Ý tưởng dị thường
Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Harry J. Kazianis cho biết, vài năm trước, có giai đoạn ngắn một số chuyên gia quốc phòng châu Á đã nảy ra ý tưởng dị thường để tác động vào cán cân quân sự ở châu Á.
Khá nhiều người cho rằng đó là điều điên rồ và gần như bất khả thi, song theo Kazianis, dù gì một ý tưởng luôn đáng để được cân nhắc.
Theo ý tưởng này, để giảm bớt tác động từ chương trình xây dựng hải quân quy mô lớn và vô hiệu hóa mạng lưới chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, Washington có thể bán hoặc cho thuê các vũ khí tinh vi nhất của mình.
Trong số này, có thể kể đến tàu ngầm tấn công hạt nhân, đặc biệt là tàu ngầm tấn công uy lực lớp Virginia.
Cho tới ngày nay, ý tưởng này thỉnh thoảng lại bất ngờ xuất hiện.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia.
Kazianis đề cập tới trường hợp của Australia và cho rằng nước này có thể được cung cấp các tàu ngầm tốt nhất trên thế giới với mức giá đắt đỏ hơn tàu ngầm thông thường nhưng có phạm vi hoạt động xa hơn.
Chưa hết, chúng còn có những khả năng mà hạm đội tàu ngầm mở rộng của Canberra cần có để thực hiện nhiệm vụ tuần tra.
Những chiếc tàu ngầm này sẽ có khả năng vượt trội hơn nhiều so với mẫu tàu ngầm mà Nhật Bản và một số nước khác chào bán cho Australia để thay thế các tàu ngầm lớp Colin đang gặp phải nhiều vấn đề.
Không những thế, chúng mang lại chiều sâu chiến lược và điều đó có thể trở nên vô cùng hữu dụng nếu Bắc Kinh đẩy những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Hoa Đông đi quá xa.
Tại sao không?
Vài năm trước, khi Kazianis đặt câu hỏi cho Ross Babbage, một trong những chuyên gia quốc phòng hàng đầu của Australia, ông này đã nảy ra vài ý tưởng thú vị, thậm chí còn đề cập đến khả năng một quốc gia có thể cung cấp tàu ngầm tấn công cho Canberra.
“Tôi vẫn giữ quan điểm rằng các tàu ngầm tốt nhất dành cho Australia trong 40 năm tới sẽ là 10-12 tàu ngầm lớp Virginia hoặc Astute mua/thuê từ Mỹ.
Đặc biệt, các tàu ngầm lớp Virginia có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu và đáng tin cậy, chúng có độ rủi ro thấp, giá cả rõ ràng, không cần tái nạp nhiên liệu, có thể kèm theo các chương trình huấn luyện liên kết và các gói nâng cấp hệ thống khi mua lại tàu…"
"Các yếu tố còn lại có thể không nhiều khác biệt, tuy nhiên, nếu chính phủ Mỹ “bật đèn xanh” cho ý tưởng này thì tàu ngầm lớp Virginia sẽ là lựa chọn hợp lý hơn đối với Australia.
Các tàu ngầm này của Virginia sẽ hoạt động phối hợp chặt chẽ với các tàu ngầm Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, sẽ có những lợi thế đáng kể cho cả 2 bên, từ dùng chung căn cứ, hỗ trợ hậu cần cho tới huấn luyện và nhiều khía cạnh khác"
Bên trong tàu ngầm lớp Virginia.
“Đáng lưu ý, Hải quân Mỹ đã khuyến cáo Quốc hội rằng lực lượng này dự kiến sẽ vận hành tổng cộng 39 tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) trên toàn cầu vào năm 2030.
Trong cuộc khủng hoảng ở Tây Thái Bình Dương vào thời điểm đó, Hải quân Mỹ có thể có 30-31 SSN sẵn sàng hoạt động và đủ khả năng triển khai khoảng 20-24 SSN trên mặt trận chính yếu.
Nếu Mỹ nhận được sự hỗ trợ từ 8-10 SSN của Australia đang phối hợp hoạt động chặt chẽ với các tàu ngầm Mỹ thì năng lực tác chiến của họ sẽ được bổ sung 30-40%.
Cách tính toán này sẽ khiến cho ý tưởng trên nhìn chung trở nên hấp dẫn với cả Washington và Honolulu (thủ phủ tiểu bang Hawaii)”.
Tuy nhiên, những chiếc tàu ngầm hạt nhân như vậy rất đắt đỏ. Vì thế, nhà phân tích Kazianis tiếp tục đưa ra một lựa chọn khác cho Babbage – đó là mua tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles (lớp tàu cũ hơn Virginia) từ Washington.
Babbage trả lời rằng:
“Mặc dù đó là ý hay nhưng tôi không cho rằng nó có lợi cho Australia.
Nếu chính phủ quyết định tiến bước tiến lớn là thuê hoặc mua tàu ngầm hạt nhân từ Mỹ hoặc Anh (hoặc từ Pháp), Hải quân Australia sẽ muốn kết hợp huấn luyện với lực lượng hải quân của nước cung cấp tàu trong giai đoạn đầu, miễn là khả thi.
Hải quân Australia muốn trải qua chương trình đào tạo và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn nghiêm ngặt như Hải quân Mỹ và chính họ đang áp dụng.
Chương trình huấn luyện và phát triển kỹ năng này phần lớn sẽ xoay quanh lớp tàu ngầm mà Australia có ý định vận hành trong 30-40 năm tiếp theo.
Nếu Hải quân Australia mua hoặc thuê tàu ngầm lớp Virginia, nó sẽ mang lại ý nghĩa lớn nhất bởi gần như toàn bộ chương trình đào tạo sẽ hướng tới lớp tàu đó”.
Song theo Babbage, vẫn có một cách khác để các tàu ngầm lớp cũ hơn tham gia vào kế hoạch này:
“…Hải quân Australia và Hải quân Mỹ có thể hợp tác vận hành 1 hoặc 2 tàu ngầm lớp Los Angeles (688) một vài năm trong giai đoạn đầu của chương trình SSN dành cho Australia.
Sự sắp xếp đặc biệt này có thể được thiết kế để xây dựng kỹ năng và đào tạo chuyên môn cho Hải quân Australia, đồng thời tạo cơ hội cho các SSN của Mỹ được hoạt động dài hơn một vài năm so với kế hoạch loại biên hiện tại.
Hướng tiếp cận này đáng để cân nhắc nếu các yếu tố quan trọng khác liên quan đến lực lượng SSN của Australia và mối quan hệ hợp tác giữa 2 phía được các chính phủ thông qua”.
Simon Cowan, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập và tác giả bản báo cáo “The Future Submarine Project Should Raise Periscope For Another Look”, cũng có quan điểm riêng về vấn đề này.
Ông đã đưa ra những luận điểm khá thuyết phục trong bài viết trên tạp chí Diplomat khi đề cập tới khả năng thuê tàu ngầm:
“Thuê các tàu ngầm lớp Virginia cùng với chương trình huấn luyện, các gói nâng cấp, duy trì hoạt động và xử lý vật liệu hạt nhân sẽ hạn chế những rủi ro và thách thức khi thiết lập chương trình tàu ngầm hạt nhân.
Trước mắt sẽ tốn khoảng 20 tỷ USD, sau đó thêm 4-6 tỷ USD chi phí cho cơ sở hạ tầng và tổ chức… Có thể tiết kiệm 3/4 tỷ USD chi phí vận hành một năm – tàu ngầm lớp Collins của Australia tốn nhiều chi phí hoạt động hơn so với tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.
Mặc dù mức độ an toàn của tàu ngầm hạt nhân là yếu tố quan trọng cần cân nhắc nhưng các tàu ngầm hạt nhân Mỹ được đánh giá có độ an toàn hoàn hảo.
Chúng đã di chuyển hơn 240 triệu km mà không gặp sự cố nào về lò phản ứng và từng nhiều lần ghé thăm các căn cứ của Australia mà không gặp bất cứ vấn đề nào.
Hơn nữa, các lò phản ứng trên tàu ngầm có kích cỡ chỉ bằng một phần nhà máy điện hạt nhân nên ít nguy hiểm hơn nhiều".
“Những người chỉ trích lấy lý do phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nước ngoài để phản đối Australia vận hành tàu ngầm hạt nhân.
Sự lo ngại này thật thừa thãi, bởi trên thực tế, Australia đã phụ thuộc rất lớn vào các lực lượng quốc phòng và các công ty quốc phòng nước ngoài, bên cạnh các công ty con của Australia để phát triển và duy trì các phương tiện của mình”.
Theo nhà phân tích Kazianis, lựa chọn tối ưu nhất dành cho Canberra vẫn là tàu ngầm hạt nhân. Bất cứ lựa chọn nào khác đều không thể tối ưu hơn thế.