Những máy bay ném bom khiến giới quân sự "vỡ mộng" nhất

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Trong lịch sử phát triển máy bay ném bom thế giới, có một số mẫu máy bay mang nhiều đột phá về công nghệ nhưng khả năng hoạt động của chúng không đạt được như kỳ vọng.

1. B-58 (Mỹ)

B-58 là máy bay ném bom chiến lược siêu âm, hoạt động ở độ cao lớn. Ra đời vào cuối những năm 1950, B-58 được thiết kế dựa trên các dữ liệu lấy được từ các chương trình nghiên cứu của Đức quốc xã sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Ý tưởng thiết kế chính khá đơn giản nhưng có đặc tính khí động học cao, mô phỏng theo hình dạng của một mũi phi tiêu. Ngoài ra, máy bay còn được tích hợp công nghệ dẫn đường quán tính vốn vẫn rất mới mẻ khi đó.

Máy bay ném bom B-58
Máy bay ném bom B-58

Về mặt công nghệ, B-58 có thể được xem là thành công một phần khi nó phá được 19 kỷ lục về tốc độ và độ cao. B-58 có thể đạt vận tốc tối đa 2.100km/h và là máy bay ném bom đầu tiên có thể bay nhanh gấp đôi vận tốc âm thanh, với trần bay 19km.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến nó phải hy sinh các đặc tính khác rất quan trọng với một máy bay ném bom chiến lược, đó là tầm hoạt động và sức tải. B-58 chỉ có tầm bay tối đa 7.500km và có thể chở theo tối đa 9 tấn bom. Ngoài ra, chi phí vận hành của nó còn gấp 3 lần của B-52. B-58 cũng khét tiếng là một máy bay khó điều khiển, với 26 chiếc gặp tai nạn.

B-58 có phi hành đoàn 3 người
B-58 có phi hành đoàn 3 người

Chỉ có 86 chiếc được đưa vào biên chế và chúng được cho ngừng hoạt động vào tháng 1/1970, với thời gian phục vụ chỉ hơn 10 năm. Vấn đề chính của B-58 bắt nguồn ngay từ ý tưởng ban đầu. Khi máy bay bắt đầu được thiết kế thì tên lửa phòng không vẫn là một công nghệ mới. Một máy bay ném bom siêu âm hoạt động ở độ cao lớn khó có thể vượt qua hệ thống tên lửa phòng không. Bên cạnh đó, hạn chế về tầm bay và sức tải của B-58 đã khiến nó không thể tồn tại lâu.

2. Breda Ba.88 (Ý)

Khi vừa mới ra mắt năm 1937, Breda Ba.88 là một mẫu máy bay đầy hứa hẹn khi nó phá liền 2 kỷ lục về tốc độ. Tuy nhiên, đó là khi chiếc máy bay này chưa được vũ trang và gắn các thiết bị quân sự đi kèm. Khi được sử dụng thực tế trên chiến trường Bắc Phi để chống lại quân Đồng minh, Breda Ba.88 tỏ ra cực kỳ chậm chạp. Việc phải gắn thêm các tấm lọc bụi để có thể hoạt động ở sa mạc càng làm giảm sức mạnh của động cơ.

Breda Ba.88 với hình dáng khí động học của mình gây ấn tượng mạnh khi mới xuất hiện
Breda Ba.88 với hình dáng khí động học của mình gây ấn tượng mạnh khi mới xuất hiện

Chúng chỉ có thể đạt tốc độ 250km/h, một nửa của tốc độ thiết kế. Những máy bay này quá yếu đến mức có chiếc không thể cất cánh nổi, một số chiếc khác sau khi cất cánh không thể đạt đủ độ cao cần thiết và nhiệm vụ phải bị hủy bỏ. Vì vậy, chỉ 5 tháng sau khi tham chiến, chúng phải ngừng hoạt động và sau đó được đặt rải rác trong sân bay để làm mồi nhử cho các phi vụ ném bom của quân Đồng minh. Những chiếc đang còn trong dây chuyền sản xuất của nhà máy cũng bị tháo dỡ.

Theo thiết kế, Breda Ba.88 có thể mang theo tối đa 1 tấn bom
Theo thiết kế, Breda Ba.88 có thể mang theo tối đa 1 tấn bom

3. Blackburn Botha (Anh)

Đây là loại máy bay ném bom, ngư lôi và trinh sát tầm trung được thiết kế và đưa vào hoạt động ngay trước khi Thế chiến 2 nổ ra. Blackburn Botha có phi hành đoàn 4 người, tầm hoạt động 2.000km, với tải trọng tối đa theo thiết kế là 900kg. Tuy nhiên, động cơ của nó quá yếu, chỉ có 880 mã lực, trong khi những máy bay cùng loại thường có động cơ trên 1.000 mã lực. Vì vậy trong thực tế, khi thực hiện nhiệm vụ, nó thường chỉ mang theo khoảng 300kg bom.

Blackburn Botha bay chuyến đầu tiên vào 28/12/1938
Blackburn Botha bay chuyến đầu tiên vào 28/12/1938

Không những vậy, cấu trúc và thiết kế của Blackburn Botha rất kém ổn định và gây ra nhiều vụ tai nạn, bao gồm một vụ rơi ngay xuống một ga xe lửa, làm toàn bộ phi hành đoàn cùng 13 dân thường thiệt mạng. Trong vai trò máy bay trinh sát, Blackburn Botha cũng gần như vô dụng, vì tầm nhìn phía sau và 2 bên của phi hành đoàn gần như bằng không.

Do đó đến năm 1940, không quân Anh buộc phải rút Blackburn Botha khỏi các đơn vị tác chiến và chỉ dùng cho mục đích huấn luyện. Tuy vậy đây lại là một quyết định sai lầm khi trong số 473 chiếc được dùng cho huấn luyện, có đến 169 bị tai nạn.

Chỉ hơn 1 năm sau ngày ra mắt, Blackburn Botha đã bị rút khỏi nhiệm vụ tác chiến
Chỉ hơn 1 năm sau ngày ra mắt, Blackburn Botha đã bị rút khỏi nhiệm vụ tác chiến

4. Devastator (Mỹ)

Devastator là máy bay ném bom hạng nhẹ chuyên dùng để thả ngư lôi từ tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Khi mới xuất hiện vào năm 1937, nó là một mẫu máy bay hiện đại với nhiều đột phá công nghệ, như buồng lái được che kín bằng nắp kính, cơ chế gập cánh có trợ lực để tiết kiệm không gian trên tàu sân bay. Tuy nhiên khi Thế chiến thứ 2 nổ ra vài năm sau đó, Devastator nhanh chóng trở nên lạc hậu. Với vận tốc tối đa 330km/h, nó quá chậm so với các chiến đấu cơ của đối phương. Hơn nữa, để thả ngư lôi, máy bay phải hạn chế tốc độ của mình dưới 185km/h và duy trì đường bay thẳng. Lớp giáp của nó cũng không được thiết kế để chống chọi với những loại súng hạng nặng trang bị trên những chiến đấu cơ mới.

Devastator do hãng Douglas sản xuất
Devastator do hãng Douglas sản xuất

Trong trận chiến Midway, ngày 4/6/1942, Hải quân Mỹ tung ra 41 chiếc Devastator, nhưng có đến 37 chiếc bị bắn hạ, đa số bởi chiến đấu cơ Zero của Nhật. Và không có ngư lôi nào được phóng trúng đích. Sau trận chiến này, Mỹ ngay lập tức cho Devastator ngừng hoạt động.

Devastator thực hiện động tác thả ngư lôi
Devastator thực hiện động tác thả ngư lôi

Nhưng về một mặt nào đó thì Devastator cũng đóng một vai trò nhất định trong chiến thắng của Mỹ tại Midway. Những đợt tấn công ở tầm thấp của chúng làm hạm đội Nhật bị phân tâm và tạo điều kiện để các máy bay ném bom bổ nhào tấn công từ trên cao, đánh chìm 3 trong số 4 tàu sân bay của Nhật.

5. Tu-4 (Liên Xô)

Trong Thế chiến 2, Liên Xô chỉ sử dụng máy bay ném bom để tấn công các mục tiêu ở mặt trận chứ không phải những mục tiêu ở sâu trong nội địa đối phương. Do đó nước này không phát triển các máy bay ném bom tầm xa. Tuy nhiên, khi chương trình bom hạt nhân của Liên Xô bắt đầu khởi động vào 1943, yêu cầu có một máy bay ném bom chiến lược trở nên cấp thiết. Đến năm 1944, lần lượt 3 máy bay B-29 của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống Liên Xô sau các phi vụ ném bom Nhật Bản, và Stalin đã ra lệnh phát triển loại máy bay ném bom chiến lược dựa trên những chiếc B-29. Ban đầu mẫu máy bay này được gọi là B-4, sau đó đổi thành Tu-4.

Các sĩ quan Liên Xô đứng trước một chiếc B-29 sau khi nó phải đáp khẩn cấp xuống Vladivostok ngày 20/07/1944
Các sĩ quan Liên Xô đứng trước một chiếc B-29 sau khi nó phải đáp khẩn cấp xuống Vladivostok ngày 20/07/1944
Một chiếc B-29 đang được tháo dỡ và nghiên cứu tại Moscow
Một chiếc B-29 đang được tháo dỡ và nghiên cứu tại Moscow

Tu-4 có tốc độ tối đa 560km/h, tầm bay tối đa 6.200km, trần bay 11.200m. Trong khi đó, các thông số của B-29 là tốc độ tối đa 575 km/h, tầm bay tối đa 9.000km, trần bay 9.700m.

Tu-4 chính thức được đưa vào biên chế vào năm 1949, tuy nhiên tầm bay ngắn của nó không đủ để bay đến Mỹ từ các sân bay trong nội địa Liên Xô. Điều này làm hạn chế khả năng của Tu-4 trong vai trò là máy bay ném bom chiến lược. Vì vậy trên thực tế, nó chỉ là giải pháp tạm thời trong khi Liên Xô thiết kế một mẫu máy bay mới của riêng mình. Tu-4 tỏ ra hữu dụng hơn trong khi tham gia những cuộc duyệt binh ở Quảng Trường Đỏ.

Một số Tu-4 được Trung Quốc hoán cải thành máy bay cảnh báo sớm
Một số Tu-4 được Trung Quốc hoán cải thành máy bay cảnh báo sớm

Chỉ vài năm sau đó, vai trò của Tu-4 dần được thay thế bởi Tu-16. Liên Xô ngừng sử dụng Tu-4 vào đầu thập niên 60, chỉ hơn 10 năm sau khi đưa nó vào hoạt động. Ngoài ra một số chiếc được chuyển giao cho Trung Quốc, trong đó một số chiếc được cải tiến thành máy bay cảnh báo sớm.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại