Những mẫu tàu chiến thất bại trong lịch sử (II)

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Khinh hạm Type 21 của Anh và tàu tên lửa cao tốc Combattante của Pháp đều không đạt được khả năng tác chiến như kỳ vọng.

Phần 1: Những mẫu tàu chiến thất bại trong lịch sử (I)

4. Khinh hạm Type 21 (Anh)

Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, hải quân Anh bắt đầu phát triển một loại khinh hạm chủ yếu cho vai trò săn tàu ngầm, đồng thời cũng hướng đến việc xuất khẩu. Kinh tế nước Anh khi đó đang gặp nhiều khó khăn, ngân sách cho quốc phòng bị cắt giảm. Do đó việc giảm trọng lượng của tàu là một ưu tiên trong thiết kế. Giải pháp được đưa ra là sử dụng hợp kim nhôm thay vì thép cho một phần cấu trúc của tàu. Việc cắt giảm trọng lượng còn được cho là sẽ giúp con tàu tăng khả năng cơ động.

Khinh hạm Type 21
Khinh hạm Type 21

Nhà sản xuất dự kiến con tàu có thể đạt tốc độ tối đa 34 hải lý/giờ, nhưng trên thực tế nó không thể vượt hơn 30 hải lý/giờ. Trong khi đó, chi phí lại bị đội lên gấp 4 lần so với kế hoạch. Nhiệm vụ chính của Type 21 là săn tàu ngầm hạt nhân Liên Xô tại Bắc Đại Tây Dương, một vùng biển rất khắc nghiệt. Tuy nhiên phần cấu trúc bằng hợp kim làm suy giảm sức bền của con tàu so với cấu trúc hoàn toàn bằng thép, do đó nó chỉ được thiết kế với tuổi thọ 22 năm thay vì 25 – 30 năm như các loại tàu khác. Và trong suốt thời gian phục vụ, nó cũng không nhận được bất kì đợt nâng cấp lớn nào. Hải quân Anh phải nâng cấp một số tàu thuộc thế hệ cũ để bổ sung cho nhiệm vụ này.

Type 21 không đáp ứng tốt với những vùng biển có điều kiện khắc nghiệt

Type 21 không đáp ứng tốt với những vùng biển có điều kiện khắc nghiệt

Chiếc đầu tiên của lớp Type 21, HMS Amazon, gặp hỏa hoạn năm 1977 khi đang ở Singapore và bị hư hại nặng. Những cầu thang bằng hợp kim nhôm bị tan chảy dưới sức nóng khiến cho lính cứu hỏa không thể tiếp cận ngọn lửa.

Năm 1982, trong cuộc chiến tranh chấp quần đảo Falkland với Argentina, hải quân Anh gửi đi 7 trong số 8 chiếc tàu thuộc lớp này. Trong đó 2 chiếc, Ardent và Antelope, bị đánh chìm. Một nhược điểm nữa hợp kim nhôm bị bộc lộ là nó dễ dàng bị vỡ thành hàng trăm mảnh nhỏ dưới tác động của sức ép vụ nổ và bắn vào bên trong tàu, gây thương vong cho thủy thủ đoàn và phá hủy thiết bị.

Tàu HMS Antelope nổ tung sau khi ngọn lửa cháy lan tới kho đạn
Tàu HMS Antelope nổ tung sau khi ngọn lửa cháy lan tới kho đạn

Ngoài hỏa lực của Argentina, điều kiện khắc nghiệt của vùng biển quanh Falkland, vốn nằm gần Nam Cực, cũng gây thiệt hại cho những chiếc tàu còn lại của Type 21. Sau khi trở về Anh từ Falkland, nhiều vết nứt được phát hiện ở những phần cấu trúc làm bằng hợp kim nhôm và phải được sửa chữa bằng cách hàn thêm những tấm thép để gia cố. Đến năm 1993, toàn bộ 6 chiếc còn lại của lớp này được bán rẻ lại cho Pakistan.

Vào thời điểm Type 21 được thiết kế, nhiều nước khác trên thế giới cũng rất hứng thú với ý tưởng dùng hợp kim nhôm trên tàu chiến nhưng sau đó, tất cả đều quay lại với cấu trúc toàn thép truyền thống.

Một số thông số của Type 21 như sau. Lượng choán nước 3.100 tấn. Tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, tốc độ hành trình 18 hải lý/giờ. Tổng công suất 64.500 mã lực. Thủy thủ đoàn 175 đến 190 người.

5. Tàu tên lửa cao tốc Combattante (Pháp)

Ngày 21/10/1967, tàu hộ tống INS Eilat của hải quân Israel bị đánh chìm sau khi trúng tên lửa diệt hạm P-15, phóng từ 2 xuồng cao tốc trang bị tên lửa lớp Komar của hải quân Ai Cập. Cả Styx và Komar đều do Liên Xô sản xuất. Sự kiện này đã gây sốc cho hải quân toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên tên lửa diệt hạm được sử dụng thành công trong thực tế chiến đấu. Hơn nữa, Komar chỉ có lượng choán nước hơn 60 tấn, trong khi của Eilat là 1.700 tấn. Hải quân các nước NATO cảm thấy bị đe dọa khi những chiến hạm hàng nghìn tấn của họ có thể bị đánh chìm bởi những đối thủ nhỏ hơn nhiều. Thậm chí nhiều chuyên gia còn không ngần ngại tuyên bố rằng thời đại của những chiến hạm cỡ lớn đã kết thúc.

Tàu INS Eilat trước khi bị đánh chìm
Tàu INS Eilat trước khi bị đánh chìm

Các nước phương Tây do đó cũng nhảy vào cuộc đua sản xuất các loại tàu cao tốc tên lửa của riêng mình. Việc sản xuất được loại vũ khí này còn có thể giành được nhiều hợp đồng xuất khẩu vì nhiều nước khác cũng đang có nhu cầu. Trong đó Pháp là nước có lợi thế nhất, vì đã có sẵn tên lửa diệt hạm Exocet. Vì vậy, họ nhanh chân copy một mẫu tàu cao tốc mà Tây Đức đang phát triển, kết hợp với tên lửa Exocet để tạo thành lớp Combattante. Nước Đức quyết định không làm to chuyện vì quan hệ đồng minh và vì Đức cũng muốn tiếp cận với Exocet.

Một chiếc Combattante với 4 ống phóng Exocet đặt ở boong sau
Một chiếc Combattante với 4 ống phóng Exocet đặt ở boong sau

So với tên lửa P-15 trang bị trên Komar, Exocet thế hệ đầu tiên có tầm bắn ngắn hơn, 24km so với 40km. Tuy nhiên Exocet có lợi thế nhỏ gọn hơn, chỉ nặng 730kg so với 2.300kg của P-15. Nhờ đó, Combattante có thể mang 4 tên lửa Exocet so với 2 P-15 của Komar. Ngoài ra, hệ thống dẫn đường của Exocet kết hợp giữa radar và quán tính nên sau khi phóng, tên lửa có thể tự di chuyển đến tọa độ định sẵn, và kích hoạt radar dẫn đường vào giai đoạn cuối. Trong khi đó, P-15 thế hệ đầu tiên cần được liên tục dẫn bắn từ khi phóng cho đến mục tiêu. Cả 2 đều có tốc độ tối đa khoảng Mach 0,9.

Tên lửa P-15
Tên lửa P-15

Về mặt doanh số xuất khẩu, Combattante đạt được thành tích khá ấn tượng, với tổng cộng 109 tàu được bán cho 10 nước khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế chiến trường, nó không có được thành công tương tự. Loại tàu này quá nhỏ để có thể hoạt động ở những vùng biển lớn. Nam Phi ban đầu dự định mua 12 chiếc, nhưng sau đó giảm còn 9, vì chúng không thể chịu được điều kiện khắc nghiệt ngoài khơi mũi Hảo Vọng. Ngoài ra, khả năng phòng vệ của chúng gần như bằng không, đặc biệt là từ trên không. Tháng 3/1986, các máy bay của hải quân Mỹ dễ dàng bắn cháy 2 chiếc Combattante của hải quân Lybia bằng tên lửa Harpoon. Hải quân Iran cũng mất 2 chiếc thuộc lớp này, một trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 và một trong cuộc đụng độ với hải quân Mỹ năm 1988.

Một chiếc Combattante đang phóng tên lửa Exocet
Một chiếc Combattante đang phóng tên lửa Exocet

Trên thực tế, Combattante nói riêng và các tàu cao tốc mang tên lửa nói chung đã được đánh giá quá cao. Tàu Eilat là một tàu chiến cũ từ thế chiến thứ 2, được Anh bán lại cho Israel. Tên lửa diệt hạm khi đó là một vũ khí hoàn toàn mới và chưa có phương tiện, cách thức nào để đối phó với chúng.

Sau một thời gian ngắn chạy đua để trang bị tàu cao tốc mang tên lửa, hải quân các nước nhanh chóng mất hứng thú với loại vũ khí này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại