Đội đặc nhiệm Beta, hay còn gọi là Vympel, là một đơn vị anh em của đội đặc nhiệm Alpha, đều được thành lập bởi Tổng cục An ninh nhà nước Liên Xô (KGB) trong Chiến tranh lạnh. Nếu như Alpha là một đơn vị chuyên trách chống khủng bố, giải cứu con tin giống Delta Force hay SEAL Team 6 thì Beta chuyên thực hiện các nhiệm vụ bí mật tại hải ngoại như ám sát, bắt cóc, bảo vệ các cơ sở ngoại giao, tình báo ở nước ngoài, phá hoại ngầm.
Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, đơn vị này từng vài lần đổi tên, dưới quyền chỉ huy của nhiều cơ quan khác nhau, trước khi trở thành 1 đơn vị trực thuộc Cục An ninh liên bang (FSB). Nhiệm vụ chính của nó hiện nay là chống khủng bố, và bảo vệ an toàn cho các cơ sở hạt nhân quan trọng của Nga.
Các đơn vị đặc nhiệm Nga hay Liên Xô trước đây đều có truyền thống giữ bí mật rất cao. Trong chiến tranh lạnh, những đơn vị này thậm chí không có phù hiệu hay quân phục riêng. Các đơn vị Alpha và Beta cũng không ngoại lệ. Mặc dù hiện nay, đã có nhiều thông tin hơn nhưng nhìn chung công chúng vẫn ít biết về những đơn vị này so với các đơn vị ở phương Tây.
Tổ chức
Từ khi được thành lập, 1979, cho đến 1991, Beta trực thuộc KGB. Sau khi Liên Xô tan rã, Beta được chuyển về dưới quyền Bộ Nội vụ. Lúc này đơn vị chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ chống tội phạm. Đa số những thành viên đội Beta cảm thấy đây là một công việc thấp kém, vì vậy nhiều sĩ quan đã nộp đơn xin giải ngũ.
Đến năm 1995, đội Beta được đưa trở về dưới quyền của Cục An ninh liên bang FSB, hậu duệ của KGB. Nhiệm vụ chính của Beta được thay đổi thành chống khủng bố và an ninh hạt nhân, thay vì hoạt động ở hải ngoại như trước đây. Quân số của đội Beta vào khoảng 1.000 người, tuổi tối đa là 40, và được chia thành từng nhóm tác chiến từ 10-20 người.
Tuyển chọn – Huấn luyện
Trong thời kì Chiến tranh lạnh, đội Beta đặt chỉ huy sở tại làng Balashiha, gần Moscow. Thành viên của đội được chọn từ các đặc vụ KGB hoặc các quân nhân xuất sắc. Quá trình tuyển chọn được bắt đầu bằng việc nghiên cứu hồ sơ, phỏng vấn và làm bài kiểm tra. Những cá nhân được chọn sẽ bắt đầu một khoá tuyển chọn kéo dài 2 tháng cực kì khắc nghiệt, kết thúc bằng hành quân 60-70km với 40kg quân trang.
Những ai vượt qua kỳ tuyển chọn sẽ bắt đầu tham gia chương trình huấn luyện chính thức, có thể kéo dài đến 3 năm. Chương trình huấn luyện bao gồm võ thuật, nhảy dù, lặn, tác chiến dưới nước, sử dụng và tự chế tạo vật liệu nổ, leo núi, sử dụng các loại phương tiện vận tải khác nhau, bao gồm cả máy bay và thuyền máy. Họ còn học về ngôn ngữ và văn hoá của các nước khác. Mỗi thành viên phải thông thạo ít nhất 2 ngoại ngữ. Ngoài ra họ phải có thể sử dụng thành thạo mọi loại vũ khí, trong nước và của nước ngoài.
Chương trình huấn luyện của đội Beta còn bao gồm những bài tập thực địa phức tạp và có tính thực tế cao. Theo đó, nhóm Beta sẽ tìm cách xâm nhập các cơ sở an ninh, quân sự quan trọng của Liên Xô như căn cứ quân sự, nhà máy công nghiệp quốc phòng, kho vũ khí, nhà máy điện hạt nhân…Trong mỗi bài tập như vậy, nhóm phải thực hiện từ 3 đến 4 nhiệm vụ khác nhau, như thu thập thông tin, xâm nhập vào cơ sở, phá hoại, bắt cóc hay ám sát mục tiêu…Lực lượng bảo vệ và cơ quan an ninh địa phương được báo trước về hoạt động này và tăng cường các biện pháp an ninh, tuần tra. Những bài tập như vậy vừa giúp Beta thu thập kinh nghiệm thực tế đồng thời giúp phát hiện các lỗ hổng an ninh tại những cơ sở quan trọng này.
Nhiệm vụ
Trong cuộc chiến tại Afghanistan, 1979-1989, đội Beta đảm trách các nhiệm vụ thu thập tin tình báo, phá hoại ngầm, giải thoát tù binh. Năm 1993, khi còn đang thuộc biên chế Bộ nội vụ, đội Beta giúp ngăn chặn một âm mưu buôn lậu vật liệu phóng xạ từ thành phố Ekaterinburg.
Đội Beta cũng thực hiện nhiều hoạt động trong cuộc chiến tại Chechnya. Một chiến dịch nổi bật của Beta là vụ bắt giữ Salman Raduyev, một trong những thủ lĩnh phiến quân khét tiếng nhất.
Một trận chiến khác có mặt đội Beta mà công chúng biết đến nhiều là trận chiến tại điểm cao 776. Trong trận chiến này, một đơn vị hỗn hợp gồm lính dù, lính đội Alpha, Beta và một số đơn vị đặc nhiệm khác có nhiệm vụ chặn đường rút của quân Chechnya từ thủ đô Grozny. Tuy nhiên, rạng sáng ngày 29/02/2000, quân Chechnya bất ngờ đánh tập hậu đơn vị hỗn hợp. Quân Nga rút về phòng ngự trên một ngọn đồi gọi là điểm cao 776. Với lực lượng vượt trội, quân Chechnya gây thiệt hại nặng cho phía Nga và đánh chiếm điểm cao. Sau một trận chiến ác liệt, 84 lính đặc nhiệm Nga thiệt mạng, bao gồm tất cả sĩ quan, chỉ có 7 lính Nga sống sót, 4 trong số đó bị thương. Phía Chechnya được cho là mất hơn 400 quân.
Beta cũng là một trong những đơn vị tham gia chiến dịch giải cứu con tin tại một trường học ở Beslan. Cuộc giải cứu kết thúc với gần 400 trong số 1.100 con tin thiệt mạng. Hơn 10 lính đặc nhiệm Nga hy sinh trong chiến dịch này, trong số đó gồm 1 đại tá và 1 trung tá đội Beta, đa số bị giết khi đang cố che chắn cho các học sinh giữa làn đạn. Số con tin thiệt mạng cao do thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị tham gia chiến dịch, đặc biệt là các đơn vị thông thường, và việc sử dụng bừa bãi các loại vũ khí hạng nặng, kể cả tên lửa vác vai, trực thăng và xe tăng.