Lá chắn tên lửa Ấn Độ sẽ thay đổi cục diện an ninh khu vực như thế nào?

Minh Đức |

Việc Ấn Độ cố gắng xây dựng lá chắn tên lửa có thể đẩy khu vực châu Á vào một cuộc chạy đua vũ trang, nhất là đối với Trung Quốc và Pakistan.

Tại sao Ấn Độ cần lá chắn tên lửa?

Có rất nhiều yếu tố mang tính lịch sử thúc đẩy Ấn Độ xây dựng lá chắn tên lửa. Đầu tiên, phải nhắc đến là yếu tố Pakistan. Căng thẳng chính trị giữa 2 nước vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chiến tranh Kargil năm 2002, vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào Mumbai năm 2008 đều có liên quan đến Pakistan.

New Delhi mong muốn việc xây dựng lá chắn tên lửa sẽ hạn chế mối đe dọa từ Pakistan. Một yếu tố khác khiến New Delhi lo lắng là một cuộc tấn công ngoài ý muốn bằng tên lửa đạn đạo có thể được khởi xướng bởi lực lượng cực đoan ở Pakistan.

Qua chương trình lá chắn tên lửa BMD, Ấn Độ muốn xây dựng khả năng vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Pakistan ngay loạt tấn công đầu tiên, để tiến hành cuộc tấn công đáp trả.

Mặc khác, sự trỗi dậy không ngừng của quân đội Trung Quốc cũng góp thêm yếu tố thúc đẩy Ấn Độ xây dựng lá chắn tên lửa của mình.

Hình ảnh thử nghiệm hệ thống phòng không AAD (phải) và PAD (trái)

Hình ảnh thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn PAD (trái) và AAD (phải)

Chương trình lá chắn tên lửa BMD của Ấn Độ như được “chắp thêm cánh” khi vào năm 2001 chính quyền Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố bãi bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo. New Delhi đã nắm bắt cơ hội này bằng cả hai tay và trở thành quốc gia đầu tiên công khai ủng hộ kế hoạch của Washington.

Như vậy chương trình BMD của Ấn Độ thừa hưởng chính sách cởi mở của Mỹ. Từ năm 2002, Ấn Độ đã thường xuyên trao đổi cấp chuyên gia với Mỹ về xây dựng lá chắn tên lửa. Phía Mỹ đã đề xuất ý tưởng hợp tác phát triển lá chắn tên lửa chung với Ấn Độ.

Washington muốn “mượn tay” Ấn Độ để kiềm chế Trung Quốc, còn New Delhi lại muốn “dựa hơi” Washington để có được những đảm bảo về mặt chính trị với quốc tế, cũng như có thêm công nghệ tối tân. Một sự hợp tác lợi cả đôi đường.

Những hệ lụy với chính Ấn Độ và cả khu vực

Lá chắn tên lửa luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Khả năng của Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) trong việc phát triển và mở rộng lá chắn tên lửa đến đâu luôn là một dấu hỏi. Tuy nhiên, việc phát triển và mở rộng lá chắn tên lửa để bảo vệ các khu vực rộng lớn của đất nước có thể phản tác dụng.

Một sự lý giải hợp lý nhất cho việc xây dựng lá chắn tên lửa là một sự bổ sung hạn chế cho “học thuyết hạt nhân” của Ấn Độ. Nó đảm bảo khả năng trả đũa cho mục đích răn đe hạt nhân. Tuy nhiên, khả năng đảm bảo “răn đe hạt nhân” đến đâu chưa thấy nhưng có thể thấy ngay hệ lụy đối với chính Ấn Độ và các nước trong khu vực.

Một khi Ấn Độ xây dựng thành công lá chắn tên lửa BMD sẽ tạo cho các nước trong khu vực một lối suy nghĩ rằng “Ấn Độ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào ai đó”. Một lối suy nghĩ tai hại có thể gây mất ổn định hạt nhân trong khu vực.

Liệu Pakistan và Trung Quốc có thể ngồi yên không? Nhất là Trung Quốc, một quốc gia lâu nay vẫn coi Ấn Độ là “kẻ ngáng đường” cho những kế hoạch và tham vọng bá chủ khu vực của Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ phát triển các vũ khí để có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa của Ấn Độ, chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 với khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân để xuyên thủng lá chắn tên lửa của Ấn Độ là một minh chứng. Bắc Kinh cũng sẽ phát triển lá chắn tên lửa của riêng mình để vô hiệu hóa mối đe dọa từ tên lửa của Ấn Độ.

Tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc

Khu vực châu Á vốn đã tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn nay sẽ càng bất ổn hơn với lá chắn tên lửa của Ấn Độ. Một cuộc chạy đua vũ trang mới khốc liệt hơn sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đối với châu Á. Thêm vào đó, kế hoạch tái cân bằng châu Á của Mỹ có thể khiến Trung Quốc cảm thấy như đang bị “cô lập” càng khiến họ càng cố tìm cách để “vùng vẫy”.

Mặt khác, việc phát triển lá chắn tên lửa có thể vượt quá khả năng tài chính của Ấn Độ. Điều đó có thể gây ra thâm hụt ngân sách trên quy mô lớn, Ấn Độ có thể rơi vào vết xe đổ về thâm hụt ngân sách quốc phòng  tương tự như Mỹ.

Với Pakistan, việc Ấn Độ xây dựng lá chắn tên lửa là mối đe dọa với an ninh quốc gia của họ. Pakistan vốn rất nhạy cảm với các kế hoạch phát triển quân sự của Ấn Độ và New Delhi cũng luôn có suy nghĩ tương tự.

Ví dụ, việc mở rộng quy mô lực lượng hạt nhân của Paskitan như là một sự phản ứng đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ-Ấn vào năm 2008. Mặc dù đây chỉ là thỏa thuận hạt nhân dân sự  những cũng khiến Islamabad “ăn ngủ không yên”.

Mặc dù, lá chắn tên lửa BMD của Ấn Độ vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, nó có mang lại một sự đảm bảo an ninh cho Ấn Độ hay không thì chưa thấy nhưng có thể thấy ngay những hệ lụy trước mắt đối với chính họ và các nước trong khu vực.

Xem thêm:

Phần 1: Xây dựng lá chắn tên lửa, Ấn Độ cho Trung Quốc 'hít khói'

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại