Siêu tàu đổ bộ Trung Quốc chỉ là... 'đồ chơi khổng lồ' trên biển

Hải Đăng |

(Soha.vn) - Tờ South China Morning Post (SCMP) của HongKong vừa đăng tải bài viết đề cập tới nhận định của một số chuyên gia quân sự về khả năng hoạt động của tàu đổ bộ Bò rừng Trung Quốc.

Trong kế hoạch chạy đua vũ trang nhằm đe dọa các nước láng giềng, Trung Quốc đã quyết định mua 4 siêu tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr (Bò rừng) từ Ukraine. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự thì 4 con tàu này chỉ là những "món đồ chơi khổng lồ trên biển".

Tại cuộc họp báo cuối tháng trước, đại diện phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Geng Yansheng xác nhận rằng Bắc Kinh đã nhập khẩu một chiếc tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) để trang bị cho lực lượng Hải quân của nước này.

Ông Geng không tiết lộ hạm đội nào của Hải quân Trung Quốc sẽ được biên chế tàu đổ bộ Bò rừng nhưng theo thông tin đăng tải trên Tân Hoa Xã thì chiếc tàu LCAC đầu tiên đã cập cảng Quảng Châu vào ngày 24/5. Điều này cho thấy nhiều khả năng nó sẽ được biên chế cho Hạm đội Nam Hải - hạm đội chuyên trách hoạt động trên biển Đông, nhằm phục vụ kế hoạch ra oai "nước lớn", gây bất ổn khu vực trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp lãnh hải đang gia tăng.

	Tàu đổ bộ Bò rừng cập cảng Quảng Châu, Trung Quốc

Tàu đổ bộ Bò rừng cập cảng Quảng Châu, Trung Quốc

Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Wu Shih-wen, người đã dày dặn kinh nghiệm tuần tra trên biển Đông khi còn là một sĩ quan hải quân trong giai đoạn 1960-1980, tàu đổ bộ Bò rừng của Trung Quốc không hề thích hợp để hoạt động ở biển Đông.

"Tất cả các đảo nằm trong khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á đều là những đảo nhỏ, một số đảo thậm chí còn nhỏ hơn kích cỡ một con tàu" - Wu Shih-wen nhận định.

Trong khi đó, theo thông tin đăng tải trên tạp chí Diplomat có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) thì tàu Bò rừng có chiều cao gần bằng tòa nhà 4 tầng với lượng giãn nước đầy 555 tấn, tầm hoạt động là 300 hải lý và có tốc độ tối đa là 63 knot (116,7 km/h). Nó có thể duy trì hoạt động trên biển trong 5 ngày và có trọng tải 150 tấn, lớn gấp 2 lần so với trọng tải các tàu đổ bộ đệm khi đang phục vụ trong Hải quân Mỹ và Nhật Bản.

Tàu Bò rừng có khả năng chở tới 10 xe bọc thép và 140 lính đổ bộ hoặc 350 lính đổ bộ khi không chở xe bọc thép.

Theo Antony Wong Dong, chuyên gia tại Hiệp hội quân sự quốc tế có trụ sở tại Macau, vì hạn chế về tầm hoạt động và tốc độ nên tàu Bò rừng chỉ có thể có gây ảnh hưởng quan trọng trong các hoạt động ở Đài Loan và Điếu Ngư/Senkaku chứ khó có thể vươn tới các vùng tranh chấp tiềm năng khác ở xa hơn.

Ngay cả trong trường hợp Điếu Ngư/Senkaku, dù Bò rừng có thể vươn tới hòn đảo này, song cả phía Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận định rằng con không đủ khả năng di chuyển thường xuyên xung quanh đảo.

"Khoảng cách từ đất liền tới đảo Điếu Ngư đã là hơn 200 hải lý nhưng tầm hoạt động tối đa của tàu Bò rừng chỉ là 300 hải lý, điều này đồng nghĩa với việc con tàu khổng lồ của Trung Quốc sẽ cần một tàu tiếp liệu chạy theo sau nó khi hoạt động" - Antony Wong Dong nhận định.

Trong khi đó, tiềm lực hải quân và không quân của Nhật Bản mạnh hơn hẳn Trung Quốc. Wong nhận định thêm rằng khi một tàu LCAC đặt chân tới đảo Điếu Ngư thì nó sẽ trở thành mục tiêu lộ liễu và có thể dễ dàng bị lực lượng hải quân Nhật Bản đánh chìm.

Ngoài ra, theo Wang, vận tốc tối đa của Bò rừng đạt tới 63 knot nên có thể khuấy động những đợt sóng lớn khi di chuyển. Điều này sẽ khiến các tàu hộ tống tiên tiến nhất của quân đội Trung Quốc khó bắt kịp với Bò rừng khi hoạt động phối hợp, bởi tốc độ tối đa của chúng chỉ đạt 45-60 knot.

"Hiện tại, không có chiếc tàu nào trong biên chế của Hải quân Trung Quốc có thể bắt kịp tàu Bò rừng nhưng nếu ta so sánh nó với một chiếc máy bay phản lực thì Bò rừng "chậm chạp hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa là Zubr có thể sẽ phải chiến đấu một mình ngoài biển bởi không tàu nào có thể kịp thời bảo vệ được nó" - Wang nhận định.

Theo thông tin  trên Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, chiếc tàu Bò rừng thứ 2 sẽ được đóng tại nhà máy Feodosiya ở Ukraine. Hai chiếc còn lại sẽ được đóng tại nhà máy của Trung Quốc, dưới sự hỗ trợ và giám sát của các kỹ thuật viên Ukraine.

Giáo sư Arthur Ding Shu-fan, Tổng thư ký Hội đồng nghiên cứu chính sách tiên tiến Trung Quốc có trụ sở tại Đài Loan cho rằng vai trò tốt nhất của tàu Bò rừng là trở thành sàn tập cho Hải quân Trung Quốc trong các cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo.

"Tính khả dụng của các tàu đổ bộ đệm khí, đặc biệt là tàu đổ bộ cỡ lớn như Zubr là rất hạn chế, mặc dù nó có thể giúp tăng khả năng chiến đấu của lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc"- Arthur Ding Shu-fan cho biết, nói thêm rằng chiếc tàu Bò rừng đầu tiên có thể sử dụng làm sàn tập như Liêu Ninh - tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

"Với một vũ khí mới, Hải quân Trung Quốc sẽ mất một thời gian để thích ứng với hình thức hoạt động mới, để tàu Zubr có thể hòa nhập vào hệ thống của họ" - Arthur Ding Shu-fan nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại