Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm qua (18/12) cho biết nước này đang cân nhắc tăng số lượng tiêm kích tàng hình đa nhiệm F-35 do Lockheed Martin sản xuất để tăng cường cho Lực lượng tự vệ trên không (ADSF), đồng thời xem xét để F-35 trở thành tiêm kích chủ lực.
Theo các quan chức Nhật Bản, Bộ QP nước này đã quyết định cho nghỉ hưu phi đội F-4 và thay thế chúng bằng 42 tiêm kích F-35. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tính đến khả năng thay thế các tiêm kích chủ lực F-15 đã hoạt động lâu năm bằng F-35.
Bộ QP Nhật Bản cho hay họ lựa chọn tiêm kích thế hệ năm F-35 bởi khả năng tàng hình cao, chỉ sau F-22 Raptor và hệ thống truyền tải dữ liệu tiên tiến.
Bên cạnh đó, do kế hoạch nới lỏng quy định xuất khẩu vũ khí, Chính phủ Nhật Bản muốn các công ty trong nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất loại tiêm kích này, hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần.
Các tập đoàn lớn của Nhật như Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, tập đoàn IHI và tập đoàn Điện tử Mitsubishi đã được lựa chọn để tham gia vào quá trình sản xuất các linh kiện và bảo trì cho máy bay F-35.
Trong số 42 chiếc tiêm kích F-35 được Nhật Bản đặt mua, lô 4 chiếc đầu tiên sẽ lắp ráp tại Mỹ, có kế hoạch đưa đến Nhật Bản vào năm 2016. 38 chiếc máy bay chiến đấu còn lại sẽ bắt đầu sản xuất ở Nhật Bản từ năm 2017, do tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi tham gia lắp ráp.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hiện đang nhắm tới 2 biến thể của tiêm kích F-35 với khả năng cất hạ cánh thẳng đứng trên đường băng ngắn. Các quan chức Nhật Bản cho biết tiêm kích F-35 có thể được sử dụng phối hợp với các lực lượng mặt đất và xe chiến đấu lưỡng cư trong các hoạt động triển khai nhanh chóng tới các quần đảo xa ngoài khơi Nhật Bản.
Theo các chuyên gia quân sự, F-35 có thể mang tên lửa không-đối-không, không-đối-đất/đối hạm. Trong tương lai, F-35 còn có thể được trang bị những loại vũ khí thế hệ mới như vũ khí laser hay vũ khí tấn công nhanh (HSSW) như tên lửa siêu vượt âm.
Mặc dù chương trình F-35 gặp phải một số trục trặc như khả năng hạ cánh trên tàu sân bay, một số báo cáo cho biết F-35 không thể triển khai chính xác tên lửa không-đối-không do Anh sản xuất và gặp khó khăn khi hoạt động trong môi trường băng giá nhưng Bộ Quốc phòng Nhật Bản tỏ ra tự tin đối với chương trình này.
Các quan chức Nhật Bản cho biết với mức giá giảm, tiêm kích F-35 còn rẻ hơn một số tiêm kích thế hệ 4 khác như Gripen, Rafale, MiG-35, F-15 Eagle hay European Typhoon. Đây cũng là một trong những nhân tố khuyến khích Nhật Bản lựa chọn F-35 làm tiêm kích chủ lực của Lực lượng tự vệ trên không trong tương lai.