Nga: VN đã đặt mua tiêm kích nhẹ - huấn luyện Yak-130?

Bình Nguyên |

Chủ tịch Tập đoàn sản xuất máy bay Thống nhất Nga, Mikhail Pogosyan đã khẳng định với Hiệp hội thông tin Quốc phòng và An ninh Châu Âu (ESPDA) rằng: Việt Nam đã đặt mua Yak-130.

Việt Nam đã đặt mua Yak-130?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của Hiệp hội Thông tin Báo chí Quốc phòng và An ninh Châu Âu (ESPDA), Chủ tịch Tập đoàn Sản xuất máy bay Thống nhất Nga (UAC), Mikhail Pogosyan đã khẳng định rằng: Việt Nam đã đặt mua Yak-130.

Chủ tịch tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất nga (UAC)
Mikhail Pogosyan
"Máy bay Yak-130 được sản xuất tại nhà máy Irkutst và hơn 40 chiếc đã được bàn giao cho Không quân Nga, trong khi 16 chiếc khác đã giao cho Không quân Algeria. Máy bay này cũng đang được đặt mua bởi Việt Nam và Bangladesh".

Sau nhiều thông tin gợi mở của truyền thông quốc tế, có lẽ đây là thông tin chính thức đầu tiên về việc Việt Nam mua dòng máy bay tiêm kích hạng nhẹ kiêm chức năng huấn luyện phi công phản lực tiên tiến nhất của Nga, được phát ngôn bởi người có thẩm quyền cao nhất.

Tiếp đó, thêm một lần nữa thông tin này được khẳng định với Hãng thông tấn ITAR-TASS (Nga) bởi ông Alexander Fomin - Giám đốc Cơ quan hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên Bang Nga:

"Chúng tôi đang tiến hành những công việc cần thiết để cung cấp dòng máy bay này cho Mông Cổ, Việt Nam và nhiều nước khác". Trong đó, Bangladesh dự kiến sẽ nhận đủ 16 chiếc Yak-130 vào trước năm 2016 theo khoản tín dụng được cung cấp bởi Chính phủ Nga.

Trước đó, Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí thế giới của Nga (TSAMTO) đã đánh giá nhu cầu mua sắm máy bay huấn luyện Yak-130 của Việt Nam ít nhất là 14 chiếc và có thể lên tới 20 chiếc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Theo TSAMTO, số máy bay này dự kiến sẽ được Việt Nam mua sắm theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 8 chiếc và giai đoạn 2 là từ 6 tới 12 chiếc.

Như vậy, nếu thông tin từ các vị quan chức cao cấp nhất nói trên là chính xác thì có lẽ hợp đồng đặt mua 8 chiếc Yak-130 đầu tiên có thể đã được ký kết hoặc chí ít cũng đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng.

Bởi lẽ, không phải ngẫu nhiên mà 2 người có thẩm quyền, gồm 1 người điều hành Nhà mày sản xuất - ông Mikhail Pogosyan và 1 người đứng đầu cơ quan quản lý cấp Liên Bang về hợp tác quân sự - ông Alexander Fomin, đều phát ngôn mang tính khẳng định như vậy.

Ngoài nhiệm vụ chính huấn luyên phi công chiến đấu phản lực, Yak-130 cũng có thể đóng vai trò như một dòng máy bay tấn công hạng nhẹ. Ảnh: Airliners.net

Việt Nam có cần nhiều máy bay huấn luyện phản lực?

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á tự chủ được hoàn toàn từ A đến Z công tác đào tạo phi công chiến đấu phản lực.

Trường Sĩ quan Không quân là niềm tự hào của Không quân nhân dân Việt Nam, vinh dự là cái "nôi" đào luyện sĩ quan chỉ huy, phi công quân sự và nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nhà trường đã tổ chức được 120 khóa đào tạo, bổ túc; chuyển loại cho hàng ngàn lượt phi công, cán bộ, nhân viên kỹ thuật hàng không.

Nhiều giảng viên, học viên phi công trực tiếp tham gia nhiều trận không chiến, bắn rơi nhiều máy bay địch, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời, mục tiêu trọng yếu và trở thành cán bộ cao cấp, tướng lĩnh trong Quân đội.

Từ mái trường này, nhiều lứa phi công xuất sắc đã ghi danh vào bảng vàng của Quân chủng Phòng không - Không quân như các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hải, Đinh Tôn, Đỗ Văn Lanh, Nguyễn Nhật Chiêu...

UV Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam
NGUYỄN THIỆN NHÂN
Nhà trường cần tiếp tục nâng cao khả năng đào tạo để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao để phi công làm chủ được phương tiện, thiết bị, vũ khí, máy bay thế hệ mới. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế khi chuẩn bị trở thành cơ sở đào tạo trình độ đại học chuyên ngành hàng không.
Hiệu trưởng trường sĩ quan không quân
Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường
Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, nhất là vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, cải tiến; tinh thần trách nhiệm trong bảo quản, bảo dưỡng, giữ tốt, dùng bền có chuyển biến tích cực; khả năng khai thác, đảm bảo an toàn, nhất là trong huấn luyện bay, diễn tập bắn đạn thật, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị trung tâm của Nhà trường được nâng cao.

Với định hướng tiến thẳng lên hiện đại của QC PK-KQ, Nhà trường đang được đầu tư lớn, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị dạy học, tạo điều kiện, tình huống, môi trường, địa bàn tác chiến như thật, nâng cao khả năng thực hành của học viên.

Hiện nay, học viên phi công ban đầu sẽ làm quen với máy bay cánh quạt Yak-52, tiếp đó bay trên máy bay phản lực L-39.

Sau khi tốt nghiệp trên L-39, các học viên sẽ được đào tạo trên các dòng máy bay chiến đấu phản lực như MiG-21Bis, Su-22M/M4. Một số phi công trẻ có trình độ bay tốt sẽ được ưu tiên chuyển thẳng lên học bay trên các máy bay tiêm kích hiện đại Su-27/30.

Liệu trong tương lai gần, các máy bay huấn luyện phản lực L-39 của Việt Nam sẽ được thay thế bởi Yak-130?.

Ảnh: Trung đoàn Không quân 910.

Qua nhiều năm sử dụng, các máy bay huấn luyện phản lực L-39 của Nhà trường hầu hết đều có số giờ bay tích lũy lớn và đang ở gần cuối vòng đời. Do vậy, trong tương lai gần, chúng cần được thay thế bằng các máy bay thế hệ mới, hiện đại hơn.

Việc lựa chọn Yak-130 là quyết định hoàn toàn đúng đắn, bởi lẽ dòng máy bay này được trang bị các thiết bị hiện đại, đặc biệt là buồng lái "kính" với các màn hiển thị màu đa năng phù hợp với khái niệm áp dụng cho buồng lái các tiêm kích thế hệ 4+ và 5.

Thêm nữa, trong vài chục năm tới, xương sống của Không quân Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào lực lượng máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4, 4+ và thậm chí cả máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 có xuất xứ từ Nga.

Thế nên, máy bay huấn luyện "cùng hệ" như Yak-130 sẽ giúp công tác đào tạo phi công quân sự thuận lợi hơn rất nhiều. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí đào tạo, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành.

Ngoài nhiệm vụ chính huấn luyên phi công chiến đấu phản lực, Yak-130 cũng có thể đóng vai trò như một dòng máy bay tấn công hạng nhẹ, làm nhiệm đối không, đối đất bằng vũ khí có điều khiển chính xác tương đối tốt.

Mặc dù vậy, việc Việt Nam mua Yak-130 mới chỉ được thông tin từ "một phía", tức là "bên bán", kể cả khi đó là những quan chức cao cấp nhất, có thẩm quyền của Nga, thì vẫn chưa thể đảm bảo khẳng định 100% cho tới khi có sự xác nhận của "bên mua".

Cho nên nhiều ứng viên khác, nhất là thế hệ "đàn em" của L-39 có lẽ vẫn còn cơ hội, dù không nhiều. Chúng tôi sẽ dành thời gian phân tích sâu và so sánh giữa các ứng viên này, để làm rõ hơn tại sao Yak-130 có ưu thế vượt trội trong các bài viết tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại