu) thế hệ 2 và công nghệ thiết bị siêu thanh.
Dự án laser Shenguang đã được khởi động sớm nhất vào năm 1993 và đến năm 2012, Trung Quốc đã hoàn tất Shenguang 3 - một cơ sở siêu laser năng lượng cao đặt tại trung tâm nghiên cứu và chế tạo vũ khí hạt nhân ở thành phố Mianyang. Trong bối cảnh hiện nay, Shenguang có hai ý nghĩa chiến lược: thúc đẩy phát triển vũ khí nhiệt hạch thế hệ tiếp theo cũng như thúc đẩy các chương trình vũ khí laser của Trung Quốc.
Đứng thứ hai trong danh sách siêu dự án “bí mật” có thể là hệ thống vệ tinh Beidou-2 (BDS). Theo tạp chí quân sự quốc phòng HIS Jane’s, Beidou 2 dự kiến sẽ là một hệ thống toàn diện gồm ít nhất 5 vệ tinh địa tĩnh và 30 vệ tinh phi địa tĩnh bao trùm toàn bộ Trái đất theo 2 hình thức: dịch vụ “mở” tự do cho các khách hàng thương mại với sai số 10m, và các dịch vụ “ủy quyền” hạn chế có khả năng định vị và liên lạc với sai số 10 cm cho chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Các vệ tinh Beidou 2 cũng được thiết kế để phòng vệ hiệu quả trước sự can thiệp và tấn công nhiễu điện từ. Dù có tiện ích thương mại lớn, BDS cũng cho phép quân đội Trung Quốc tăng cường đáng kể năng lực định vị, theo dõi và xác định mục tiêu toàn cầu của mình, cũng như dẫn dường hiệu quả cho các thiết bị quân sự, tên lửa đạn đạo và hành trình, vũ khí dẫn đường chính xác, cũng như các thiết bị bay không người lái. Quan trọng nhất, BDS loại bỏ sự phụ thuộc của Trung Quốc vào hệ thống định vị vệ tinh GPS của Mỹ và GLONASS của Nga, vốn có thể ngừng hoạt động tại một số khu vực nhất định khi xảy ra xung đột.
Về dự án công nghệ siêu thanh, dù số liệu thống kê là ít ỏi, song có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phát triển công nghệ thiết bị bay siêu thanh lý thuyết và thử nghiệm, như tên lửa hành trình siêu thanh (HCV) có khả năng bay ở tốc độ Mach 5 (6.150 + km/h ). Qua phân tích dự án tàu Shenlong (Thần Long) của Trung Quốc, bao gồm cả lần bay thử nghiệm vào năm 2011, ông Andrew Erickson - Phó Giáo sư trường Cao đẳng Hải quân Mỹ, đã ghi nhận việc Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Tóm lại, các chương trình quân sự chiến lược dài hạn của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực thúc đẩy cơ sở khoa học và công nghệ dân sự của Trung Quốc. Việc chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu và phát triển ngoài nước, và đào tạo các nhà khoa học và kĩ sư Trung Quốc tại các viện nghiên cứu và tập đoàn ở ngoài nước là một phần trong nỗ lực "đổi mới nội sinh" của Trung Quốc để xác định, hấp thu và tái tạo năng lực công nghệ chọn lọc ở cả lĩnh vực dân sự và quân sự.
Trong quá trình này, Trung Quốc kiểm tra so sánh công nghệ mới và các chương trình liên quan đến quốc phòng công nghệ cao tương tự của Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Israel và các nước khác. Tuy nhiên, thách thức chủ yếu của Trung Quốc vẫn ở chính nước này: Họ có thể tự nghiên cứu, có thể “học tập” được những công nghệ hiện đại của thế giới nhưng không biết cách ứng dụng vào hoạt động thực tế.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!