Từ vụ MiG-21 Syria bị bắn hạ: Máy bay Nga tự bảo vệ thế nào?

Hải Vy |

Nếu thông tin “MiG-21 Syria bị tên lửa đất-đối-không bắn hạ” được xác nhận thì các câu hỏi tiếp theo sẽ là: Đó là tên lửa gì? Có đe dọa các máy bay Nga đang hoạt động tại Syria?

MiG-21 Syria bị bắn hạ?

Một chiếc MiG-21US của Không quân Syria đã bị rơi gần sân bay quân sự ở tỉnh Hamas hôm thứ Bảy vừa qua (12/3).

Có rất nhiều báo cáo khác nhau tranh luận về nguyên nhân thực sự của vụ việc: Do sự cố kỹ thuật hay bị phiến quân Hồi giáo bắn hạ?

Các chuyên gia phân tích của Nga đang đặt ra 2 câu hỏi: “Phải chăng lực lượng khủng bố đã có trong tay tên lửa phòng không?” và “Liệu máy bay Nga có an toàn?”

Diễn biến vụ việc như sau: Hôm thứ Bảy, hãng tin Sputnik dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, chiếc MiG-21US của Không quân Syria đã bị các phiến quân có vũ trang bắn hạ gần sân bay quân sự ở phía tây tỉnh Hamas (cách thủ đô Damascus 220km).

Một phi công đã thoát ra an toàn còn phi công thứ 2 đã thiệt mạng khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp.


Tiêm kích MiG-21 của Syria.

Tiêm kích MiG-21 của Syria.

“Sau khi máy bay bị bắn trúng, một phi công đã bật ghế phóng và hạ cánh xuống làng al-Magir do quân đội Syria kiểm soát.

Phi công thứ hai cố gắng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quân sự Hama. Tuy nhiên, hạ cánh thất bại và viên phi công đã thiệt mạng” – một nguồn tin quân sự thứ hai của Syria xác nhận.

Tuy nhiên, khi trao đổi với tờ Al Masdar News, một nguồn tin khác lại đưa ra thông tin hoàn toàn bất ngờ: chiếc máy bay bị rơi do sự cố kỹ thuật khi vừa tấn công vào các mục tiêu khủng bố và đang trên đường về.

Viên phi công đã thoát ra ngoài nhưng bị phiến quân bắn chết khi đang nhảy dù.

Al Masdar đăng tải một đoạn video chưa được xác nhận về chiếc máy bay gặp nạn. Tờ này cho biết “không có dấu hiệu nào cho thấy chiếc máy bay bị bắn bằng vũ khí phòng không”.

Đoạn video do tờ Al Masdar đăng tải.

Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria tuyên bố phiến quân đã bắn hạ chiếc máy bay bằng 2 tên lửa tầm nhiệt, một tên lửa nổ trong không trung và một tên lửa trúng máy bay, bắn hạ nó ngay lập tức.

Bình luận về các thông tin trái ngược này, nhà báo và chuyên gia quân sự Vladimir Tuchkov của Nga đề cập tới cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir với tạp chí Spiegel (Đức).

Trong đó, vị Ngoại trưởng này tuyên bố, Saudi sẵn sàng chuyển các hệ thống tên lửa đất-đối-không vác vai cho lực lượng đối lập ở Syria.

Trong bài phân tích trên tờ Svobodnaya Pressa, Tuchkov cho biết ông Al-Jubeir đã tuyên bố rằng: "Các tên lửa không-đối-đất sẽ thay đổi cán cân sức mạnh theo cái cách mà nó đã thực hiện ở Afghanistan”.

“Rõ ràng, vị Bộ trưởng của Saudi đang nói về những tên lửa Stinger chuyển giao cho phiến quân Mujahideen (Afghanistan).

Khi đó, không quân Liên Xô đã chịu tổn thất nặng nền trước các MANPADS (tên lửa phòng không vác vai) của Mỹ".

Máy bay Nga tự bảo vệ thế nào?

Nếu thông tin “MiG-21 Syria bị tên lửa đất-đối-không bắn hạ” được xác nhận thì các câu hỏi tiếp theo sẽ là: Đó là loại tên lửa gì? Có thể đe dọa các máy bay Nga đang hoạt động tại Syria?

Trả lời phỏng vấn tờ International Business Times (Anh) về tuyên bố của Ngoại trưởng Saudi hồi tháng trước, Nic R. Jenzen-Jones – Giám đốc tư vấn của Cơ quan Dịch vụ nghiên cứu Trang thiết bị Vũ khí cho rằng:

Những tên lửa này “có thể tạo ra mối đe dọa đáng kể nhưng chỉ là với các máy bay của quân chính phủ Syria, đặc biệt là máy bay cánh xoay (như trực thăng).

“Từ khía cạnh kỹ thuật, các loại MANPADS hoặc SAM (tên lửa đất-đối-không) mà Saudi Arabia cung cấp có vẻ không mấy hiệu quả trước một số loại máy bay chiến đấu của Nga ở Syria” - Jenzen-Jones nói.

Về phần mình, theo Tuchkov, ngay cả nếu phiến quân được trang bị loại tên lửa SAM mới nhất mà các nhà sản xuất Mỹ giới thiệu thì trong bất cứ trường hợp nào, máy bay và trực thăng Nga đều có các hệ thống đối phó để vô hiệu hóa chúng.


Các điểm treo thành phần của hệ thống “President-S” trên trực thăng.

Các điểm treo thành phần của hệ thống “President-S” trên trực thăng.

“Trực thăng Mi-24 của nga tại Syria được trang bị hệ thống phòng vệ trên không mới nhất President-S. Hệ thống này được đưa vào sản xuất trong năm ngoái, do Viện nghiên cứu khoa học Ekran ở Samara phát triển” – Tuchkov cho hay.

“Các tên lửa Stinger mà Mỹ cung cấp cho phiến quân Mujahideen thực sự là vũ khí hiệu quả chống lại không quân Liên Xô trong chiến tranh Xô Viết – Afghanistan.

Pháo sáng mồi bẫy do máy bay bắn ra sau khi phát hiện tên lửa đất-đối-không đang đến gần hóa ra không phải là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất.

Pháo sáng chỉ có thể “đánh lừa” các tên lửa thế hệ cũ dùng đầu dò hồng ngoại. Tên lửa Stinger dùng đầu dò tia cực tím, giúp nó có thêm khả năng phân biệt mục tiêu trước các biện pháp đối phó, đánh lừa".

“Phát minh của Mỹ”, Tuchkov viết, “cùng với tên lửa 9K38 Igla của chúng ta đã cho phép tiến hành nhiều vụ tấn công thành công nhằm vào các mục tiêu bay tầm thấp, trong đó có trực thăng, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hạ thấp độ cao để không kích”.

Trong khi đó, máy bay trang bị hệ thống President-S không hề hấn gì trước các loại MANPADS hiện hành, ngay cả khi một chiếc trực thăng lượn ngay gần vị trí xạ thủ thì tên lửa đang nhắm vào nó cũng sẽ bắn trượt.

Tổ hợp này không chỉ có khả năng đối phó tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại/tia UV mà cả tên lửa dẫn đường bằng radar.

Các hệ thống chống tên lửa trên máy bay Nga đã trải qua một chặng đường dài hiện đại hóa, từ hệ thống sử dụng mồi bẫy nhiệt vào đầu những năm 1980 tại Afghanistan.

Đó là hệ thống gây nhiễu L116V1A 'Lipa', được gắn cố định ở phần trên thân máy bay. Tại Afghanistan, hệ thống này đã giúp giảm đáng kể thiệt hại của trực thăng Mi-8 và Mi-24 đang hoạt động tại đây, tới 90%.

“Tuy nhiên, người Mỹ đã tìm ra cách là tăng độ nhạy và khả năng chọn lọc của máy thu hồng ngoại, thay đổi tần số hoạt động từ 1,3 lên 3,5 micron, cho phép chúng dò mục tiêu không theo mồi bẫy mà theo khí thải của động cơ.

Ngoài ra, các tên lửa tầm nhiệt được trang bị hệ thống làm mát chứa nitrogen lỏng, giúp làm giảm các tạp âm nhiệt khi bay".


Thành phần của hệ thống phòng vệ trên không President-S.

Thành phần của hệ thống phòng vệ trên không President-S.

Nhằm đối phó với các tiến bộ của Mỹ trong công nghệ chế tạo MANPADS, Viện nghiên cứu khoa học Ekran đã phát triển hệ thống President-S.

Đây là một hệ thống đối phó tùy chọn nhiều lớp, cho phép lắp đặt trên nhiều phương tiện khác nhau, theo các cách bố trí kết hợp khác nhau, như trong thân hoặc gắn bên ngoài máy bay và trực thăng.

Hệ thống có phạm vi hoạt động hiệu quả từ 500 đến 5.000m, có khả năng làm chệch hướng đồng thời 2 tên lửa.

Ngoài MANPADS, hệ thống President-S còn có khả năng đối phó hiệu quả với các tên lửa SAM cố định và tên lửa không-đối-không.


Phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng vệ trên không President-S được trưng bày.

Phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng vệ trên không President-S được trưng bày.

President-S là hệ thống mới, đang được ưu tiên trang bị cho các loại máy bay dễ bị MANPADS tấn công như trực thăng (Mi-28, Ka-52, Mi-26) và máy bay vận tải IL-76.

Trong tương lai, các thành phần của hệ thống không chỉ được trang bị cho lực lượng không quân chiến thuật, mà cả lực lượng vận tải và hàng không dân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại