Hợp tác với Trung Quốc làm tên lửa “nhái”, Indonesia được lợi gì?

Minh Đức |

(Soha.vn) - Indonesia và Trung Quốc đã tiến gần hơn việc chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa chống hạm C-705, vậy Jakarta được gì từ thương vụ này?

Trung tâm phân tích mua bán vũ khí toàn cầu TSAMTO của Nga cho biết, Indonesia và Trung Quốc đang tiếp tục các cuộc đàm phán về việc chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa chống hạm C-705 cho Indonesia để trang bị trên tàu tuần tra tên lửa KCR-40 do nước này tự đóng.

Trước đó đã có thông tin cho rằng, thỏa thuận chuyển giao công nghệ giữa hai nước đã được ký kết nhưng thực tế theo Jane Defence Weekly, hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán về các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao công nghệ.

Tên lửa chống hạm C-705 sẽ được trang bị cho tàu tuần tra KCR-40 do Indonesia tự đóng.
Tên lửa chống hạm C-705 sẽ được trang bị cho tàu tuần tra KCR-40 do Indonesia tự đóng.

Ủy ban chính sách công nghiệp Indonesia (KKIP) và Cục quản lý nhà nước về khoa học công nghệ của Trung Quốc (SASTIND) đã tiến hành đàm phán các điều khoản liên quan đến hợp đồng. Đại diện của KKIP Silm Karim cho biết, cuộc đàm phán nói chung là thành công nhưng còn một số vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ chưa đạt được thỏa thuận.

Sự chậm trễ này là do Trung Quốc vẫn chưa thiết lập được các tiêu chuẩn về cái gọi là “quyền sở hữu trí tuệ” đối với các công nghệ để sản xuất tên lửa chống hạm C-705. Giá trị thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa chống hạm cho Indonesia không được tiết lộ nhưng nước này sẽ được tham gia khoảng 35% vào các công đoạn sản xuất tên lửa chống hạm C-705.

Trong tương lai, tỷ lệ tham gia của Indonesia vào các công đoạn sản xuất sẽ tăng khoảng 5% trong mỗi 5 năm. Vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là Indonesia sẽ được gì từ thương vụ chuyển giao công nghệ này.

Lục lại lịch sử phát triển của tên lửa chống hạm C-705 tại Trung Quốc cho thấy đây là một loại tên lửa sao chép không hơn không kém. C-705 là một biến thể phát triển mở rộng của C-704 do Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc sản xuất.

Tên lửa C-704 là một sản phẩm sao chép từ tên lửa chống hạm Exocet của Pháp. Hình dáng bên ngoài, cách bố trí các cánh ổn định và vây lái, cơ chế dẫn đường hoàn toàn giống với tên lửa của Pháp. Với C-705, để tránh khỏi mang tiếng đem công nghệ sao chép đi bán, các nhà thiết kế Trung Quốc đã làm khác đi phần cánh ổn định ở giữa thân cho khác Exocet một chút.

Với thương vụ hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa C-705 từ Trung Quốc Indonesia chỉ nhận được những công nghệ hạng 2 mà thôi.

Với thương vụ hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa C-705 từ Trung Quốc, Indonesia chỉ nhận được những công nghệ hạng 2 mà thôi.

Cánh ổn định giữa thân của C-705 là loại cánh ngang với 2 cánh sẽ được bung ra sau khi tên lửa rời ống phóng chứ không sử dụng loại 4 cánh ổn định như ở C-704 vì nó quá giống Exocet. Tuy nhiên, việc thiết kế lại cánh ổn định ngang của C-705 lại khiến nó trở thành bản sao khác của tên lửa chống hạm 3M54 Club của Nga.

C-705 thực ra là một bản thu nhỏ của tên lửa chống hạm C-602 được cho là sao chép lại từ tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk của Mỹ. Tên lửa C-705 sử dụng động cơ tăng cường nhiên liệu rắn để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng, sau đó động cơ phản lực sẽ được kích hoạt để hành trình đến mục tiêu.

Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa dẫn hướng quán tính và radar bán chủ động giai đoạn cuối, tên lửa cũng có thể sử dụng đầu dò kênh TV hoặc hồng ngoại để khóa mục tiêu. Tên lửa cũng có thể được dẫn hướng bằng GPS nhưng khả năng này không thực sự chắc chắn.

Do là bản thu nhỏ từ C-602 nên tầm bắn tối đa của tên lửa C-705 chỉ 75km, một khoảng cách khá khiêm tốn so với các tên lửa chống hạm khác trong khu vực. Tên lửa chỉ được trang bị đầu đạn nặng 110kg nên chỉ có thể tấn công các mục tiêu tàu chiến có lượng giãn nước dưới 1.500 tấn.

Nhìn vào quá trình phát triển của C-705 thì những gì mà Indonesia có được trong thương vụ hợp tác này chỉ là những công nghệ hạng 2 mà thôi. Rõ ràng luôn có một khoảng cách nhất định giữa những công nghệ sao chép và công nghệ nguyên bản, bởi có những bí mật công nghệ mà chỉ có nhà phát triển mới biết được.

Những công nghệ nhận được từ Trung Quốc qua vụ chuyển giao công nghệ này khi đem so với những tên lửa chống hạm do phương Tây và Nga sản xuất đang có mặt trong biên chế các nước ĐNA thì rõ ràng C-705 bị đánh giá dưới cơ cả về công nghệ lẫn tầm bắn.

Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, vụ hợp tác này nhuốm màu “chính trị” nhiều hơn là một thỏa thuận chuyển giao công nghệ quân sự có lợi cho Indonesia. Tuy vậy, đây cũng có thể xem là một lối đi mở trong việc tăng cường năng lực cho công nghiệp quốc phòng Indonesia.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại