Máy bay ném bom PAK DA của Nga nhái B-2 Mỹ?

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Một số chuyên gia cho rằng dự án máy bay ném bom PAK DA của Nga chỉ đơn thuần là một bản sao chép máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ.

Đây có phải là sự thật?

Phương tiện truyền thông Nga đưa tin công ty sản xuất máy bay Tupolev sẽ bắt đầu phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược mới nhằm thay thế các máy bay Tu-95Tu-160 đang phục vụ trong quân đội nước này. Theo ý tưởng ban đầu, máy bay sẽ có thiết kế dạng “cánh bay”, tốc độ cận âm và được trang bị một hệ thống giúp giảm độ bộc lộ radar.

Mùa hè năm nay, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valeriy Gerasimov từng tuyên bố rằng chương trình phát triển máy bay ném bom PAK DA để thay thế Tu-95MS và Tu-160 sẽ bắt đầu vào năm 2014. Quá trình sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu vào năm 2020.

Một sĩ quan đại diện của Bộ Quốc phòng Nga cho biết PAK DA sẽ được trang bị các loại vũ khí chính xác hiện đang trong quá trình phát triển, bao gồm cả các loại vũ khí siêu vượt âm.

Theo Boris Obnosov, Tổng Giám đốc hãng Tekhnicheskoe Raketnoe Vooruzhenie, tên lửa siêu vượt âm dành cho máy bay ném bom mới “đã được sản xuất nhưng hiện mới chỉ bay được vài giây”. Loại tên lửa này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2020.

Một mô hình máy bay được cho là PAK-DA thử nghiệm trong đường hầm gió.
Một mô hình máy bay được cho là PAK-DA thử nghiệm trong đường hầm gió.

Mặc dù mang tên lửa siêu vượt âm nhưng quân đội Nga lại muốn PAK DA chỉ mang tốc độ cận âm. Tại sao lại có quyết định như vậy?

Theo một bài viết trên tờ Russia & India Report, khi suy xét tất cả các khía cạnh sẽ thấy rằng điều này có liên quan tới vai trò tác chiến của chiếc máy bay trong tương lai. Nó có thể là một chiếc máy bay khá nhỏ gọn, có khả năng tàng hình và được trang bị tên lửa; hoặc là một chiếc máy bay có tốc độ siêu vượt âm, sử dụng tốc độ của mình để thâm nhập vào các hệ thống phòng không của đối phương.

Tuy nhiên, trình độ công nghệ kỹ thuật hiện nay chưa cho phép phát triển một loại máy bay ném bom tàng hình có kích cỡ tương đối lớn có thể bay với tốc độ siêu vượt âm.

Một loại máy bay tàng hình nhỏ, với tốc độ cận âm và được trang bị tên lửa siêu vượt âm sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong một thời gian dài và tấn công các mục tiêu bằng những vũ khí tốc độ cao trong khoảng thời gian ngắn sau khi nhận lệnh. Đó là lý do tại sao người Mỹ không lựa chọn máy bay ném bom siêu thanh B-1 để thay thế B-2 trong vai trò này.

Vậy máy bay ném bom PAK DA của Nga có thật sự là bản sao của B-2 Mỹ?

Russia & India Report cho rằng khi phải đối mặt với các nhiệm vụ tương tự hoặc giống hệt nhau, các nhà thiết kế ít nhiều sẽ có những cách xử lý gần như nhau. Tuy nhiên, những sự khác biệt lớn thường ẩn sau những đặc điểm giống nhau ở bề ngoài. Đây là tiêu chí đánh giá mức độ tinh tế giữa các hệ thống chiến đấu.

Chẳng hạn, kết cấu khí động học của F-15 tương tự như của Su-27 nhưng nếu xét về kết cấu của khung máy bay, không thể phủ nhận là các nhà thiết kế người Nga mặc dù bắt đầu muộn hơn nhưng đã cho ra đời một loại máy bay thành công hơn hẳn.

 	Một mô hình máy bay được cho là PAK-DA thử nghiệm trong đường hầm gió.

Một mô hình máy bay được cho là PAK-DA thử nghiệm trong đường hầm gió.

Trong khi đó, một bài viết trên trang mạng Stratrisks lại có một cách lý giải khác. Theo bài viết, thiết kế “cánh bay” của PAK DA có thể giống với B-2 ở một số điểm nhưng điều đáng chú ý là hầu hết các thiết kế máy bay tàng hình đều được thử nghiệm rộng rãi trên thế giới, bao gồm cả máy bay không người lái. Vì thế, PAK DA có chung đặc điểm này với loại máy bay ném bom đúng chất “tàng hình” đầu tiên của Mỹ không có gì đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, bài viết phản bác việc cho rằng trình độ công nghệ kỹ thuật ngày nay chưa cho phép phát triển một loại máy bay ném bom kích cỡ tương đối lớn có tốc độ siêu vượt âm. Theo bài viết, việc này đòi hỏi một khối lượng lớn các loại công nghệ, chứ không phải không thực hiện được. Dự án máy bay trinh sát mới SR-72 của Không quân Mỹ là một ví dụ tiêu biểu.

Bài viết cho rằng quyết định thiết kế PAK-DA phụ thuộc nhiều hơn vào chi phí và các ứng dụng chiến lược. Mối bận tâm của Nga giờ đây không chỉ đơn thuần tập trung vào Mỹ như trong thời kỳ chiến tranh lạnh mà còn hướng tới Trung Quốc và những thế lực khác cũng đang nhanh chóng phát triển mạnh mẽ lực lượng không quân của họ.

PAK DA là dự án máy bay ném bom mới nhất của Nga kể từ những năm 1980 tới nay nên nó thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận thế giới. Các đặc điểm chi tiết của PAK DA chưa được tiết lộ nhiều nên vẫn chưa thể khẳng định đây là một bản sao chép của máy bay ném bom B-2.

Người Mỹ cũng từng bị cáo buộc đánh cắp công nghệ tàng hình của Liên Xô để chế tạo B-2. Tuy nhiên, tại Mỹ, ngay trong giai đoạn sau Thế chiến 2 đã có nhiều chương trình phát triển máy bay có ứng dụng các nguyên lý tàng hình, tiêu biểu là chiếc SR-71 Blackbird. SR-71 nổi tiếng với tốc độ và trần bay của mình, nhưng đồng thời cũng có diện tích bề mặt phản xạ radar rất nhỏ so với kích thước của mình, chỉ 0.014 m2. Tuy chưa thể coi là một máy bay tàng hình thực thụ, nhưng đây cũng là một con số rất ấn tượng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại