Nhật Bản tung chiêu mới với Australia

Tuấn Hưng |

Nhật Bản tiếp tục tung chiêu mới trong nỗ lực giành hợp đồng bán tàu ngầm Soryu cho Australia bằng cuộc diễn tập chung quy mô lớn.

Theo thông tin từ Bộ Quốc Phòng Nhật Bản ngày 10/3, lực lượng hải quân nước này sẽ điều 2 chiếc tàu ngầm lớp Soryu cùng 2 chiến hạm khác tham gia diễn tập chung với Hải quân Australia gần Sydney.

Bộ Quốc phòng Nhật nêu rõ đợt diễn tập này kéo dài 11 ngày, từ ngày 14/4 đến 26/4/2016. Phía Australia xác nhận cuộc tập trận chung, nhưng không cho biết cụ thể loại tàu chiến nào sẽ tham gia.

Phản ứng trước kế hoạch này, ông Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Institute Lowy cho biết:

"Việc gửi tàu ngầm Soryu đi diễn tập, Tokyo muốn phô bày trình độ công nghệ của họ. Đồng thời sẽ tạo điều kiện cho hải quân Australia thực hành với loại tàu ngầm này, kể cả cơ hội so sánh chuẩn mực của nó với chiếc tàu ngầm lớp Collins hiện nay”.

Động thái này của Nhật Bản được cho rằng muốn rút ngắn khoảng cách với đối thủ cạnh tranh của Pháp và Đức trong cuộc đua giành hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho hải quân Australia, hai tập đoàn công nghiệp Nhật Bản là Mitsubishi và Kawasaki đã giới thiệu một biến thể của tàu ngầm Soryu hiện đại nhất của Nhật hiện nay.

Tàu ngầm lớp Soryu.
Tàu ngầm lớp Soryu.

Được biết, đây là động thái mới nhất của Nhật Bản trong nỗ lực giành hợp đồng bán tàu ngầm cho Hải quân Australia, đặc biệt là sau động thái "chơi xấu" của Tokyo trong thương vụ tàu ngầm này hồi đầu tháng 3.

Cụ thể, báo chí Australia cho biết Nhật Bản bị cáo buộc tung tin giả rằng Đức đã bị loại trong cuộc đua giành hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia.

Những thông tin này sau đó đã bị Chính phủ Australia cũng như những người đại diện Tập đoàn công nghiệp hàng hải ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức ở Australia bác bỏ.

Cuộc đua giành hợp đồng đóng tàu ngầm cho Australia giữa ba nước Nhật Bản, Đức và Pháp ngày càng trở nên gay gắt.

Theo những báo cáo gần đây, sự cạnh tranh giữa các nhà thầu đã khiến chi phí mua sắm giảm đi so với dự kiến xuống 5 tỷ AUD/một chiếc (khoảng 3,5 tỷ USD).

Đại sứ Nhật Bản tại Australia gần đây đã tham gia cuộc tranh luận công khai với tuyên bố rằng những rủi ro kỹ thuật của các nhà thầu châu Âu là cao hơn so với của Nhật Bản.

Người Nhật cho rằng rất khó để chuyển đổi từ một tàu ngầm hạt nhân thành tàu ngầm điện thông thường như người Pháp dự định làm, hoặc tăng gấp đôi kích thước của một chiếc tàu ngầm nhỏ như người Đức đề xuất.

Trong khi đó, những người châu Âu thì nhanh chóng chỉ ra rằng Nhật Bản không có kinh nghiệm chế tạo tàu ngầm ở nước ngoài, nhất là khi kết hợp với các nhà đóng tàu nước ngoài.

Cả ba ứng cử viên đang trong quá trình đánh giá lần cuối.

Nhà thầu quốc gia của Hải quân Pháp cung cấp phiên bản thông thường của tàu ngầm điện hạt nhân lớp Barracuda, còn Tập đoàn TKMS của Đức đề xuất tàu ngầm lớp Type 216, phiên bản nâng cấp từ tàu ngầm lớp Type 214. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đề xuất tàu ngầm lớp Soryu.

Mỗi nhà thầu được yêu cầu cung cấp ba bản báo cáo đánh giá chi tiết, bao gồm chế tạo tàu ngầm ở nước ngoài, lắp ráp một phần ở Australia và chế tạo nguyên chiếc tại một nhà máy đóng tàu ở Australia.

Cho tới nay, cả ba nhà thầu tuyên bố sẵn sàng thực hiện hầu hết công việc chế tạo tại Australia.

Các công ty châu Âu được đánh giá là thành công hơn so với Nhật Bản trong việc đưa ra các lợi ích kinh tế trong các đề xuất của họ.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã tăng uy tín của mình trong vấn đề này thông qua các đàm phán với các công ty của Anh đang hoạt động rất tốt tại Australia như Babcock và BAE Systems.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại