Số phận bi thảm của “Kẻ hủy diệt” Su-37

Minh Đức |

(Soha.vn) - Su-37 từng được đánh giá vượt trội đến 15 năm so với tiêm kích phương Tây, đáng tiếc là chương trình này đã bị gián đoạn bởi những lý do không rõ ràng.

Năm 1996, tập đoàn Sukhoi đã giới thiệu một biến thể mới nhất được phát triển từ dòng Su-27Su-37. Đây là một máy bay được thiết kế với khả năng “siêu cơ động”, máy bay này dự định sẽ đi vào phục vụ trong Không quân Nga cuối những năm 1990.

Mặc dù khi đó Nga vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế nhưng Sukhoi vẫn cho ra đời mẫu tiêm kích Su-37 được giới chuyên môn đánh giá là vượt trội từ 15-20 năm so với các tiêm kích phương Tây.

Kẻ hủy diệt Su-37 từng khiến NATO phải lo lắng nếu tiêm kích này được đưa vào sản xuất loạt.
Kẻ hủy diệt Su-37 từng khiến NATO phải lo lắng nếu tiêm kích này được đưa vào sản xuất loạt.

Tiêm kích này mang lại một cơ hội rõ ràng để nâng cao sức mạnh chiến đấu từ mẫu tiêm kích Su-27, Su-37 cất cánh lần đầu tiên vào ngày 02/04/1996 và những tưởng sẽ được chấp nhận vào trang bị. Tuy nhiên, sự thất bại của quân đội Nga cùng với tình trạng thiếu kinh phí kéo dài đã khiến dự án tham vọng này "chết yểu".

So với các tiêm kích của phương Tây hay Su-27 và MiG-29 của Nga, Su-37 có thể nhanh chóng thay đổi góc tấn lên đến 180 độ và duy trì trong một thời gian khá dài đủ để khóa mục tiêu và phóng tên lửa. Su-37 gần như không bị hạn chế về góc tấn.

Su-37 có thể thực hiện động tác nhào lộn “super cobra” lên đến 180 độ hay động tác nhào lộn “Frolov chakra” lên đến 360 độ, hoặc có thể duy trì góc tấn từ 150-180 độ ở độ cao từ 300-400 mét. Su-37 mang lại khả năng không chiến trong phạm vi rất hẹp mà các tiêm kích khác không có được.

Su-37 được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại, hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân. Tiêm kích này được trang bị buồng lái nhà kính hiện đại với 4 màn hình LCD khổ rộng cung cấp một cái nhìn tổng thể về tình trạng môi trường xung quanh trong môi trường chiến thuật.

Trước mặt phi công được trang bị màn hình hiển thị HUD 3 chiều, phi công được trang bị ghế phóng nghiêng 30 độ giúp họ chống lại sự tác động của lực G (gia tốc trọng trường) khi cơ động ở tốc độ cao.

 

Minh họa động tác nhào lộn Frolov chakra mà chỉ có Su-37 mới thực hiện được.
Minh họa động tác nhào lộn Frolov chakra mà chỉ có Su-37 mới thực hiện được.

Cảm biến chính của Su-37 là radar xung Doppler Zhuk-M, radar có khả năng quét 180 độ theo chiều ngang và 55 độ theo chiều lên xuống. Radar này có thể phát hiện 20 mục tiêu, dẫn hướng cho tên lửa tấn công 8 mục tiêu cùng lúc trong phạm vi lên đến 300km. Radar phía trước được hỗ trợ bởi một radar phía sau đuôi nằm giữa 2 ống xã của động cơ.

Điểm tạo nên khả năng siêu cơ động cho Su-37 là nó được trang bị thêm cánh mũi cùng với động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2D AL-31FP. Ống xả của động cơ có khả năng di chuyển lên xuống ±15 độ cho phép duy trì góc tấn lớn ở tốc độ thấp. Bên cạnh đó, Su-37 còn được trang bị hệ thống thông tin liên lạc an toàn cùng hệ thống liên lạc vệ tinh.

Buồng lái nhà kính hiện đại của Su-37, đáng tiếc là chương trình đã bị đóng cửa bởi những lý do không rõ ràng.
Buồng lái nhà kính hiện đại của Su-37, đáng tiếc là chương trình đã bị đóng cửa bởi những lý do không rõ ràng.

Trong một bài viết, một vị tướng của NATO đã đánh giá cao Su-37. Vị tướng này nhận định rằng “Su-37 có thể thực hiện một động tác quay đột ngột. Kết hợp với một chút tăng tốc của động cơ, nó có thể nhanh chóng vòng ra phía sau đưa các máy bay NATO vào tầm ngắm.

Sức mạnh Không quân Nga chắc chắn sẽ được tăng cường đáng kể nếu được trang bị Su-37, tuy nhiên, không may rằng "kẻ hủy diệt" này đã phải chịu một số phận bi thảm bởi các quyết định chính trị thiếu quyết đoán.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại