Lầu Năm Góc bất ngờ ưu tiên tên lửa chống tàu
Với lý do cần thêm kinh phí cho các chiến dịch quân sự ở Trung Đông, trong đề xuất ngân sách năm tài khóa 2017, Lầu Năm Góc đã đề nghị cắt giảm các khoản chi vào máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu chiến và xe bọc thép, ngoại trừ tên lửa chống tàu.
Trong khi đó, viện dẫn các tiến bộ của Nga và Trung Quốc, chuyên gia quân sự David Axe cho rằng Lầu Năm Góc đang gấp rút để bắt kịp các đối thủ của mình.
Hồi đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất khoản ngân sách 582.7 tỷ USD cho năm tài khóa 2017, tăng lên so với mức 573 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, chuyên gia Axe lưu ý rằng, khoản chi được đề xuất này đã bao gồm các khoản cắt giảm trong kế hoạch mua sắm thiết bị mới cho cả 3 Quân chủng.
Theo vị chuyên gia, điều đó “giúp Mỹ trang trải cho các chiến dịch quân sự ở Syria, Iraq, Afghanistan” và “triển khai lực lượng ở Tây Thái Bình Dương, cũng như châu Âu để đối phó 2 đối thủ ngày càng hung hăng là Nga, Trung Quốc”.
Song, điều đáng chú ý là, Lầu Năm Góc sẽ không cắt giảm kinh phí cho một loại vũ khí đặc biệt, đó là “tên lửa chống tàu”. Trên thực tế, kinh phí được tăng lên với hàng trăm triệu USD đầu tư mới.
“Đột nhiên, có vẻ như tiêu diệt tàu chiến đối phương trở thành ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc” – Axe viết.
Theo Axe, Hải quân Mỹ đề xuất mua ít nhất 3 loại tên lửa mới, được thiết kế chuyên để đánh chìm tàu chiến đối phương từ khoảng cách xa.
Các vũ khí chống tàu mới sẽ có khả năng tàng hình cao hơn, bay xa và nhanh hơn, cũng như có sức hủy diệt lớn hơn các vũ khí hiện tại của Hải quân.
Bắt kịp Nga - Trung
Tại sao lại đột ngột như vậy? Chuyên gia Axe cho rằng:
“Việc Hải quân Mỹ cấp bách mua hàng trăm tên lửa chống tàu tầm xa đã phản ánh quyết tâm của lực lượng này nhằm đánh bại 'một nước Nga đang hồi sinh và một Trung Quốc đang trỗi dậy trên biển' – theo cách gọi của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work”.
Trước đó, trong buổi trò chuyện với các thủy thủ tại căn cứ hải quân San Diego, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh:
“Chúng ta phải đối mặt với những đối thủ đang thách thức chúng ta trên đại dương và chúng ta cần cân đối đầu tư vào những năng lực đó – những năng lực tiên tiến – theo cái cách mà chúng ta đã không tiến hành trong một thời gian dài”.
Tên lửa chống hạm Harpoon
Nhắc lại thời Chiến tranh Lạnh, Axe cho biết khi đó “Hải quân Mỹ rất giỏi đánh chìm tàu chiến địch. Họ có trong tay 2 trong số những tên lửa chống tàu tốt nhất trên thế giới – Harpoon và Tomahawk...
Với 2 vũ khí này, Hải quân Mỹ luôn sẵn sàng tấn công tàu chiến Liên Xô nếu tình hình Chiến tranh Lạnh trở nên căng thẳng hơn.
Thế nhưng, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, Hải quân Mỹ chuyển trọng tâm về đất liền, với các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích tại Iraq, Serbia, Afghanistan, sau đó tiếp tục tại Iraq, Libya và Syria.
“Kết quả là”, Axe viết, “để lại một lỗ hổng trong năng lực hải quân của Mỹ. Các tàu chiến của Mỹ đã thành thạo trong việc tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền nhưng trở nên ‘bất lực’ trên biển”.
“Khi Hải quân Trung Quốc bắt đầu xây dựng lực lượng vào đầu những năm 2000 và vài năm sau đó, Nga bắt đầu khôi phục hạm đội bị bỏ quên của mình, cả 2 quốc gia này đã lợi dụng lỗ hổng của Mỹ.
Moscow và Bắc Kinh trang bị cho tàu chiến, tàu ngầm và các máy bay chiến đấu của họ một loạt tên lửa chống tàu uy lực, với tầm bắn và sức phá hủy lớn hơn so với tên lửa chống hạm Harpoon đang dần già nua.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Du Wenlong nói về tên lửa YJ-18 trong một chương trình của CCTV.
“Chẳng hạn, tên lửa Klub dài hơn 8m của Nga (Kalibr-PL và Kalibr-NK) có thể bay xa tới 640km và trong giai đoạn cuối của hành trình, nó có thể tăng lên tốc độ siêu thanh để tối đa mức độ thiệt hại gây ra cho mục tiêu.
Tên lửa YJ-18 của Trung Quốc cũng gần ngang ngửa với Klub và thậm chí có thể là bản sao bất hợp pháp của tên lửa Nga” – Axe nhận định.
Đáng lo là tàu chiến của Nga và Trung Quốc đã trang bị tên lửa tầm xa Klub và YJ-18, chúng có thể bắn tàu chiến Mỹ trước khi những con tàu này tiếp cận đủ gần để tấn công mục tiêu với tên lửa Harpoon lạc hậu hơn. Điều này đẩy Mỹ vào thế bất lợi nghiêm trọng.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tiêu diệt IS hồi tháng 10
Vì vậy, các kỹ sư quân sự Mỹ đã nghĩ ra một loạt các vũ khí chống tàu mới, trong đó gồm 3 loại: một loại tên lửa phóng từ tàu chiến hoặc máy bay của Lockheed Martin với tầm bắn hơn 320km.
Tiếp theo là một phiên bản mới của tên lửa Tomahawk với đầu dò nhạy bén hơn, hứa hẹn biến Tomahawk trở thành tên lửa hành trình chống tàu tầm bắn trên 1.600km.
Cuối cùng là tên lửa đánh chặn SM-6 của Raytheon cũng có khả năng tấn công tàu chiến.
“Kết hợp với nhau”, theo Axe, “3 vũ khí mới này sẽ bắt đầu xoay chuyển cán cân trên biển nghiêng trở lại phía Hải quân Mỹ”.